Cánh diều tháng 4

Ở vùng đất chỉ có hai mùa mưa và nắng thì những ngày này Bình Phước lại rộn ràng vào mùa của những cánh diều. Mỗi chiều về, trên các khu đất trống nơi đô thị hay vùng quê, rất dễ bắt gặp những cánh diều no gió, chao liệng trên bầu trời. Cánh diều mang theo bao ký ức tuổi thơ, thông điệp của người lớn hay cả ước mơ, hoài bão của những đứa trẻ…

Tháng 4 - tháng của mùa gió Đông Nam, tiết trời chưa hẳn là thuận lợi để thả diều, nhưng với những người chung niềm đam mê, họ gặp nhau để cùng thỏa sức với thú vui thân quen này.

Thú vui xưa nhưng không cũ

Những chiều đầy gió, không khó để bắt gặp những cánh diều sáo, diều giấy hay đơn thuần chỉ là những cánh diều được may sẵn, đủ màu sắc… chao liệng ở các bãi đất trống. Người lớn thì mê mẩn với những cánh diều, bộ sáo lớn, trẻ nhỏ thì say mê với các cánh diều đơn giản làm từ giấy, ni-lon… Tranh thủ kịp đón gió, các “diều thủ” nhanh chóng lắp ráp và chỉnh trang lại con diều của mình. Từ khung áo cho đến bộ sáo, tất cả đều được họ nâng niu một cách cẩn thận.

Vào những thời điểm có gió, người dân chọn cánh đồng Bù Môn ở xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng để thả diều. Người lớn, trẻ nhỏ đều mê mẩn, say đắm với thú chơi này - Ảnh: Viết Bằng

Thông thường vào khoảng 17 giờ 30 phút tại các bãi đất trống ở nội ô hoặc đồng quê, những cơn gió sẽ về đúng với mong đợi của người chơi diều. Những cánh diều sáo với kích thước lớn, nặng, cần đến 2, 3 thậm chí là 4 hoặc 5 người cùng hỗ trợ để thả lên bầu trời. Diều nhanh chóng đón gió, sải cánh chao liệng rồi bay vút lên cao. Cánh diều bây giờ không còn bằng giấy, thay vào đó là các chất liệu hiện đại hơn như vải, ni-lon với đủ màu sắc, hình dáng đẹp và bay tốt hơn. Diều bay lên bầu trời, cũng là lúc âm thanh từ những bộ chuông sáo vang trên không trung một cách đều đặn và vui tai. Khi diều đã đạt độ cao nhất định, người chơi sẽ cố định dây vào một vị trí an toàn, cùng nhau chiêm ngưỡng và tận hưởng thú vui này. Anh Bùi Văn Quấn, người chơi diều ở xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài vui vẻ chia sẻ: Chơi rồi thì đam mê lắm, nhiều lúc đi làm về, chưa kịp tắm rửa, ăn cơm nhưng thấy anh em đã thả diều rồi thì mình cũng chạy ra ngay. Thú chơi này ngấm vào máu rồi!

Tham gia các hội, nhóm diều có đủ thành phần, lứa tuổi. Người lớn đảm nhận việc lớn, người nhỏ góp sức việc nhỏ. Đam mê cứ thế tiếp nối đam mê, mùa của những cánh diều được lan tỏa, truyền đi một cách đầy cảm hứng như thế.

Những cánh diều sáo thường rất to và nặng, phải cần vài người cùng hỗ trợ để diều bay lên. Vì thế, em thường nhận nhiệm vụ chạy và đâm diều. Người ngoài so sánh, bảo rằng đây là trò chơi “trời đày”, nhưng em vẫn thích.

NGUYỄN VĂN HÙNG, thành viên Câu lạc bộ Cánh diều quê hương, TP. Đồng Xoài

Tiết trời mùa hè, bầu trời xanh, cao và rộng. Trong không gian thoáng đãng đó, cánh diều phiêu du trong gió với tiếng sáo dặt dìu. Tất cả dường như mang đủ hương vị cuộc sống - đó là hơi thở của đất đai, của mùa màng, của tình người và cả của đồng quê. Mỗi cánh diều bay lên, ký ức tuổi thơ của người lớn ùa về, bao ước mơ, thông điệp, hoài bão của những đứa trẻ vút lên cao. Giữa đâu đó của cuộc sống hiện đại, thú vui dân gian này vẫn được lưu giữ vẹn nguyên với những giá trị riêng có.

Những thông điệp bay cao

Với đồng bào S’tiêng, mùa diều thường diễn ra vào tháng 10, tháng 11 - tức sau mùa gặt lúa. Thế nhưng, háo hức với mùa diều năm nay, dù mới bước vào tháng 4, họ đã rủ nhau làm diều, trước là để gửi vào đó những thông điệp, sau cũng là cách để duy trì nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Diều của đồng bào S’tiêng về cơ bản không khác với diều của các dân tộc khác. Từ chất liệu thân thuộc như lồ ô, mây, cây chuối… họ tỉ mỉ tạo ra con diều mang nét riêng của đồng bào mình với màu trắng đơn thuần. Cũng từ dây mây, diều khi bay lên cao phát ra tiếng sáo với âm thanh như gió vút, gửi lên bầu trời nhiều tâm sự của đồng bào.

Người S’tiêng ở thôn 7, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng thiết kế những con diều đơn sắc với các chi tiết gắn liền với hình ảnh cuộc sống của đồng bào S’tiêng

Người S’tiêng ở thôn 7, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng thiết kế những con diều đơn sắc với các chi tiết gắn liền với hình ảnh cuộc sống của đồng bào S’tiêng

Ông Điểu Khăng, Bí thư Chi bộ thôn 7, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng phân tích: Người S’tiêng làm diều để vui chơi sau những ngày gặt lúa. Các chi tiết trong con diều cũng là những hình ảnh gắn liền với cuộc sống của người S’tiêng. Như cánh diều có tai là minh họa cho tai voi, đuôi diều là hình ảnh của đuôi voi, đuôi trâu hoặc bò. Âm thanh của sáo ù ù như tiếng gió, đó là tiếng lòng, là tình cảm của đồng bào… Bây giờ mua một con diều khá dễ, nhưng bà con vẫn thích tự tay thực hiện một con diều truyền thống như ngày xưa.

Diều không dành riêng cho một ai, là thú vui chung của mỗi người. Với ông Hứa Văn Lập ở thôn 4, xã Đoàn Kết, một con diều được ông gửi gắm rất nhiều điều. Tỉ mỉ trong từng nét vẽ, con diều hình cánh bướm của ông thật sinh động với nhiều màu sắc. “Tôi thích làm diều và thường thiết kế diều hình cánh bướm. Bởi đây là loài côn trùng đa phần có lợi, gắn bó với cuộc sống đồng áng của người dân. Mỗi cánh diều bay lên, tôi gửi vào đó thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ các loại côn trùng có lợi cho cuộc sống” - ông Lập giải thích.

Người dân xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng thả diều trên cánh đồng Bù Môn - Ảnh: Trương Hiện

Lựa chọn thả diều sau 1 ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi, đã trở thành hoạt động giải trí nhẹ nhàng, lành mạnh. Cánh diều chứa cả một bầu trời tuổi thơ. Cảm giác chạy băng băng trên những cánh đồng còn thơm mùi rơm mới hay trên thảm cỏ xanh mướt đón gió cho cánh diều bay cao có lẽ là những ký ức tuổi thơ không bao giờ quên của mỗi người. Ngày nay, dù cuộc sống bận rộn, hối hả với guồng quay của công việc, thế nhưng, người lớn cũng hòa mình với trẻ con trong trò thả diều để “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng ao ước.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/143352/canh-dieu-thang-4