Cảnh báo tình trạng trẻ uống nhầm hóa chất độc hại

Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vừa cứu sống bé T.H.Đ. (10 tuổi, ngụ xã Tam An, H.Long Thành) bị phù phổi cấp do ngộ độc chất methadone - một dạng thuốc phiện tổng hợp dùng điều trị thay thế cho người nghiện ma túy.

Bệnh nhân T.H.Đ. uống nhầm chất methadone đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca ngộ độc trẻ em do uống nhầm thuốc chữa bệnh, hóa chất, thuốc chuột và đã có trường hợp tử vong. Đây là lời cảnh báo với các phụ huynh về tình trạng lơ là trong bảo quản và lưu trữ thuốc và hóa chất trong nhà.

* Người lớn lơ đễnh, trẻ em lãnh đủ

Sau 4 ngày được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc điều trị với nhiều biện pháp tích cực, sức khỏe cháu Đ. đã tạm ổn. Trước đó, ngày 17-12, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh lên trong tình trạng lơ mơ, thở nhẹ, mệt và chỉ số oxy trong máu chỉ còn 30% (bình thường phải ở mức từ 95% trở lên). Cháu Đ. bị phù phổi cấp do uống nhầm methadone và rất may được đưa đến bệnh viện kịp thời.

Theo các bác sĩ điều trị, chất methadone khi vào cơ thể khi chưa có sự chỉ định liều dùng của bác sĩ dễ gây ngộ độc hệ thần kinh trung ương và não bộ, gây suy hô hấp, ngưng thở. Nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.

Cũng theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, giữa tháng 12-2022, bệnh viện cũng đã cấp cứu 2 bệnh nhân 9 tuổi và 14 tuổi bị ngộ độc sau khi ăn loại kẹo mua trôi nổi ở những điểm bán hàng rong (nghi trong kẹo có chứa một loại ma túy thế hệ mới), rất may là 2 bệnh nhi này đã được cấp cứu kịp thời. Hoặc vào tháng 3-2022, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bé gái 11 tháng tuổi ở xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) lấy được gói thuốc của ông nội để ở đầu giường rồi bóc ra ăn hết 4 viên thuốc ngủ.

Trước đó, vào tháng 3-2021, câu chuyện đau lòng về 2 học sinh lớp 2 và lớp 3 ở P.Phước Tân
(TP.Biên Hòa) nhặt được ống thuốc, tưởng siro nên cùng nhau uống dẫn đến 1 em tử vong, 1 em phải điều trị tích cực. Ống siro đó được xác định là một loại hóa chất họ Florua Acetate dùng để diệt chuột.

Cách đây 3 năm, bé V.G.B., 17 tháng tuổi (ngụ tại H.Cẩm Mỹ) đã uống nhầm xăng đựng trong chai nước giải khát mà cha bé để ở góc nhà. Tuy được cứu sống nhưng bé B. phải chịu nhiều di chứng nặng nề khi tổn thương gan, thận, tổn thương phổi nặng, phải điều trị suốt đời.

* Cần để thuốc, hóa chất xa tầm tay trẻ

BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, những năm gần đây, số trẻ phải nhập viện do ngộ độc thuốc, hóa chất, chất tẩy rửa có xu hướng gia tăng. Nhiều vụ trẻ bị ngộ độc từ nặng đến rất nặng và đã có trẻ không qua khỏi.

Qua tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp uống nhầm thuốc, hóa chất, BS Nghĩa cho biết, trẻ ngộ độc thuốc và hóa chất phải nhập viện cấp cứu ở mọi lứa tuổi. Nhỏ thì vài tháng tuổi, lớn hơn là trẻ đã 14 tuổi. BS Nghĩa cũng chia số ca ngộ độc này thành 3 nhóm tuổi: nhóm trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi), nhóm trẻ nhỡ (3-6 tuổi) và nhóm trẻ lớn từ 7-14 tuổi.

Nhóm trẻ nhỏ thường hay bị ngộ độc thuốc tây, nhiều nhất là thuốc ngủ do người lớn hay để thuốc ở những nơi dễ lấy; ăn nhầm xà bông, viên long não chống gián, khử mùi được đặt dưới gầm giường hoặc ở góc nhà, kẹt cửa. Nhóm trẻ nhỡ thường bị ngộ độc hóa chất như: uống nhầm xăng dầu, dung môi, cồn công nghiệp…, nguyên nhân phần lớn là do người lớn dùng chai nước suối hoặc nước ngọt để đựng các loại hóa chất này dẫn đến các em uống nhầm vì tưởng nước uống. Nhóm trẻ lớn, các em đã biết mua dùng một vài loại bánh kẹo, nước trái cây có chứa một dạng ma túy thế hệ mới; cũng có em bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử hay uống phải dung dịch trong thuốc lá nung nóng…

Theo khuyến cáo của BS Nghĩa, người lớn cần phải hết sức lưu ý trong việc bảo quản thuốc và cất giữ những loại hóa chất, chất tẩy rửa khi lưu trữ những chất này trong nhà. Ngoài việc để xa tầm tay, khuất tầm mắt của trẻ, tuyệt đối không bao giờ được sử dụng những chai lọ, vật dụng ăn uống để đựng hóa chất, dung môi, thuốc tẩy rửa để tránh cho trẻ uống nhầm. Đối với những trẻ lớn, có thể hướng dẫn, giải thích và giáo dục các em không nên mua và sử dụng những loại thuốc lá điện tử, bánh kẹo, nước trái cây lạ trôi nổi trên thị trường để tránh bị ngộ độc hóa chất hoặc ngộ độc ma túy có trong sản phẩm.

Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi trẻ bị ngộ độc thuốc, hóa chất

Theo BS NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, nếu trẻ đang khỏe mạnh bình thường nhưng bỗng nhiên có những triệu chứng bất thường như: đau họng; đau bụng, buồn nôn và nôn; miệng lưỡi phồng rộp; căng trướng bụng; khó thở, thở rít; da tái nhợt… đặc biệt là bệnh nhân rối loạn tri giác như: lơ mơ, li bì và hôn mê… cần phải nghĩ ngay đến trẻ bị ngộ độc thuốc hoặc hóa chất.

Cách xử lý: Trước hết, cha mẹ nên tìm hiểu nhanh xem trẻ đã ăn, uống, nuốt phải thứ gì và ghi lại thông tin về sản phẩm trên bao bì (nếu thuốc chữa bệnh thì ghi tên thuốc; nếu hóa chất là loại gì, dùng vào việc gì…). Khi đưa trẻ đi cấp cứu, nếu người nhà cung cấp đầy đủ được các thông tin về chất gây ngộ độc cho trẻ sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh và xử trí đúng hướng ngay từ đầu, giúp giảm được di chứng và ngăn ngừa được tử vong. Khi phát hiện, nếu thấy trẻ còn ngậm thuốc, hóa chất trong miệng thì tìm cách cho trẻ nôn ra, đồng thời nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202212/canh-bao-tinh-trang-tre-uong-nham-hoa-chat-doc-hai-3150409/