Căng thẳng tại nơi làm việc gây thiệt hại về kinh tế, giảm năng suất

Khi người lao động gặp căng thẳng tại nơi làm việc không chỉ gây hại cho sức khỏe của chính họ mà còn làm giảm năng suất của doanh nghiệp, thiệt hại kinh tế cả trực tiếp lẫn gián tiếp...

Ảnh minh họa.

Những thông tin này được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc, ngày 26/4.

Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), áp lực tại nơi làm việc là điều khó tránh khỏi do yêu cầu của môi trường làm việc hiện đại. Tuy nhiên, khi áp lực đó trở nên quá mức hoặc không thể kiểm soát được, nó sẽ dẫn đến căng thẳng. Căng thẳng có thể gây hại cho sức khỏe của người lao động và giảm năng suất.

CĂNG THẲNG TẠI NƠI LÀM VIỆC CÓ THỂ GÂY THIỆT HẠI LỚN VỀ KINH TẾ

Một nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) năm 2017 nêu rõ khoảng 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm, con số này gấp 4 lần số tử vong do tai nạn giao thông.

Theo các chuyên gia, trong cuộc sống hiện nay, một bộ phận đáng kể dân số mắc chứng rối loạn tâm thần do căng thẳng tâm lý cấp tính hoặc mạn tính. Nó có tỷ lệ như một bệnh dịch và đại diện cho vấn đề xã hội chính của xã hội hiện đại.

GS.TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ngày nay đang theo đuổi những mục tiêu phức tạp và đa dạng để tạo ra lợi nhuận cao hơn. Họ phải liên tục thay đổi để đạt được những mục tiêu này, cụ thể là bằng cách tổ chức và quản lý sản phẩm, phương pháp làm việc, đổi mới công nghệ, chính sách nhân sự, hình thức tổ chức công việc...

Những thay đổi tổ chức như vậy dẫn đến cường độ làm việc lớn hơn. Khối lượng công việc tăng lên có tác động tiêu cực đến sức khỏe và sự an toàn của người lao động, bao gồm rối loạn cơ xương, căng thẳng tâm lý, mệt mỏi và tai nạn…

Các nguồn gây căng thẳng trong công việc phải kể đến như: Điều kiện làm việc kém; công việc bị quá tải; áp lực thời gian; nơi làm việc nhiều nguy cơ rủi ro; thiếu bảo đảm việc làm và tương lai, có quá nhiều hứa hẹn nhưng không được thực hiện; quan hệ không tốt với lãnh đạo, cấp dưới, hoặc đồng nghiệp, gặp khó khăn trong việc giao công việc và trách nhiệm…

Theo ông Trình, trên cơ sở các nghiên cứu đã có cho thấy rằng, điều kiện làm việc và văn hóa của tổ chức, doanh nghiệp đóng vai trò chính trong việc gây ra căng thẳng trong công việc.

Ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) bổ sung thêm rằng, những biến đổi khó lường, tăng trưởng giảm sút, tình trạng mất việc làm, thu nhập thấp, hoặc điều kiện lao động ở nhiều nơi không đảm bảo, áp lực công việc lớn... đều có thể gây ra những vấn đề đáng quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là vấn đề căng thẳng tại nơi làm việc.

Ông Long thông tin, trong ấn phẩm mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế, nhóm an toàn và sức khỏe lao động đã nghiên cứu căng thẳng tại nơi làm việc trên toàn thế giới bao gồm châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Úc và châu Âu và đi đến kết luận rằng, vấn đề này có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm trực tiếp và gián tiếp đến xã hội. Con số này chưa thể tính hết những cái giá mà con người phải trả khi chịu đựng đau khổ, buồn bã và thậm chí là tự sát.

Thống kê chỉ ra một số ngành nghề có số lượng người lao động bị stress cao nhất thường là sản xuất vật liệu xây dựng, ngân hàng, hóa dược, chăm sóc sức khỏe… Các công việc càng có tính chất quan trọng, chiếm nhu cầu cao trong đời sống thì người làm việc càng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh bởi khối lượng công việc quá tải diễn ra hằng ngày.

CẦN NỖ LỰC TỪ NHIỀU PHÍA

Trước những thực tế như vậy, để phòng ngừa nguy cơ căng thẳng nghề nghiệp, GS.TS. Lê Vân Trình cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía từ tổ chức, doanh nghiệp, công đoàn, đến người lao động.

Các chuyên gia, đơn vị tham dự hội thảo.

Cụ thể, về phía doanh nghiệp là cần loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn hoặc kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc, xây dựng quy trình làm việc an toàn cho từng nhiệm vụ, thiết bị hoặc công cụ mà nhân viên của họ được yêu cầu thực hiện. Đồng thời, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, theo dõi thường xuyên, khi thấy có biểu hiện căng thảng hay trầm cảm cần bố trí nghỉ ngơi và khi cần điều trị kịp thời.

Cùng với đó, cần phân công lao động, bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và phù hợp với khả năng của người lao động. Thông tin đầy đủ và kịp thời cho người lao động về những thay đổi của công ty trong sản xuất, sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận và tổ chức nhân sự…

Theo ông Trình, phòng ngừa căng thẳng tại nơi làm việc là một trong những yêu cầu cơ bản trong sản xuất hiện đại, khi nó trở thành một yếu tố nguy cơ cao nhất làm suy giảm sức khỏe người lao động. Vì thế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa an toàn là biện pháp cơ bản nhất tạo một môi trường làm việc không căng thẳng.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhìn nhận, hiện nay nhận thức của người lao động, doanh nghiệp và công đoàn về căng thẳng tại nơi làm việc là chưa đủ tầm, chưa đúng mức. Nơi nào có nhận thức tốt, có nhiều giải pháp phù hợp thì người lao động ít bị căng thẳng.

Do đó, ông Hiểu đề nghị công đoàn cần quan tâm xây dựng chính sách pháp luật, trong thương lượng thỏa ước phải lưu ý vấn đề này. Công đoàn cũng cần làm tốt công tác giám sát, chú trọng đến việc tạo ra môi trường giảm bớt căng thẳng cho người lao động.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cang-thang-tai-noi-lam-viec-gay-thiet-hai-ve-kinh-te-giam-nang-suat.htm