Canh cánh nỗi lo nhân lực trẻ

Nguồn cung lao động hiện nay chủ yếu là lao động trẻ, trình độ thấp và giá rẻ, lao động qua đào tạo còn hạn chế và tăng rất chậm. Nếu không kịp thời có những giải pháp thì Việt Nam sẽ thiếu nguồn nhân lực có chất lượng trong tương lai.

9 tháng đầu năm tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp có dấu hiệu gia tăng.

Số lượng người trẻ thất nghiệp tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý III/2023, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi là 7,86%. Cả nước có hơn 1,5 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 12,1% tổng số thanh niên). Như vậy, cứ 100 thanh niên sẽ có 12 người thất nghiệp. Số lượng thất nghiệp ở người trẻ tăng 95.500 người so với quý trước và giảm 81.200 người so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng đầu năm, khoảng 434.300 thanh niên thất nghiệp, chiếm 40% tổng số người thất nghiệp.

Tương tự, thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cũng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 812.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 772.000 người, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số lao động trẻ hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng so với cùng kỳ. Thống kê giai đoạn 2016-2021, trên 80% lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong độ tuổi 20 đến dưới 40. Trong khi đó độ bao phủ an sinh tăng chậm, mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tại Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 mới đây bàn về chất lượng nguồn lao động trẻ, nhiều đại biểu cho biết, cơ cấu nguồn nhân lực lao động trẻ rất đáng suy ngẫm. Theo đó cơ cấu lao động trẻ phần lớn làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ (chiếm 69,2%)… và 2/3 lao động đi làm việc tại nước ngoài, tập trung tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24 tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn. Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp kịp thời trong tương lai, Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu” nguồn nhân lực.

Cần có chính sách đặc thù

Số liệu thống kê cho hay, tỷ lệ lao động thanh niên qua đào tạo tăng chậm hàng năm. Tỷ lệ có bằng cấp chứng chỉ chiếm hơn 26%, còn lại chưa qua đào tạo. Công nhân kỹ thuật bậc cao rất khan hiếm, trong khi một số ngành bậc trên đại học, cử nhân, kỹ sư nhiều hơn so với nhu cầu. Hơn 73% lao động thanh niên Việt Nam làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông lâm thủy sản.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh nhận định, dù đã có nhiều chính sách được ban hành song vẫn còn thiếu các chính sách riêng cho thanh niên, nhất là các nhóm đặc thù trong khi nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế.

“Tỷ lệ lao động thanh niên qua đào tạo có cao hơn tỷ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể (chỉ hơn 3%); nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15 - 24, tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế” - ông Thanh nhấn mạnh.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, nguồn cung lao động ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là lao động trẻ, trình độ thấp, giá rẻ. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng và năng suất lao động.

Để góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, các chuyên gia cho hay, cần đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về quản trị thị trường lao động, đặc biệt là tăng cường kết nối cung cầu để hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm trong khu vực chính thức và tạo việc làm thỏa đáng. Đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay, cần nghiên cứu để có những đề xuất cụ thể hơn nhằm tận dụng những cơ hội nghề nghiệp, nhất là cải thiện về kỹ năng số, trình độ tay nghề cao của lực lượng lao động là thanh niên.

Chính phủ cần quan tâm xử lý các cơ chế về nguồn lực để thanh niên có thể phát huy được vai trò xung kích, đặc biệt đối với các chủ trương lớn, các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

“Cần chú trọng đến vấn đề thất nghiệp của thanh niên, bởi tỉ lệ thất nghiệp của nhóm này thường cao hơn 3 lần so với tỉ lệ thất nghiệp chung. Vì thế, việc làm cho thanh niên là vấn đề cần chú trọng trong công tác giải quyết việc làm quốc gia, bên cạnh đào tạo nghề, thì vai trò của các Trung tâm Dịch vụ việc làm, đoàn thanh niên cũng rất quan trọng” - bà Trịnh Thu Nga - Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, lao động thanh niên là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động với khoảng 10,8 triệu người (chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước), mang lại một nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, có nhiều tiềm năng. Chất lượng lao động thanh niên từng bước được cải thiện, đã đóng góp tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Tuy nhiên, trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, cần có các chính sách tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện việc làm cho thanh niên.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/canh-canh-noi-lo-nhan-luc-tre-5742201.html