Cánh đồng Mỏ Vàng

Biến cánh đồng Mỏ Vàng từ thế bất lợi, thành lợi thế trong canh tác là cách mà nông dân thôn Hưng Long, xã Thành Long (Hàm Yên) làm được để cho ra những trái cà chua chất lượng, giúp bà con tăng thêm thu nhập. Hiện người dân nơi đây đang tập trung xây dựng thương hiệu cà chua để sản phẩm ngày càng vươn xa.

Biến bất lợi, thành lợi thế

Lão nông Phạm Văn Nguyện là một những người đầu tiên ở thôn Hưng Long mạnh dạn đưa cây cà chua vào trồng. Ông Nguyện nói vui rằng, bà con trong thôn đã biến khu ruộng từ thế bất lợi, thành lợi thế trong canh tác. Bởi lẽ, cánh đồng Mỏ Vàng nằm ở đầu nguồn đập thủy lợi Ô Rô, xã Thái Hòa (Hàm Yên) nên hay bị ngập và úng vào tháng 6 và tháng 7. Do đó, nhiều vụ lúa bà con đã bị mất mùa do ruộng bị ngập úng. Tuy vậy, sau mỗi trận ngập úng, khu ruộng lại được bồi đắp lượng phù sa tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp cây trồng phát triển tốt. Trong khi đang loay hoay trồng thử nghiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, bà con đã tìm đúng cây mình cần đó là cây cà chua. Ban đầu, chỉ có vài hộ trồng thử vài chục cây đến vài trăm cây, trồng xen với các loại rau màu vụ đông. Qua trồng thử nghiệm, tích lũy kinh nghiệm chăm sóc qua mỗi vụ, cây cà chua ngày càng khẳng định vị thế là cây vụ ba chủ lực, mang lại thu nhập cao cho bà con.

Dẫn chúng tôi tham quan khu ruộng cà chua của thôn đang vào vụ thu hoạch, ông Phạm Văn Tuyền, thôn Hưng Long chia sẻ, cây cà chua có ưu thế vượt trội, đây là cây ngắn ngày, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, cây ít bị sâu bệnh, năng suất cao, đầu ra khá ổn định. Mỗi lứa cà chua kéo dài khoảng 4 tháng, riêng thời gian cho thu hoạch là gần hai tháng liền. Bà con lựa chọn trồng gối vụ cà chua theo 3 đợt chính (đợt một trồng tháng 8, đợt hai tháng trồng vào 10 và đợt 3 trồng vào tháng 11). Từ việc trồng rải vụ, nên tránh được việc cà chua chín rộ cùng thời điểm, giúp giá cả ổn định, thị trường tiêu thụ dễ dàng hơn.
Cây trồng “một vốn, bốn lời”

Cà chua trồng ở thôn Hưng Long được người dân để chín tự nhiên trên cây rồi mới thu hoạch.

Thôn Hưng Long hiện có hơn chục hộ trồng cà chua với tổng diện tích trên 1,5 ha, trồng tập trung chủ yếu ở cánh đồng Mỏ Vàng. Nói về hiệu quả kinh tế của cây cà chua, bà con đều cho rằng đây là cây trồng “một vốn, bốn lời”. Thực tế, chi phí đầu tư trồng cà chua không đáng kể, chủ yếu là bỏ công chăm sóc là chính. Khi thời tiết độ ẩm cao, có mưa phùn và có sương muối thì cần che chắn tốt để cà chua không bị bệnh sương mai (úa muộn) giảm thiệt hại. Trước khi gieo trồng, các hộ đều chú trọng khâu làm đất, khử trùng, xử lý đất bằng vôi bột và chế phẩm sinh học đã hạn chế tối đa sự phát triển của các loại mầm bệnh, sâu, bọ gây hại cho cây.

Gia đình ông Phạm Văn Nguyện trồng 7 sào cà chua, cà chua chín đến đâu có người đến thu mua đến đó. Ông Nguyện nhẩm tính, đầu vụ giá cà chua cân tại ruộng được 15 nghìn đồng/kg, thời điểm giữa vụ giá dao động từ 10-12 nghìn đồng/kg. Ước tính vụ này gia đình ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Trung bình mỗi sào trồng cà chua cho thu hoạch trên 2,1 tấn quả, giá bán khoảng 10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí từ 2-4 triệu đồng/sào là bà con con thu lãi chắc trên 15 triệu đồng trở lên/sào, cao hơn so với cây trồng khác. Có thời điểm được giá, bà con thu lãi trên 40 triệu đồng/sào.

Những năm qua, từ trồng cà chua đã giúp các hộ có kinh tế khấm khá hơn, đa số các hộ thu lãi vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/vụ là chuyện không khó. Tiêu biểu như hộ ông Vũ Văn Tứ, bà Nguyễn Thị Thanh, ông Phạm Văn Nguyện…

Để cà chua Hưng Long vươn xa

Những cây cà chua sinh trưởng phát triển trên khu đất màu mỡ, được tưới bằng nguồn nước sạch, cộng với khí hậu mát mẻ, trong lành nên thành quả bà con nhận được là những quả cà chua căng mọng, mã đẹp. Bà con để quả chín tự nhiên mới thu hoạch nên cà chua thường để được lâu ngày hơn, đó là ưu điểm nổi bật tạo nên thương hiệu cà chua sạch Hưng Long, được người tiêu dùng đánh giá cao về độ an toàn, giá trị dinh dưỡng cao.

Sản phẩm cà chua thôn Hưng Long, xã Thành Long được, bántại Hội chợ Cam sành Hàm Yên lần thứ IV năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng thôn Hưng Long, Giám đốc HTX cà chua Thành Long khẳng định, điều đáng mừng là các hộ trồng cà chua đều tự nâng cao ý thức trong việc sản xuất an toàn, đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra nông sản an toàn chất lượng phục vụ người tiêu dùng, coi đó yếu tố sống còn trong làm ăn. Các hộ trong thôn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Long vui mừng cho biết: Với sự hỗ trợ, định hướng, tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương, giữa tháng 12 - 2019, HTX cà chua Thành Long được thành lập gồm 13 thành viên, đều là hội viên nông dân ở thôn Hưng Long. Các thành viên của HTX là những người trực tiếp tham gia sản xuất cà chua nhiều năm nên có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cà chua đạt năng suất, chất lượng. Đây mới là sự khởi đầu để từng bước xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm cà chua địa phương vươn xa ra các thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX mới thành lập nên chưa huy động đủ nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ quy mô chưa lớn, năng suất chưa cao, chưa đủ sản lượng cung cấp cho thị trường.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân mở rộng diện tích tạo thành vùng hàng hóa với quy mô lớn, chú trọng tới trách nhiệm sản xuất an toàn để đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng tốt nhất, nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Mới đây, sản phẩm cà chua Hưng Long đã được trưng bày, bán tại Hội chợ Cam sành Hàm Yên lần thứ IV năm 2020 được người tiêu dùng đánh giá cao.

Phóng sự: Lý Thịnh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/canh-dong-mo-vang-127622.html