Cảnh giác cao độ với virus Zika

Bộ Y tế đã chính thức thông tin về một trường hợp bị chứng đầu nhỏ do virus Zika. TP Hồ Chí Minh và Bình Dương cũng đã công bố dịch Zika cấp xã, phường.

Tại Hà Nội, tuy chưa ghi nhận bệnh nhân mắc nhưng khả năng dịch xâm nhập rất lớn. Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo người dân cần cảnh giác cao độ với virus Zika.

Nguy hiểm với thai nhi trong 3 tháng đầu

Tính đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 9 trường hợp mắc Zika và một trường hợp bị chứng đầu nhỏ. Thông tin này khiến người dân hết sức lo ngại, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai bởi những dấu hiệu khi nhiễm virus Zika không điển hình. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, nguy cơ virus Zika bùng phát trong cộng đồng rất cao do loài muỗi truyền bệnh này đang lưu hành phổ biến ở Việt Nam . Hiện nay, cùng với việc giám sát thân nhiệt hành khách tại các cửa khẩu, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các ca nghi ngờ nhiễm virus Zika để phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng cũng như nguy cơ hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi do bà mẹ nhiễm Zika trong thai kỳ.

Ra quân tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch sốt xuất huyết và Zika tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Hải Lý

Cũng theo ông Phu, bệnh nhân nhiễm virus Zika thông thường ở thể nhẹ có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Các nghiên cứu cho thấy virus Zika có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ em nhưng không phải tất cả trường hợp nhiễm đều mắc dị tật này. Về dấu hiệu nhận biết bệnh nhân nhiễm Zika, theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, thì bệnh thường chỉ có sốt nhẹ, phát ban ở phần thân mình, không lộ ra trên mặt hay ở bàn tay, bàn chân. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện mắt đỏ, giống như viêm kết mạc nhưng không có gỉ, đau mỏi khớp từ 2 - 7 ngày. Nhiều trường hợp bệnh nhẹ đến mức người bệnh không để ý. “Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là bệnh do virus Zika cũng có những biến chứng nặng, điển hình là biến chứng Guillain-Barre, hay còn gọi là viêm đa dây rễ thần kinh. Vì vậy, chúng tôi khuyên rằng, dù người bệnh có biểu hiện bệnh nhẹ vẫn cần phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, khẳng định xem mình có bị bệnh virus Zika hay không, đề phòng các biến chứng bệnh nặng” - bác sĩ Thái cho biết.

Không để sót ca bệnh

Để phòng tránh dịch bệnh do virus, căn bản vẫn là phòng tránh muỗi đốt. “Nếu làm tốt điều này, chúng ta không những giải quyết được bệnh do virus Zika mà còn ngăn chặn cả dịch sốt xuất huyết” - ông Phu nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, hiện nay, hoạt động phun hóa chất của ngành y tế chỉ giải quyết được khi mật độ muỗi nhiều và hiệu quả chỉ mang tính tạm thời. Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, mỗi người, mỗi hộ gia đình phải chủ động diệt muỗi, giảm nơi sinh sản của muỗi không những tại gia đình mà còn ở nơi làm việc.

Tại Hà Nội, trung tâm y tế các quận, huyện tiếp tục thực hiện các đợt tổng VSMT, thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy, tuyên truyền người dân phòng chống dịch. Theo ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện TP chưa ghi nhận ca bệnh Zika nào, nhưng trong thời gian tới, có thể sẽ có bệnh nhân do muỗi truyền virus Zika có lưu hành tại Hà Nội. Trước tình hình Việt Nam đã có trường hợp trẻ 4 tháng tuổi bị chứng đầu nhỏ do Zika, TP đã yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và các trung tâm chăm sóc sức khỏe trực thuộc Sở Y tế tăng cường quản lý thai sản, khám sàng lọc phụ nữ có thai nghi nhiễm virus Zika để tư vấn và xét nghiệm. “Lưu ý các trường hợp phụ nữ có thai bị phát ban, sốt, đau mỏi cơ, khớp, đau mắt đỏ, hoặc siêu âm thai nghi ngờ bị chứng đầu nhỏ và các bà mẹ sinh con có đầu nhỏ. Khi phát hiện các ca nghi ngờ, các đơn vị sản khoa cần báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, tuyệt đối không bỏ sót ca bệnh” - ông Hạnh nhấn mạnh.

Để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mắc Zika, đến thời điểm này, Hà Nội cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men, nhân lực nhằm kịp thời tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đang mang thai và dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây nhiễm virus Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/canh-giac-cao-do-voi-virus-zika-271720.html