Cảnh báo chiêu thức lừa đảo mới

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều trang mạng xã hội (chủ yếu là Facebook) nhắn tin mua, đặt hàng với số lượng lớn, sau đó mất tăm, thậm chí chặn luôn Messenger. Ðối tượng mà các đối tượng lừa đảo nhắm tới là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Theo lời kể của anh N.T.B, chủ shop sữa trên đường Nguyễn Trãi, Phường 9, TP Cà Mau, cách đây vài ngày có chủ tài khoản tên Văn Hào, xưng là giáo viên một trường nội trú, nhắn tin nhờ anh tư vấn cách dùng sữa cho người từ 15-18 tuổi.

Anh B cũng tư vấn thật tình, sau vài tin nhắn thì tài khoản lạ chốt loại sữa bột hiệu SunBone Care tốt cho xương và khớp, với tổng số 236 hộp. Giá tại shop sữa là 400 ngàn đồng/hộp, tổng thanh toán là 94,4 triệu đồng. Ðối tượng đồng ý chuyển khoản cho anh B 50%, số tiền còn lại khi nào nhận sữa sẽ thanh toán đầy đủ. Ðể anh B tin tưởng, đối tượng còn gửi mã số thuế nhờ anh B xuất hóa đơn.

Câu chuyện chưa dừng lại đó, đối tượng lại tiếp tục nhắn tin nhờ anh B liên hệ mua giùm chiếc giường bằng sắt 2 tầng để tiện cho việc nghỉ ngơi sau giờ lên lớp, vì đối tượng bảo là mới chuyển công tác về trường nên không biết chỗ mua. Ðối tượng gửi hình ảnh chiếc giường và cả số điện thoại của người bán giường nhờ anh B mua và trả tiền giúp. Sau khi giao sữa qua trường thì giao luôn chiếc giường. Sau khi cung cấp số điện thoại người bán giường cho anh B, đối tượng liên tục nhắn tin, gọi điện thúc hối anh B xem có liên hệ mua hàng giùm chưa.

Vốn có tính thận trọng, anh B liền liên hệ với nhà trường thì nhận được thông tin trường không có người nào mới chuyển về và trường cũng không có nhu cầu mua sữa với số lượng lớn như thế. Ðặc biệt là mã số thuế mà đối tượng cung cấp hoàn toàn không phải là mã số thuế của trường.

Anh B chia sẻ: “Ban đầu tôi không nghĩ là lừa đảo vì tôi bán hàng mà, ai hỏi thì tôi tư vấn tận tình. Nhưng khi bạn ấy có nhã ý mua 1 lần tới hơn 230 hộp sữa bột thì tôi thấy nghi ngờ. Vì đa phần các cháu học sinh ở trường uống sữa hộp giấy pha sẵn, chứ sữa bột này pha bất tiện lắm”.

Tương tự như trường hợp anh B, anh L.M (Phường 5, TP Cà Mau) cho biết, nhà anh chuyên cung cấp, lắp đặt hệ thống giám sát như camera. Cách đây vài hôm anh cũng nhận được tin nhắn qua Messenger, nhờ anh khảo sát và lắp đặt 20 bộ camera tại Trường Ðại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau. Vốn tính thân thiện nên anh M nhiệt tình tư vấn những mặt hàng tại tiệm cho khách hàng. Sau cùng, đối tượng chốt 20 bộ camera (khoảng 800 ngàn đồng/bộ).

Ðối tượng hẹn cọc 50%, số còn lại lắp đặt xong sẽ trả hết. Ðối tượng cũng nhờ anh M mua hộ 5 chiếc nệm vì trường sắp có đoàn công tác xuống kiểm tra mà hiện còn thiếu 5 chiếc nệm. Sau đó, đối tượng cũng gửi số điện thoại của người bán nệm cho anh M nhờ anh M giúp mua hàng và trả tiền hộ. Khi nào lắp xong camera thì tính luôn một thể.

“Tôi thấy có gì đó sai sai, nếu có số điện thoại sao không tự đặt mà phải nhờ mình, mà còn phải trả tiền giùm nữa chứ. Tôi từ chối thẳng, đối tượng cũng chặn tôi luôn”, anh M chia sẻ.

Ðây được xem là chiêu thức lừa đảo mới, đối tượng được nhắm đến là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tiệm tạp hóa. Nếu ai ham lợi nhuận thì sẽ bị lừa ngay, vì mặt hàng bọn chúng nhờ mua thấp hơn mặt hàng bọn chúng đặt rất nhiều. Ðối tượng lừa đảo sử dụng nhiều trang mạng khác nhau để nhắn tin thúc giục, làm cho người bị hại rơi vào tâm lý bị dồn ép và bắt đầu làm theo kịch bản của bọn chúng.

Thiết nghĩ, các doanh nghiệp, cá nhân cần bình tĩnh, nhận diện rõ những chiêu thức lừa đảo sử dụng công nghệ cao để tránh mất tiền oan uổng. Ðồng thời, tích cực chia sẻ các thông tin cảnh báo đến người thân, bạn bè và mọi người xung quanh, góp phần ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng./.

Kim Cương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/canh-bao-chieu-thuc-lua-dao-moi-a30122.html