Cảnh báo 'chén rượu ngày Tết' có thể ảnh hưởng đến sức khỏe

Theo TS. BS. Lê Quang Thuận, uống bia rượu rất có hại cho sức khỏe, chính vì vậy trước khi uống rượu bia mỗi người cần nhìn vào những tác hại của đồ uống này để tiết chế, giảm đến mức tối thiểu việc bia rượu nạp vào cơ thể.

Xuân Giáp Thìn đang "gõ cửa" mỗi nhà, TS. BS. Lê Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai khẳng định, uống bia rượu rất có hại cho sức khỏe, chính vì vậy trước khi uống rượu bia mỗi người cần nhìn vào những tác hại của đồ uống này để tiết chế, giảm đến mức tối thiểu việc bia rượu nạp vào cơ thể.

Dưới góc độ ngôn ngữ, bác sĩ cho rằng nên dùng cụm từ "thưởng thức" thay cho "uống bia rượu" để chú trọng vào vấn đề bảo vệ sức khỏe. Bởi uống rượu bia xuất phát từ trong ý thức và văn hóa của mỗi con người. Thưởng thức rượu bia là nói đến sự tiết chế, uống rất ít và rượu bia cần được tuyển chọn đảm bảo tốt, không có độc tố.

Uống bia rượu có hại sức khỏe thế nào?

Theo TS. BS. Lê Quang Thuận, ở góc độ khoa học y học, qua các nghiên cứu cho thấy, ở một mặt nào đó, nếu sử dụng rượu bia với một lượng vừa phải hợp lý, đúng mực ở những người khỏe mạnh còn có lợi như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm căng thẳng tạm thời về thần kinh…

Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều, lạm dụng rượu bia thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên dẫn tới có hại cho sức khỏe.

Rượu làm ức chế thần kinh trung ương, mất kiểm soát suy nghĩ và hành vi, rối loạn ý thức và hôn mê ở nhiều mức độ khác nhau. Uống rượu có thể dẫn tới tăng huyết áp, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn; thở yếu, ngừng thở; nôn, viêm loét dạ dày thực quản, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn điện giải, viêm xơ suy tụy; suy thận, tiêu cơ vân; hạ thân nhiệt; hạ đường máu… Khi uống rượu lâu dài còn dẫn tới gây nghiện; bệnh não do rượu, bệnh thần kinh ngoại vi do rượu; suy tim, giảm miễn dịch; hoại tử chỏm xương đùi; sa sút trí tuệ; đái tháo đường…; ung thư đường tiêu hóa; viêm xơ, ung thư gan…; các vấn đề khác như tai nạn, ngã, gãy xương...

Thực tế hiện nay, tình trạng rượu chứa độc tố, chứa methanol lưu hành nhiều trên thị trường, nếu uống phải những loại rượu này sẽ ảnh hưởng nặng nề, gây tổn thương não, mù mắt, nhiễm toan, suy đa tạng, và có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng.

Hay việc dùng rượu không rõ nguồn gốc và các loại rượu ngâm (anh túc, cây cỏ không rõ nguồn gốc, củ ấu tàu, pha ma túy; ngâm phủ tạng, mật huyết động vật…) có những thành phần có thể gây độc nguy hiểm tới sức khỏe con người. Ví dụ như opiod dẫn tới hôn mê, ngừng thở, đồng tử co nhỏ; aconitin gây loạn nhịp tim và tử vong…

Rượu được coi là loại đồ uống phổ biến trong hầu hết các dịp lễ, Tết, các cuộc gặp mặt.... Ảnh chỉ có tính minh họa

Làm thế nào để giảm tác dụng có hại của bia rượu?

Bác sĩ cũng chỉ ra rằng, không nên uống quá 2 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.

Một đơn vị cồn tiêu chuẩn ở nước ta tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Một đơn vị cồn tiêu chuẩn tương đương với khoảng 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml (4%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Để tránh những hệ lụy nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng cần chọn loại rượu, bia phù hợp, rõ nguồn gốc (đã được kiểm định bởi cơ quan quản lý); biết cách phân biệt hàng giả… Nếu không rõ cần kiểm định bằng cách xét nghiệm, lâm sàng; ưu tiên kiểm định bằng xét nghiệm.

"Nếu trong trường hợp bắt buộc phải uống rượu, cần chuẩn bị cơ thể tốt, ăn đủ trước, trong và sau uống, giữ ấm, tránh lạnh, uống đúng mực, có kiểm soát. Trong trường hợp phải lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao thì tuyệt đối không uống. Quan trọng nhất là chúng ta chỉ nên uống một lượng rượu vừa đủ, thay vì uống quá nhanh hãy uống chậm lại.

Nên chọn các loại rượu có nồng độ cồn thấp, như rượu vang, rượu nồng độ cao thì pha nhạt đi. Ngoài ra, trước khi uống rượu cần uống đủ nước để giảm khát, vì khát nước khiến bạn uống nhiều rượu hơn.

Đặc biệt, đối với những người tuổi cao nên giảm lượng rượu, người có vấn đề sức khỏe như men gan cao, bệnh tim, bệnh tiểu đường, bệnh não và các bệnh lý khác thì không uống rượu", chuyên gia chống độc cho hay.

Nhiều người cần tuyệt đối "chống chỉ định" với rượu

TS. BS. Lê Quang Thuận khuyến cáo, phụ nữ có thai và cho con bú tuyệt đối không sử dụng rượu, bia; tuyệt đối không sử dụng rượu với aspirin; không uống rượu, bia khi đang dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Chống chỉ định tương đối với những người mắc các bệnh về gan, tim mạch, đái tháo đường… Không nên uống rượu/bia với caffeine; không nên uống rượu với đồ uống có ga; không nên lạm dụng "thuốc giải rượu". Ngoài ra, uống rượu, bia còn chống chỉ định với người tham gia giao thông và người dưới 18 tuổi.

"Trong những dịp lễ, Tết, việc bị mời rượu bia là khó tránh, nhưng cũng cần xác định "không phải uống hết mới là tình cảm", mà thay vào đó cần xác định giúp cho nhau khỏe, vui, hạnh phúc mới thật sự mang lại những giá trị tốt đẹp. Và quan trọng nhất, để nàng Xuân vui khắp mọi nhà, chúng ta cần tuyệt đối tuân thủ Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, thuốc lá và Luật An toàn giao thông. Đã uống rượu, bia là không lái xe!", Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho hay.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Trưa 1/2: Ấn định ngày xét xử vụ Ngọc Trinh gây rối trật tự, đồng phạm liên quan có bị xử lý?

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-chen-ruou-ngay-tet-co-the-anh-huong-den-suc-khoe-169240203173743217.htm