Cảnh báo nguy cơ rắn độc tấn công vào mùa hái cà phê

Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, từ tháng 9-2023 đến nay, Bệnh viện đã thu dung, điều trị cho hàng trăm trường hợp bị rắn cắn. Trung bình mỗi tuần, Bệnh viện tiếp nhận, điều trị 5-6 ca, có tuần lên tới 10 ca. Trong đó, phần lớn là do rắn lục, nhất là rắn lục đuôi đỏ cắn.

Hơn 10 ngày điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, sức khỏe của bà Nguyễn Thị Thúy (63 tuổi, trú tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar) đã ổn định. Trước đó, chiều 30-11-2023, bà Thúy bị rắn lục cắn vào tay trong lúc hái cà phê, được người nhà nhanh chóng ga-rô rồi đưa đến bệnh viện.

Một người dân bị rắn lục cắn được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Một người dân bị rắn lục cắn được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Cũng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì bị rắn lục tấn công, chị Lê Thị Lần (38 tuổi, trú tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) cho biết, chị bị rắn cắn trong lúc ra vườn vào buổi tối, may mắn được người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời... Theo bác sĩ Hồ Tất Chiến, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, rắn lục, đặc biệt là rắn lục đuôi đỏ hay trú ẩn trên cành cây, rất khó phát hiện.

Mùa hái cà phê, người dân rất dễ bị rắn tấn công nếu không cảnh giác. Do đó, khi thu hoạch cà phê, người dân nên mang bao tay dày, hạn chế đi vào bụi rậm và nên có động thái đánh động để rắn bỏ đi nơi khác... Khi bị rắn cắn, cần nhận diện loại rắn để bác sĩ có thể sơ cứu, đánh giá tình trạng và chỉ định loại huyết thanh kháng độc phù hợp.

“Khi bị rắn cắn, người dân cần bình tĩnh, không ga-rô quá mạnh, không cử động nhiều, không đắp các loại lá cây mà nhanh chóng rửa sạch vết thương và đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Bị rắn lục đuôi đỏ cắn sẽ gây ra tình trạng viêm mô mềm và rối loạn đông máu, nếu không được cấp cứu sẽ gây ra tình trạng rối loạn đông máu nặng dẫn đến nguy cơ tử vong. Ga-rô quá chặt, đắp các loại lá cây dễ dẫn đến nhiễm trùng vết thương, hoại tử. Đã có trường hợp người dân phải cắt bỏ ngón tay, ngón chân vì hoại tử”, bác sĩ Hồ Tất Chiến cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/canh-bao-nguy-co-ran-doc-tan-cong-vao-mua-hai-ca-phe-759297