Cảnh báo những bệnh tiềm ẩn sau những trận mưa ngập

Những cơn mưa lớn đổ xuống TP.HCM và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam trong những ngày qua gây ngập úng diện rộng, các bác sĩ đã có cảnh báo về những bệnh liên quan đến da liễu, hô hấp và tiêu hóa dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Bệnh da liễu

Bác sĩ Hoàng Văn Minh, Phòng khám Da liễu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phân tích, vào mùa mưa, các bệnh về da thường xuất hiện do tiếp xúc với nước mưa, phổ biến nhất là mề đay. Khi mắc bệnh, da bị nổi đỏ lên những mảng lớn như cơm cháy, gây ngứa nhiều. Bệnh mề đay không quá nguy hiểm và sẽ tự hết, nhưng bệnh sẽ tái phát khi người bệnh tiếp xúc với nước mưa.

Khi phải dầm mưa, lội nước ngập, người dân cũng có thể mắc bệnh viêm da do tiếp xúc. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này là do môi trường bị ô nhiễm, lượng khí CO2 tăng cao, cộng thêm bụi bặm, vi sinh, khí độc trong không khí. Khi trời mưa, nhũng khí này sẽ bám vào da và gây kích ứng. Dấu hiệu nhận biết bệnh này là bề mặt da đỏ lên và ngứa, nặng hơn sẽ xuất hiện các mụn nước, nấm, lở loét ở chân tay.

Lội nước ngập úng, người dân dễ bị mắc các bệnh da liễu như mề đay, viêm da...

Bệnh đường tiêu hóa

Khi có mưa lũ gây ngập úng, các bệnh về đường tiêu hóa lây truyền qua nước như tả, lỵ, nhiễm giun sán... cũng có nguy cơ bùng phát cao. Nguyên nhân là do khi ngập úng, điều kiện vệ sinh không bảo đảm các loại thực phẩm, nước uống bị nhiễm khuẩn gây ra các bệnh về tiêu hóa. Các vi khuẩn gây bệnh trong nguồn nước có khả năng lây lan nhanh chóng, dễ gây thành dịch bệnh với các triệu chứng như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.

Bệnh về hô hấp

Theo bác sĩ Võ Kim Tuyến - Khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các bệnh cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, hen, sốt xuất huyết, virus Zika... cũng có nguy cơ bùng phát cao khi vào mùa mưa. Bác sĩ Tuyến cho biết: Khi người bệnh bị cảm lạnh, không nên chủ quan tự mua thuốc uống bởi đó có thể là dấu hiệu của sốt xuất huyết hoặc viêm phổi.

Biện pháp phòng bệnh mùa mưa

Trước dự báo TP.HCM vẫn còn mưa kéo dài trong những ngày tới, các bác sĩ khuyến cáo người dân chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn chín uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế lội trong nước mưa lâu.

Sau khi đi mưa, nên dùng nước ấm rửa chân và lau khô kẽ ngón chân, bôi thuốc sát trùng; đặc biệt, phải chú ý bảo vệ thân nhiệt bằng cách lau khô người, sử dụng thực phẩm như uống trà gừng, thức ăn giàu vitamin C gồm cam, nước chanh để làm ấm cơ thể.

Duyên Hà

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/canh-bao-nhung-benh-tiem-an-sau-nhung-tran-mua-ngap-d48516.html