Cảnh giác 'bẫy' làm đẹp

Nắm bắt nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng, thời gian qua các spa, thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh mọc lên như nấm sau mưa. Điều đáng nói, một số cơ sở chỉ đăng ký kinh doanh dịch vụ spa, phun xăm thẩm mỹ nhưng lại làm thêm các dịch vụ chuyên môn sâu, phẫu thuật 'chui', không có sự cấp phép của cơ quan chức năng.

Hậu quả từ làm đẹp

Chỉ vì ham đẹp, nhiều người bất chấp đến các cơ sở để làm đẹp mà chưa cần biết kết quả sẽ nâng sắc đẹp lên thế nào.

Tháng 3-2020, bà H. có đến một cửa hàng của chị L. chăm sóc da (TP Tuyên Quang) tiêm Fille vào ngực để làm đầy ngực. Tuy nhiên, sau tiêm được gần 2 tháng thì ngực trái của bà H. có hiện tượng đau và chảy dịch. Sau đó bà H. có gửi đơn đề nghị công an vào cuộc điều tra. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xác minh thì được biết cửa hàng này không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh nhưng vẫn thực hiện việc tư vấn, thăm khám và chỉ định sử dụng chất làm đầy ngực cho bà H. Sau đó chị L. đã bị xử phạt hành chính.

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Y tế, trong năm 2022, đoàn Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra 3 cơ sở có thông báo đăng ký hoạt động của cơ sở thẩm mỹ và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế. Qua quá trình kiểm tra tại cơ sở Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội - cơ sở Tuyên Quang đường Bình Thuận, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đoàn đã phát hiện vi phạm là sử dụng thiết bị chiếu tia, sóng, đốt khi sử dụng dịch vụ bắn nám, bắn tàn nhang, đốt mụn thịt, trị hôi, thực hiện dịch vụ cắt mí, nâng mũi đối với khách hàng.

Cơ sở làm đẹp Nguyễn Oanh, đường Chiến Thắng Sông Lô (TP Tuyên Quang) thực hiện các dịch vụ theo đúng thông báo của Sở Y tế.

Đủ chiêu “dụ” khách hàng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất ở địa bàn thành phố, các cơ sở làm đẹp vẫn mọc lên như nấm và hoạt động chui dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều cơ sở hoạt động chui, “núp bóng” hiệu uốn tóc, gội đầu nhưng vẫn lấn “sân” sang thẩm mỹ như: Phun xăm lông mày, nhấn mí, cắt mí… Không những thế, lợi dụng tâm lý thích rẻ của khách hàng, không ít cơ sở spa đã tung ra các chiêu quảng cáo làm đẹp với các gói dịch vụ giá rẻ đến khó tin dù rằng cơ sở không được cấp phép để thực hiện các dịch vụ đó.

Trong vai khách hàng có nhu cầu làm đẹp, chúng tôi tìm đến một spa trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Khi thấy tôi ngỏ ý muốn làm mí mắt, nhân viên tại quán nhiệt tình quảng cáo về các dịch vụ và chất lượng của spa. Để “dụ” được khách, nhân viên của quán đưa ra hàng loạt các hình ảnh mà những “khách hàng” spa đã thực hiện ca nhấn mí trước đó và hình ảnh đẹp lên sau khi nhấn mí tại đây cũng được đem ra làm “mồi nhử”.

Khi tôi tỏ ra băn khoăn vì sợ đau và có nhiều ca nhấn mí rồi mắt không chớp xuống như bình thường hay những ca mí còn sụp xuống hơn thì nhân viên ở đây trấn an luôn: “Làm không đau đâu chị! Chị cứ tin tưởng bên em, đội ngũ làm đẹp bên em làm là bảo đảm chị đẹp lên và bảo hành trọn đời. Nhiều trường hợp làm chỗ khác bị hỏng, đến đây chúng em sửa và hồi phục được hết”.

Tiếp tục đến một cơ sở làm đẹp khác trên địa bàn phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang để chăm sóc da mặt, tôi lại được nhân viên tư vấn tiêm chất làm đầy, xóa bỏ nếp nhăn trên mặt. “Bên em còn chuyên trị mụn, nám. Khách hàng đi khắp mọi nơi trị mụn, nám không hết nhưng đến bên em là hết” và nhân viên còn tư vấn cho tôi rất nhiều gói làm đẹp khác.

Thẩm mỹ viện phải thông báo đăng ký hoạt động

Bác sĩ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, các thẩm mỹ viện, spa là cơ sở kinh doanh không điều kiện. Họ chỉ cần được cấp giấy kinh doanh của hộ gia đình hay công ty là được làm, không cần giấy phép hoạt động của Sở Y tế. Tuy nhiên, các spa này chỉ được làm những dịch vụ thông thường về chăm sóc da, xông hơi hương liệu, thảo dược tạo sảng khoái cơ thể. Những cơ sở nào làm quá chức năng trên, sử dụng thuốc, hóa chất, thiết bị như: máy laser, máy đốt điện, tia vật lý, sóng… can thiệp làm thay đổi màu sắc của da, thay đổi hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể gồm: nhấn mí, bơm môi, tạo má lúm, tiêm chất làm đầy (filler), chỉnh sửa các bộ phận của cơ thể… đều trái với quy định.

Chỉ có các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, các bệnh viện có khoa thẩm mỹ mới được làm các kỹ thuật can thiệp. Những cơ sở này là cơ sở kinh doanh có điều kiện và phải được Sở Y tế thẩm định, cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh trước khi bắt đầu hoạt động. Theo quy định, các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ phải có ít nhất 1 bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, đã được đào tạo về chuyên ngành thẩm mỹ, được cấp chứng chỉ hành nghề về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật tạo hình hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Đặc biệt, ngoài các tiêu chuẩn trên, bác sĩ này phải có thời gian làm việc đúng chuyên ngành thẩm mỹ ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, đảm bảo đủ khả năng giải quyết các vấn đề về chuyên khoa thẩm mỹ. Còn những người khác tham gia làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ, nếu làm chuyên môn cũng phải là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2016/NĐ-CP về quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh đã bổ sung thêm loại hình cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và sau đó được điều chỉnh, bổ sung bằng Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Các nghị định này quy định rất rõ, những cơ sở này được hoạt động phun, xăm, thêu thẩm mỹ trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy không cần phải có giấy phép hoạt động nhưng trước khi hoạt động 10 ngày, cơ sở phải có “Thông báo đăng ký hoạt động của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ” gửi về Sở Y tế.

Đến nay, toàn tỉnh chưa có phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, các bệnh viện có khoa thẩm mỹ nào được cấp phép và chỉ có 5 cơ sở thực hiện thông báo đăng ký hoạt động của cơ sở thẩm mỹ và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế.

Bài, ảnh: Mai Tịch

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/canh-giac-bay-lam-dep-176281.html