Cảnh báo tình trạng bạ đâu vứt đó vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật

Vỏ, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bị vứt bừa bãi trên mương ở cánh đồng xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa. Ảnh: LÊ TRÂM

Nhiều bể chứa được xây dựng trên các cánh đồng để đựng vỏ chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật, song vẫn chưa thể quản lý có hiệu quả tình trạng bạ đâu vứt đó của người sử dụng.

Theo nhiều nông dân, hiện nay trồng sắn mía, không ai bỏ công vác cuốc ra đồng làm cỏ nữa mà sử dụng thuốc diệt cỏ. Trước đây trồng mía ta, cây nhỏ nhưng chịu hạn tốt, kháng sâu bệnh. Nay trồng mía cao sản, cây to nhưng đủ loại sâu bệnh như: đốm vòng, sâu đục thân, bệnh than… phải phun thuốc phòng trừ.

“Nhà tôi ở gần đường và gần đồi mía, nhiều khi đang ngồi uống nước trà, có người phun thuốc gần đó bay vào mùi hôi nồng nặc”, ông Nguyễn Tâm ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) nói.

Không chỉ lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân còn không sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” đúng thuốc, pha đúng nồng độ, phun đúng liều lượng quy định và phun đúng kỹ thuật. Nhiều người vẫn còn phun không đúng liều lượng hoặc sử dụng sai thuốc khiến việc trị sâu bệnh không hiệu quả, buộc phải phun nhiều lần.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hàng năm số lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên đồng ruộng khoảng 2,9-3kg/ha. Với tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh hơn 140.000ha, ước số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hàng năm khoảng 400 tấn. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ra ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí… Không những thế, với khoảng 400 tấn thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng mỗi năm thì sẽ có hàng tấn vỏ bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa có biện pháp tổ chức thu gom và xử lý số vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật này đúng cách, nông dân vẫn vô tư vứt bỏ lại trên đồng ruộng, kênh mương… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người.

Ông Nguyễn Tâm cho biết: Nhiều người bây giờ quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, khi pha thuốc thì vứt vỏ chai lọ xuống suối. Có người phun thuốc xong mang bình ra sông súc rửa cho sạch để mang về nhà khỏi hôi, không ý thức được việc làm này là gây ô nhiễm nguồn nước”. Cũng theo ông Tâm, hiện nay ở các suối gần rẫy mía, sắn hoặc khu vực triền sông chỗ có người phun thuốc diệt cỏ dại để trồng cỏ tây, cỏ voi nuôi bò, vỏ chai lọ thuốc sâu, diệt cỏ vứt bỏ khắp nơi.

Trên các cánh đồng Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa); Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa)…, nhiều nơi đã xây bể chứa bao bì, chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, người dân lại ít bỏ vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trong các bể chứa này, mà lại vứt lung tung trên kênh mương, bờ ruộng.

Theo cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tây Hòa, sau khi sử dụng hết thuốc bảo vệ thực vật nông dân phải thu gom hết bao bì, chai lọ… bỏ vào bể chứa. Nếu nơi nào chưa có bể chứa thì rác thải thuốc bảo vệ thực vật phải được thu gom đến nơi quy định để đốt hoặc chôn lấp theo quy trình hướng dẫn của ngành Môi trường. Thế nhưng, nhiều bà con nông dân không thực hiện quy định này.

Theo Sở NN&PTNT, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để mọi người dân biết tác hại nghiêm trọng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan và những tác hại của việc vứt bỏ chai lọ, vỏ thuốc sau khi sử dụng bừa bãi trên đồng ruộng. Các địa phương cũng cần tập huấn, hướng dẫn cho nông dân nhận biết một số loại sâu bệnh phổ biến trên đồng ruộng, cùng với việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh theo phương pháp “4 đúng”. Điều này hướng tới thay đổi nhận thức của người dân, tạo cảnh quan môi trường ở nông thôn không vỏ bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật để không làm ảnh hưởng đến không khí, nguồn nước sinh hoạt, giao thông và mỹ quan nông thôn.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/301065/canh-bao-tinh-trang-ba-dau-vut-do-vo-bao-thuoc-bao-ve-thuc-vat.html