Cảnh báo rủi ro từ chuyện tàu dầu mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ

Hàng loạt tàu chở dầu ùn ứ nghiêm trọng tại cửa ngõ quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ do vướng mắc các quy định pháp lý mới sau khi giá trần mới có hiệu lực.

Trong vòng chưa đầy 10 ngày, kể từ khi lệnh cấm vận dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) và cơ chế áp giá trần dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển do khối này, G7 và Úc cùng khởi xướng chính thức có hiệu lực, đã có hàng chục tàu chở dầu bị chặn tại các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ (TNK). Nhiều ý kiến lo ngại tình trạng này sẽ dẫn tới bất ổn kéo dài trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Thực trạng đáng lo ngại

Cụ thể, tính đến ngày 10-12, có 20 tàu chở dầu di chuyển từ biển Đen bị kẹt lại bên ngoài eo biển Bosphorus dẫn vào biển Marmara, theo đài CNN dẫn dữ liệu từ công ty vận chuyển quốc tế Tribeca Shipping Agency (TNK). Ngoài ra, còn có ít nhất chín tàu chở dầu khác cũng đang bị kẹt bên ngoài eo biển Dardanelles dẫn vào Địa Trung Hải.

Theo Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA - Phần Lan), bên cạnh việc nằm ngay hai eo biển quan trọng, TNK cũng đang đóng vai trò như một lối thoát cho xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Nước này đã tăng cường nhập khẩu dầu thô Nga kể từ tháng 2. Dầu thô nhập về được xử lý, sau đó xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế sang EU và Mỹ. Doanh thu từ mặt hàng này của TNK đã tăng 85% trong tháng 9, tháng 10 so với tháng 7, tháng 8.

Theo Bloomberg, Bosphorus và Dardanelles là hai eo biển của TNK, giữ vị trí quan trọng trong chuỗi vận chuyển dầu quốc tế và là một cửa ngõ lớn dẫn vào châu Âu. Trong năm qua, gần 700 triệu thùng dầu đã được vận chuyển qua khu vực này. Trên thực tế, giới chức Ankara cũng cho biết tình trạng ùn ứ hiện nay chủ yếu ảnh hưởng đến những lô dầu đi vào các nước châu Âu.

Trong khi đó, đài CNBC dẫn dữ liệu từ trang tin MarineTraffic thì cho rằng số tàu đang bị kẹt bên ngoài hai eo biển nói trên đã lên tới ít nhất 40 tàu, tăng hơn hai lần trong vài ngày gần đây. Dựa trên số tàu, ước tính đang có gần 23 triệu thùng dầu, trị giá 1,2 tỉ USD không thể tiếp cận thị trường tiêu thụ.

Chuyên gia Nikos Pothitakis thuộc MarineTraffic cho biết: Qua từng ngày, số tàu chở dầu thô và hóa chất chờ đi qua eo biển Bosphorus từ cả hai phía đang tăng lên chóng mặt với nhiều điểm đến, bao gồm TNK, Nga, Ukraine, Georgia, Ý...

Ngoài ra, thông tin từ trang tin VesselsValue ước tính thời gian trung bình để tàu dầu chờ ở eo biển Bosphorus đã tăng 47% so với tuần trước. Cách đây một tuần, 14 tàu dầu chờ trung bình 64 giờ để thông qua, làm ứ đọng gần 1,46 triệu tấn dầu.

Nguyên nhân do đâu?

Theo cơ chế áp giá trần dầu Nga từ ngày 5-12, các tàu có chở dầu Nga không được phép sử dụng dịch vụ bảo hiểm hàng hải của phương Tây nếu được bán trên mức giá 60 USD/thùng. Các chủ tàu thường mua bảo hiểm bảo vệ và bồi thường (P&I) đối với thiệt hại về người, thân tàu và môi trường từ bên thứ ba. Bên cạnh đó, họ cũng phải mua thêm gói bảo hiểm bảo vệ thân tàu và máy móc (H&M), bao hàm khoản bồi thường cho thiệt hại vật chất.

Tàu chở dầu thô Minerva Baltica treo cờ Malta bị kẹt ở eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường đến Biển Đen ngày 10-12. Ảnh: REUTERS

Tàu chở dầu thô Minerva Baltica treo cờ Malta bị kẹt ở eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường đến Biển Đen ngày 10-12. Ảnh: REUTERS

Phần lớn công ty bảo hiểm vận tải đường biển lớn hiện nay đều đặt trụ sở tại EU hoặc Anh, nơi giới chức có thể yêu cầu những công ty này tuân thủ quy định về giá trần. Nếu không chấp nhận mức giá trần và không mua bảo hiểm, các chủ tàu chở dầu nhận hàng từ Nga sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình vận chuyển.

Trong khi đó, giới chức TNK từ tháng 11 đã ra thông báo mới bắt buộc các tàu chở dầu đi qua vùng biển nước này phải mua bảo hiểm và cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp lệ để cơ quan quản lý xác minh. Nước này lo ngại nếu có những tàu không được bảo hiểm đi qua hải phận nước này, khi sự cố xảy ra, bên bảo hiểm sẽ không chi trả.

Hiệp hội P&I quốc tế, nơi cung cấp bảo hiểm cho 90% hàng hóa ngành công nghiệp vận tải đường biển, tuyên bố không thể tuân thủ theo quy định của TNK. Trong một tuyên bố, liên minh này nói yêu cầu của TNK “vượt quá thông tin bình thường”.

Lo ngại nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu, giới chức phương Tây đang tích cực liên lạc với phía TNK để giải quyết vấn đề. Trong một cuộc điện đàm hồi tuần trước, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao TNK Sedat Onal rằng trần giá chỉ áp lên dầu Nga và “không cần thiết phải tăng cường kiểm tra tàu bè” đi qua hải phận TNK, theo hãng tin Reuters.

“Anh, Mỹ và EU đang làm việc chặt chẽ với TNK cùng các công ty vận tải biển và bảo hiểm để làm sáng tỏ việc thực thi trần giá dầu và tìm ra giải pháp” - một tuyên bố khác của Bộ Tài chính Anh cho biết. “Không có lý do gì mà tàu bè lại không thể đi qua eo biển Bosphorus vì lý do môi trường hay sức khỏe và an toàn” - tuyên bố cho biết thêm.

Chủ tịch Hiệp hội Dầu Lipow (Mỹ) Andrew Lipow lo ngại nếu tình trạng ùn ứ tiếp tục diễn ra, các cơ sở lọc dầu ở các nước sẽ phải mất thời gian tìm nguồn cung từ các bên khác, hoặc phải giảm năng suất lọc dầu vì không đủ nguồn dầu thô. Điều này sẽ gây ảnh hưởng cho nguồn cung xăng dầu trên toàn thế giới trong thời gian tới.

“Các cơ sở lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ - những nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới và ngày càng có tầm quan trọng với doanh số bán dầu của Nga là các cơ sở sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ vấn đề này” - CNBC dẫn lời ông Lipow.

Tờ The Wall Street Journal cho hay những vấn đề như tắc nghẽn tàu dầu đã khiến xuất khẩu dầu thô của Nga giảm rõ rệt kể từ khi lệnh trừng phạt mới và giá trần có hiệu lực. Theo công ty phân tích thị trường Kpler (Pháp), xuất khẩu đường biển của Nga đã giảm gần 500.000 thùng/ngày hồi tuần trước, giảm khoảng 16% so với mức trung bình 3,08 triệu

thùng/ngày của tháng 11. Giá dầu thế giới do đó sẽ có nguy cơ tăng trở lại trong lúc các quốc gia xuất khẩu dầu điều chỉnh sản lượng hoặc Nga tìm cách vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây.•

Thêm Nhật, Na Uy tuân thủ giá trần mới áp lên dầu Nga

Nhật và Na Uy trở thành hai nước mới nhất tuyên bố tuân thủ giá trần mới áp lên với dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển ngày một dài thêm, sau khi G7 và EU nổ phát súng đầu tiên.

Ngày 8-12, Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết nước này đã áp giá trần đối với dầu thô của Nga ở mức 60 USD/thùng, phù hợp mức giá trần của EU. Trước đó, chính phủ Nhật cũng ra thông báo cho biết nước này bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô của Nga từ ngày 5-12, song sẽ loại trừ dầu thô nhập khẩu từ nhà máy Sakhalin-2.

Tokyo cho hay việc loại trừ dầu thô của dự án Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga (mà các nhà khai thác năng lượng Nhật nắm giữ cổ phần sau khi Tập đoàn Shell rời đi) đã được quyết định “phù hợp an ninh năng lượng của Nhật”.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-bao-rui-ro-tu-chuyen-tau-dau-mac-ket-o-tho-nhi-ky-post711798.html