Cảnh báo gout, căn bệnh nhà giàu ngày càng trẻ hóa

Nhiều thanh niên trong độ tuổi 20-30 mắc bệnh gout do thói quen ăn nhiều đạm, uống nhiều bia rượu, ít vận động...

Bệnh nhân HA (nam, 17 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện tại Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương trong tình trạng sưng đau dữ dội khớp bàn chân, đặc biệt là ngón chân cái. Sau khi thăm khám, các bác sĩ (BS) chẩn đoán bệnh nhân bị tái phát gout dẫn đến cơn đau gout cấp.

Nhập viện giữa đêm đau không chịu nổi

BS CKII Nguyễn Đình Thông, Trưởng khoa Cơ xương khớp BV Nguyễn Tri Phương, cho biết bệnh nhân A có biểu hiện gout điển hình như viêm khớp bàn ngón chân, bệnh khởi phát vào ban đêm và đau dữ dội. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị béo phì, có sở thích ăn nhiều lòng đỏ trứng (dù đã được BS nhắc nhở nhiều lần nhưng không thay đổi).

“Sau bảy ngày điều trị theo hướng dẫn của BS, bệnh nhân hiện đã cắt được cơn đau gout cấp. Tuy nhiên, để ổn định lâu dài, bệnh nhân cần thường xuyên thăm khám, điều trị định kỳ và nhất là thay đổi thói quen ăn uống” - BS Thông nói.

TS-BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV ĐH Y Dược TP.HCM, đang khám cho bệnh nhân mắc bệnh gout. Ảnh: BVCC

Tiếp đó là trường hợp của bệnh nhân NTP (nam, 22 tuổi, ngụ TP.HCM) đến khám tại BV ĐH Y Dược TP.HCM trong tình trạng sưng nóng, đỏ, đau ngón chân cái, cổ chân. Cơn đau dữ dội khiến bệnh nhân không thể tự đi lại. Bệnh nhân cho hay tối hôm đó uống khá nhiều bia rượu tại tiệc sinh nhật, đến khuya cơn đau xuất hiện và ngày càng dữ dội. Không thể chịu đựng thêm nên bệnh nhân được đưa tới BV ngay trong đêm.

. Huỳnh Ngọc Thu (Đồng Nai): BS ơi, bệnh gout có di truyền không? + BS CKII Nguyễn Đình Thông: Bệnh gout một phần do di truyền, trong gia đình nếu ông bà, cha mẹ, anh chị của bạn mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh gout là có, tuy nhiên không phải 100%. Để phòng ngừa bệnh, bạn nên duy trì lối sống, sinh hoạt, ăn uống lành mạnh!

Bệnh nhân P cho biết thêm mình từng mắc bệnh gout, được các BS khuyến cáo nên hạn chế rượu bia và các loại thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật… Nhưng do tính chất công việc phải giao tiếp nhiều nên sau một thời gian cố gắng kiêng cữ, bệnh nhân quay lại chế độ ăn uống như cũ khiến bệnh tái phát.

Rất nhiều người bị gout ở tuổi 20-30

Theo TS-BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV ĐH Y Dược TP.HCM, các triệu chứng điển hình của bệnh gout là sưng đau khớp dữ dội, khớp sưng ở chi dưới, ngón chân cái, bàn chân, cổ chân, khớp gối... Cơn gout cấp tính gây đau rất dữ dội khiến người bệnh hầu như không thể chịu đựng được, phải đi khám hoặc dùng thuốc giảm đau.

“Sau khoảng 7-14 ngày cơn đau giảm, người bệnh sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu không điều trị lâu dài thì acid uric tiếp tục lắng đọng trong các khớp và tiếp tục gây ra những đợt sưng đau khớp cấp tính. Ở giai đoạn đầu, cơn gout cấp tính có thể vài năm bị một cơn, rồi một năm một cơn, tiếp đến vài tháng một cơn và sau đó là sưng đau khớp liên tục” - TS-BS Ngọc cho biết.

Tại BV ĐH Y Dược TP.HCM, trước đây bệnh nhân mắc bệnh gout nằm trong độ tuổi 40-50 trở lên. Tuy nhiên, hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hóa, người trẻ chừng 20-30 tuổi mắc bệnh gout rất nhiều, đa phần là nam. Bệnh nhân nữ mắc gout hầu hết sau tuổi mãn kinh, rất hiếm nữ giới trẻ tuổi mắc bệnh này.

“Tình trạng bệnh nhân bị gout ngày càng trẻ hóa liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chế độ ăn uống và sinh hoạt. Bây giờ cuộc sống đầy đủ hơn, chế độ ăn nhiều đạm hơn, ít rau củ quả đi. Bên cạnh đó, uống rượu bia, ít vận động, stress… cũng là những yếu tố nguy cơ của bệnh gout. Những người đã bị bệnh gout khi căng thẳng cũng dễ dẫn đến cơn đau gout cấp” - TS-BS Ngọc lý giải.

BS Nguyễn Đình Thông cũng cho biết ngày càng có nhiều người trẻ nhập viện điều trị gout khi các cơn đau cấp tái lại nhiều lần. Nguyên nhân là sau khi điều trị một đợt đau cấp, họ thường nghĩ đã hết bệnh nên quay lại thói quen sinh hoạt cũ, không điều trị, tái khám theo chỉ dẫn của BS. Đây là một sai lầm trong điều trị vì cơn viêm khớp gout cấp tính sẽ tái phát sau một thời gian.

Khác biệt giữa bệnh gout ở người già và người trẻ

Ở người già, đa phần bệnh gout có liên quan đến bệnh lý nhiều hơn như suy thận, dùng thuốc…, còn người trẻ liên quan đến vấn đề chế độ ăn nhiều đạm, uống nhiều bia rượu, ít vận động.

Triệu chứng bệnh gout ở người trẻ điển hình, rầm rộ hơn ở người già. Người trẻ thường sẽ sưng đau dữ dội một khớp đa phần ở chi dưới nhưng người già có thể bị ở nhiều khớp không chỉ ở chi dưới mà còn ở các khớp khác như khớp tay. Điều trị gout ở người trẻ cũng đơn giản và dễ kiểm soát hơn người già vì người già hay mắc nhiều bệnh lý cùng lúc, do đó phải lựa chọn thuốc sao cho hiệu quả và an toàn.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, trước hết cần có chế độ ăn cân đối, không quá nhiều đạm, uống nhiều nước, giảm rượu bia, tập thể dục, tránh stress. Những người đã bị bệnh phải thực hiện theo hướng dẫn của BS, uống thuốc, tái khám đều đặn.

TS-BS CAO THANH NGỌC,
Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV ĐH Y Dược TP.HCM

VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-bao-gout-can-benh-nha-giau-ngay-cang-tre-hoa-post756797.html