Cảnh giác thủ đoạn giả danh cơ quan tố tụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo cơ quan công an, thời gian qua, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là hình thức lừa đảo giả danh các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện đe dọa nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Lực lượng chức năng khuyến cáo, cơ quan tư pháp các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra sẽ làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo gửi đến chính quyền, cá nhân, tổ chức. Tuyệt đối không làm việc thông qua mạng viễn thông và mạng xã hội. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn và thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất hỗ trợ giải quyết.

Cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Phúc Yên lấy lời khai đối tượng Lại Quốc Việt trong vụ dàn cảnh, giả danh cảnh sát giao thông báo “phạt nguội” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Trường Khanh

Chỉ trong tuần đầu tháng 7/2023, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh đã nhận được 4 đơn trình báo tội phạm về việc bị các đối tượng giả danh cơ quan tố tụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, đa phần nạn nhân là người cao tuổi. Bên cạnh đó, thời gian qua, các đơn vị công an các cấp trong tỉnh cũng nhận không ít đơn trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với hình thức giả danh các cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án...

Mới đây, bà N.T.T (phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) bị một đối tượng gọi điện giả danh cơ quan công an thông báo bà T. đang liên quan đến vụ án đang điều tra và số tiền bà có được trong tài khoản ngân hàng là do các vụ làm ăn bất chính mà có, cần phải niêm phong tài khoản. Nếu không muốn bị điều tra, khởi tố thì yêu cầu nạn nhân phải chuyển một số tiền cho "cơ quan điều tra" để “chạy án”.

Vì không muốn bị vướng vòng lao lý và mất số tiền lớn cả đời tiết kiệm được, quá hoảng hốt, bà T. đã chuyển số tiền hàng trăm triệu đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Vụ việc ngay sau đó đã được người nhà nạn nhân phát hiện và trình báo đến cơ quan công an…

Thượng tá Trần Quang Tùng Khánh, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Mặc dù, lực lượng chức năng đã liên tiếp đưa ra cảnh báo trên không gian mạng, phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng hiện nay số người "sập bẫy" lừa đảo giả danh cơ quan tố tụng vẫn gia tăng do thủ đoạn, phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi.

Kịch bản phổ biến được nhiều đối tượng sử dụng đó là giả danh lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như phương tiện giao thông của bị hại liên quan đến một vụ tai nạn giao thông rồi bỏ trốn; buôn bán ma túy; lừa đảo xuyên quốc gia...

Khi nạn nhân cho biết mình không liên quan hoặc không phạm tội gì, bằng những thông tin đã thu thập được từ trước của nạn nhân, các đối tượng đã de dọa, liên tiếp yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn phục vụ cho công tác điều tra hoặc để tạm dừng điều tra. Đổi lại, nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản được các đối tượng đưa ra nhằm chiếm đoạt…

Ngoài ra, khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể các thông tin trao đổi cho bất kỳ ai, kể cả người thân, cơ quan công an địa phương. Với thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp, các đối tượng đe dọa, dùng lời nói đanh thép thúc giục khiến cho nạn nhân không có thời gian để kiểm chứng thông tin.

Quá trình điều tra các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an nhận thấy, nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo đa phần đều cao tuổi, thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật, nhất là các kiến thức liên quan đến tố tụng hình sự; ít tiếp cận với những thông tin thời sự, cảnh báo tội phạm hiện nay. Khi bị lừa đảo sợ mất uy tín nên không ít nạn nhân không trình báo với cơ quan công an…

Để ngăn chặn những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu trên, lực lượng công an đề nghị tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh cần chủ động thực hiện các giải pháp.

Khi thấy những biểu hiện bất thường của khách hàng, nhất là khách hàng cao tuổi đến giao dịch (lo sợ, giục làm các thủ tục nhanh), yêu cầu chuyển số tiền tiết kiệm lớn cho đối tượng lạ mặt, không rõ lai lịch, các nhân viên cần có biện pháp trì hoãn giao dịch, cảnh báo khách hàng, nhanh chóng liên hệ với người thân trong gia đình của khách hàng để thông báo, đề phòng rủi ro.

Thực tế, thời gian qua, một số ngân hàng đã kịp thời ngăn chặn các vụ lừa đảo mạo danh công an yêu cầu nạn nhân chuyển tiền, giúp khách hàng không bị mất số tiền hàng trăm triệu đồng.

Lực lượng công an khuyến cáo, cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra các vụ việc sẽ làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, công ty, thân nhân gia đình và cá nhân cơ quan tư pháp muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua mạng di động và mạng xã hội.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại di động... cho bất kỳ ai, nhất là các trường hợp không rõ nhân thân, lai lịch.

Các trường thông tin, dữ liệu cá nhân này bị lộ lọt vào tay đối tượng xấu sẽ bị lợi dụng để thực hiện các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn hoặc thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất…

Kim Hiền

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/97115//canh-giac-thu-doan-gia-danh-co-quan-to-tung-lua-dao-chiem-doat-tai-san