Cảnh báo trẻ gia tăng rối loạn TIC vì lạm dụng smartphone

Phát ra những âm thanh đáng sợ, mắt giật liên tục, nấc cụt không ngừng, nhún vai không kiểm soát…nhiều phụ huynh, thầy cô giáo đã vô cùng lo lắng khi thấy con em mình bỗng dưng có những triệu chứng lạ đó. Theo các bác sĩ thì một trong những nguyên nhân làm gia tăng các hội chứng này liên quan đến việc trẻ lạm dụng smartphone (điện thoại thông minh) để xem hoạt hình, chơi game…

Smartphone luôn có những hiệu ứng khiến trẻ thích thú và dễ gây nghiện. Ảnh: K.Q

Smartphone luôn có những hiệu ứng khiến trẻ thích thú và dễ gây nghiện. Ảnh: K.Q

Trẻ đến khám nhiều hơn trong dịp hè

BS Nguyễn Quang Vinh, Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết các triệu chứng trên đều thuộc một loại rối loạn TIC. Trẻ hoàn toàn không có tổn thương bên trong não và thần kinh ngoại biên. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhưng gây bất tiện trong cuộc sống, học hành của bé.

Theo BS Quang Vinh, rối loạn TIC bao gồm rối loạn vận động và rối loạn âm thanh. Các biểu hiện chính rất dễ nhận biết như biểu hiện bằng các triệu chứng thường từ trên xuống dưới. Thường gặp nhất là vùng mặt, vùng đầu, cánh tay, bàn tay, xa hơn là hệ thống hô hấp và tiêu hóa. Vùng mặt thường biểu hiện nhăn mặt, nhăn trán, nhớn lông mày, nháy mi mắt, nhăn mũi, chun lỗ lũi, nhếch mép, cắn môi, thè lưỡi, há miệng, lắc đầu, cắn lưỡi, xoay cổ. Ở phía dưới thường là giật bàn tay, giật cánh tay, giật ngón tay, nhún vai, lắc chân, lắc đầu gối. Nếu là đường tiêu hóa thường là nấc cụt, ngoài ra còn biểu hiện cả những hành động như thở dài, ngáp, hít, huýt sáo, ợ, hắng giọng, phát ra những âm thanh lạ…

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi ngày các bác sĩ tiếp nhận khoảng 4-5 bé mắc chứng rối loạn TIC. Trong đó, trẻ trai mắc nhiều hơn, thường gặp ở độ tuổi từ 4-10 tuổi. Rối loạn TIC vận động thường gặp hơn, nhất là giật cơ mắt. Trong số những trẻ đang điều trị tại đây, có đến 10% bệnh nhi phải chuyển xuống điều trị tại khoa tâm lý lâm sàng. Đặc biệt, vào dịp hè, nhất là đầu hè, số trẻ mắc hội chứng này tăng lên 50%. Nguyên nhân là vì đây là khoảng thời gian trẻ nghỉ hè, nhiều thời gian rảnh và được cha mẹ cho phép giải trí bằng phim hoạt hình, chơi game…Bên cạnh đó, với một số trẻ lớn, rối loạn TIC gia tăng sau thời gian trẻ phải căng thẳng ôn thi, học hành…

Khi con bị mắng oan

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 1 bé gái 9 tuổi ở TPHCM được cha mẹ đưa đi khám vì cơ mắt giật liên tục trong suốt 3 ngày trời. Vì bé bị cận thị bẩm sinh nên phụ huynh nghĩ ngay tới việc bé bị tăng độ hoặc có bệnh lý về mắt và đưa đi khám ở chuyên khoa mắt. Các bác sĩ chuyên khoa mắt đã cho kiểm tra rất kỹ nhưng không thấy bệnh lý gì. Bé cũng được đo lại thị lực và được chỉnh lại kính. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn bị giật mắt liên hồi. Bé được chuyển tới khám ở khoa Nhiễm thần kinh. Tại đây, các bác sĩ cho biết bé mắc chứng rối loạn TIC và được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, cho mắt nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyên cha mẹ không nên tiếp tục cho con nghỉ hè bằng cách dùng smartphone thoải mái.

Mới đây, một bà mẹ ở Kiên Giang đã lên mạng chia sẻ về việc con trai 4 tuổi của chị sinh ra khỏe mạnh nhưng nghiện chơi điện thoại lúc 2 tuổi và không có biểu hiện gì. Từ 1 tháng trở lại đây bé có biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi. Lúc đầu gia đình nghĩ con thích đùa thế nên mẹ cháu bé la mắng, thậm chí đánh vì sợ con thành thói quen xấu khó bỏ nhưng không hề cải thiện. Mẹ bé đưa bé đi khám bệnh tại chuyên khoa thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ cho biết bé bị rối loạn TIC tạm thời. Dù bác sĩ nói rằng không phải quá lo lắng vì bé bị TIC tạm thời nên uống thuốc sẽ hết triệu chứng này nhưng bố mẹ cháu vẫn rất lo cháu sẽ vĩnh viễn mắc căn bệnh này.

BS Quang Vinh cho biết thêm, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều em bé bị rối loạn TIC với biểu hiện nhún vai liên tục. Trong lớp học, cô giáo thấy bé nhún vai đã la bé. Nhưng càng la, bé lại càng nhún nhiều hơn. Cô giáo nghĩ rằng bé có thái độ chống đối, thiếu hợp tác nên phải gọi phụ huynh lên để trao đổi. Thấy con dường như không cố ý, cha mẹ bé đã đưa con đi khám và được biết con mình bị rối loạn TIC nên mới có những biểu hiện như vậy.

Bác sĩ khám cho trẻ bị rối loạn TIC tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: K.Q

Bệnh càng nặng khi căng thẳng

BS Nguyễn Quang Vinh cho biết, rối loạn TIC là một dạng rối loạn chức năng tuy không gây nguy hiểm, nhưng nếu không điều trị, chứng TIC có thể tạo tật xấu cho trẻ. Trong điều trị TIC, các bác sĩ sẽ khai thác rất kỹ nguyên nhân và triệu chứng của trẻ. Sau đó, bác sĩ sẽ chú trọng điều trị triệu chứng và ngăn chặn bệnh từ nguyên nhân. Ví dụ trẻ bị TIC do căng thẳng thì nên tìm cách để trẻ giải trí, thư giãn. Nếu TIC ở mắt thì cần cho trẻ để mắt nghỉ ngơi. Để mắt nghỉ ngơi không có nghĩa là ép bệnh nhân ngủ. Nghỉ ngơi tức là không để bé tập trung nhìn vào cái gì ở gần, chuyển động như màn hình tivi, điện thoại, máy tính... Thay vào đó, mắt cần được thư giãn hoặc nhìn vào khoảng trống, yên tĩnh như cây xanh, đám mây.

Theo BS Nguyễn Quang Vinh, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ đến khám do rối loạn TIC giật cơ mắt tăng cao. Nguyên nhân gia tăng đa phần do trẻ lạm dụng thiết bị smartphone để chơi game, xem hoạt hình. Màn hình smartphone khá nhỏ, trẻ tập trung vào một điểm nhỏ đã khiến mắt căng thẳng. Thêm vào đó, sự cộng hưởng với chuyển động 24 hình/giây của phim hoạt hình, chuyển động nhanh của vật thể trong game khiến rối loạn TIC tăng lên.

Bên cạnh đó, rối loạn TIC sẽ tăng lên nếu như trẻ căng thẳng. Do đó, loại trừ các yếu tố gây căng thẳng là việc quan trọng nhất trong điều trị TIC. Việc lạm dụng thuốc an thần trong điều trị TIC giống như con dao 2 lưỡi. Thuốc an thần có thể điều chỉnh thần kinh nhưng gây tác dụng phụ không ai muốn như cứng cơ, trẻ tiếp thu chậm.

Khương Quỳnh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/canh-bao-tre-gia-tang-roi-loan-tic-vi-lam-dung-smartphone-549761.ldo