Cảnh báo dịch tay chân miệng 'vào mùa'

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cao điểm của bệnh tay chân miệng là tháng 3-5 và tháng 8-9 hằng năm. Theo đó, tuần qua (29/3-5/4), chỉ riêng Hà Nội đã ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Cụ thể, bệnh nhân mắc tay chân miệng phân bố rải rác tại 26 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, một số quận/huyện có nhiều ca mắc là Bắc Từ Liêm ghi (10 ca), Mê Linh (9 ca), Nam Từ Liêm (9 ca), Hà Đông (8 ca), Hoàng Mai (8 ca).

Đặc biệt, trong tuần có thêm 1 ổ dịch mới với 2 ca bệnh tay chân miệng tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì.

Trẻ bị tay chân miệng cần chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ (Ảnh: Trần Huyền).

Cũng theo CDC Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 424 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 155 ca so với cùng kỳ năm 2023. Thành phố cũng đã ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng. Hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động.

Không riêng Hà Nội, mà vào thời điểm này trên cả nước số ca mắc tay chân miệng cũng gia tăng. Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 8.200 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Cao điểm của bệnh tay chân miệng là tháng 3-5 và tháng 8-9 hằng năm. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie vi rút A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Do đó, CDC Hà Nội dự báo, trong thời gian tới, có thể gia tăng ca mắc tay chân miệng. Trong tuần tới, CDC Hà Nội sẽ tăng cường giám sát công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại hai huyện Ba Vì và Đông Anh. Đồng thời, tập huấn hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế các quận, huyện, thị xã”.

Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng tại Việt Nam chủ yếu do hai loại virus chính, đó là Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh này có thể tác động lên mọi nhóm độ tuổi, nhưng có đến 90% trường hợp xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Đồng thời, chủng EV71 thường gây ra các tình trạng bệnh nặng và có nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong.

Bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo, hiện tại Việt Nam chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus.

Do đó, chú trọng phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình.

Để phòng, chống bệnh tay chân miệng đối với khối trường mầm non, tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh...

Đồng thời, hướng dẫn giáo viên các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như: Rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau rửa toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ, bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn.

Ngoài ra, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, đĩa, muỗng, đồ chơi chưa được khử trùng.

Trần Huyền

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/canh-bao-dich-tay-chan-mieng-vao-mua-20240408085412325.htm