Cảnh báo về nguyên nhân gây tai nạn giao thông

Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra xe ô-tô tham gia giao thông trên Quốc lộ 1. Ảnh: THÁI THANH

Ý thức người tham gia giao thông Từ ngày 30 đến mồng 5 Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011, toàn quốc đã xảy ra 373 vụ TNGT đường bộ, làm 288 người chết, 359 người bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ TNGT đường sắt xảy ra sáng 6-2 (tức mồng 4 Tết) tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) ; ngày 1-3, tàu LP5 chạy đến km 15+850, khu gian Cầu Bây-Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) va vào xe máy chở ba người vượt qua đường ngang dân sinh khi tàu đã đến gần. Hậu quả, cả ba người ngồi trên xe máy chết; ngày 30-3, tại huyện Thường Tín (Hà Nội) lại xảy ra tai nạn giao thông đường sắt làm chín người chết và 11 người bị thương. Tại Hà Nội, bốn tháng đầu năm 2011 cũng xảy ra 244 vụ TNGT, có tới 200 vụ TNGT nghiêm trọng làm 217 người chết, 73 người bị thương. Theo cơ quan chức năng, 60% số vụ tai nạn liên quan ý thức của người tham gia giao thông.Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Văn Thuấn cho biết:'Vụ tai nạn cầu Ghềnh có lỗi của người tham gia giao thông, để xảy ra chen lấn ở trên cầu gây ùn tắc cục bộ'. Theo đó, bốn nhân viên gác chắn bị khởi tố vì 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'; lái tàu chính và lái tàu phụ bị khởi tố về hành vi ' vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt'; hai tài xế ta-xi bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi 'cản trở giao thông đường sắt'. Theo kết quả điều tra, tối 6-2, năm xe ô-tô lưu thông qua cầu Ghềnh. Khi đến giữa cầu, xe ta-xi BKS 56K-9697, do Nguyễn Hùng Quốc điều khiển theo chiều ngược lại đã gây gổ với Trần Minh Châu, lái xe ô-tô BKS 60K-2876, gây kẹt xe trong thời gian dài trên cầu. Khi đó, tàu SE2 chạy vào cầu Ghềnh đã đâm vào sáu xe ô-tô trên cầu. Hậu quả, hai người chết và 26 người bị thương. Theo Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Thân Văn Thanh: 'Qua số liệu thống kê, trong số các vụ TNGT, có tới 17,8% số người chết dưới 19 tuổi. Điều này cho thấy, thanh niên, thiếu niên và học sinh đang 'nhờn' luật, cho nên mới dẫn đến tình trạng đua xe máy trái phép, phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm luật giao thông với các lỗi nghiêm trọng như vượt đèn đỏ, chở ba bốn người, không đội mũ bảo hiểm... hoặc không đủ tuổi vẫn đi xe máy. Khuyết điểm này thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ chú tâm dạy kiến thức văn hóa, coi nhẹ công tác giáo dục đạo đức và việc chấp hành pháp luật trong đó có Luật Giao thông'. Tại Hà Nội, bốn tháng đầu năm, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã triển khai một số chuyên đề nhằm làm giảm TNGT, số vụ tai nạn có giảm, nhưng tính chất vẫn đặc biệt nghiêm trọng. Chuyên đề xử lý học sinh chưa đến tuổi đi xe máy và không đội mũ bảo hiểm được lực lượng CSGT làm ráo riết, nhưng hiệu ứng thì không nhiều, do không được sự ủng hộ của chính phụ huynh học sinh. Từ ngày 1 đến 18-3, CSGT phát hiện 55 trường hợp học sinh đi xe máy đến trường không đội mũ bảo hiểm. Nhưng các trường chỉ xử lý được 28 trường hợp với mức phạt hạ hạnh kiểm, viết cam kết... Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là ý thức tham gia giao thông của không ít người đang ở mức đáng báo động. Dịp Tết Tân Mão 2011, CSGT Thanh Hóa kiểm tra, phát hiện 292 giấy phép lái xe ô-tô giả, Thượng tá Lưu Thiện Minh, Trưởng phòng CSGT tỉnh Thanh Hóa cho rằng: 'Rất đáng trách là nhiều lái xe ô-tô chở khách và xe ô-tô chở hàng đường dài đã sử dụng bằng lái xe ô-tô giả bằng cách mua bằng lái, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên các tuyến quốc lộ. Như vậy, không học Luật Giao thông và không thi vẫn có bằng, có nghĩa họ không chỉ coi thường tính mạng bản thân, mà còn gây hại đến số đông người tham gia giao thông. Ngoài ra, nhiều chủ xe hám lợi đã yêu cầu tăng chuyến, buộc lái xe phải phóng nhanh, vượt ẩu, trong khi theo luật, lái xe ô-tô đi đường dài chỉ được cầm lái trong thời gian bốn giờ là phải nghỉ hoặc thay ca'. Mới đây, tại Long Biên (Hà Nội) một lái xe ô-tô chở hàng BKS 30H-2332 do mệt quá đã gục mặt xuống vô lăng ngủ, trong khi chân vẫn nhấn vào ga, nên chiếc xe lao tự do, đánh võng trên đường khiến hàng trăm người hoảng loạn bỏ xe máy chạy lên vỉa hè. CSGT kịp thời dùng xe đi tuần hú còi đánh thức được lái xe, nếu không hậu quả thật khó lường. Ngoài ra, thường ngày có rất nhiều các trường hợp uống rượu bia vẫn điều khiển xe ô-tô, xe máy, vẫn nghe điện thoại di động, phóng nhanh vượt ẩu, đi vào đường cấm, đường một chiều...là hình ảnh chúng ta bắt gặp ở mọi lúc, mọi nơi trên các đường phố, các tuyến quốc lộ. ... và giải pháp giảm tai nạn giao thông Lâu nay, ngành giao thông, Công an và các địa phương đã có không ít các giải pháp kiềm chế TNGT, nhưng tai nạn vẫn không giảm. Đó chính là nghịch lý. Theo chúng tôi, vấn đề đặt ra là các giải pháp phải đi đôi với việc thanh tra, giám sát và xử phạt nghiêm. Đã đến lúc chúng ta nên thẳng thắn 'mổ xẻ' những 'khuyết tật' làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Với những đoạn đường xấu, chất lượng kém phải tìm ra nhà thầu hoặc công ty nào đã thi công phải chịu trách nhiệm; việc cấp đất sai quy định vi phạm hành lang an toàn giao thông cũng phải tìm và xử lý cho nghiêm; các ngành chức năng cần phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm. Các cấp chính quyền, các đoàn thể phải vào cuộc và có trách nhiệm với công tác ATGT. Một khu phố có nhiều người thanh, thiếu niên không đội mũ bảo hiểm, đua xe máy trái phép không thể có tới 90 đến 95% gia đình đạt 'Gia đình văn hóa'. Năm nay là 'Năm thanh niên' công tác Đoàn cần tập trung giáo dục các đoàn viên và mỗi đoàn viên phải làm gương nhắc nhở thanh niên chấp hành luật khi tham gia giao thông, bởi 'Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc'.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/giao-thong/c-nh-bao-v-nguyen-nhan-gay-tai-n-n-giao-thong-1.297959