Căng thẳng Mỹ - Iran: Cuộc chiến tranh vùng xám?

Có những dấu hiệu cho thấy Mỹ điều chỉnh chiến lược để đối phó với cái gọi là mối đe dọa từ Iran. Chưa rõ Mỹ có tấn công Iran hay không, Hay đây chỉ là cách Mỹ buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán. nhưng những tín hiệu mà Mỹ phát đi đang gây căng thẳng cho khu vực Trung Đông vốn đã rất 'nóng'.

Giả thiết về một cuộc không kích

Mỹ và Iran đang ở thế đối đầu căng thẳng. Iran đã kiện Mỹ lên tòa án cấp cao nhất của Liên Hiệp Quốc (LHQ) - Tòa án Công lý Quốc tế LHQ (ICJ), bác bỏ về mặt pháp lý đối với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Sau sự việc, nhà khoa học chính trị người Đức Josef Braml tin rằng Mỹ sẽ phớt lờ quyết định của ICJ. Theo ông, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn có thể lên kế hoạch tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Iran.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ sẽ xảy ra các cuộc tấn công quân sự hay không, nhà khoa học chính trị Braml nói: “Tất nhiên là có. Tôi cho rằng người Mỹ sẽ tiến hành hành động quân sự chống Iran vào cuối năm nay, 2018. Tôi thực sự không cho rằng sẽ diễn ra một cuộc tấn công với sự tham gia của lực lượng bộ binh. Có lẽ, sẽ diễn ra các cuộc không kích có mục tiêu nhằm phá hủy khả năng hạt nhân của Iran.

Nếu Ngoại trưởng Đức Steinmeier thời đó nói đúng, rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh, vậy thì chúng ta cần phải kết luận rằng chiến tranh sẽ xảy ra sau khi Mỹ đơn phương từ bỏ thỏa thuận này”.

Không thể dựa vào người ngoài

Nhà khoa học chính trị Braml đưa ra nhận định trên sau khi lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cảnh báo Tổng thống Iran Hassan Rouhani và nội các của ông ta không nên dựa vào sự ủng hộ của các nước châu Âu trong việc cứu vãn thỏa thuận mang tính lịch sử này, sau khi Mỹ tự ý rút khỏi thỏa thuận. Ông Khamenei cho rằng Iran cần có bước đi quyết đoán nhằm từ bỏ thỏa thuận này do không thể tin tưởng vào khả năng cứu vãn thỏa thuận của các nước châu Âu.

Trên trang web của mình, ông Khamenei viết: “Thỏa thuận hạt nhân là phương tiện, không phải mục tiêu và nếu chúng ta đi đến kết luận rằng nó không phục vụ cho lợi ích quốc gia của chúng ta, chúng ta có thể từ bỏ nó”.

Tuyên bố của ông Ali Khamenei không phải không có lý khi các nước châu Âu cho dù đã và đang nỗ lực giữ Iran ở lại thỏa thuận hạt nhân bằng cách khẳng định rằng Tehran sẽ nhận được các lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các nỗ lực này hiệu quả đến đâu khi phần lớn các công ty nước ngoài đã lựa chọn từ bỏ các dự án đầu tư tại Iran do lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 30-8 đã công bố báo cáo khẳng định Iran vẫn đang tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015, bất chấp tương lai bấp bênh của thỏa thuận này sau khi Mỹ rút lui.

Đại giáo chủ Ali Khamenei và các tướng lĩnh quân đội Iran. Ảnh: cbsnews.com.

Quân đội Iran tăng năng lực phòng vệ

Đánh giá tình hình cụ thể tại Iran, một số trang mạng dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Bộ này đang thay đổi các cuộc tập trận tại Trung Đông nhằm giải tỏa lo ngại của chính quyền Tổng thống Donald Trump về mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Iran, ngay cả khi không có nhiều khả năng xảy ra xung đột vũ trang. Sau cuộc họp với các quan chức trong nội các Iran, tuyên bố ngày 2-9, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei “tạm” loại trừ nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran trong bối cảnh tình hình chính trị và khu vực hiện nay.

Phát biểu trong cuộc họp với các chỉ huy và giới chức phòng không của quân đội Iran tại thủ đô Tehran ngày 2-9, ông Khamenei nhấn mạnh, cho rằng dù khó nổ ra chiến tranh ngay lúc này, song các lực lượng quân đội Iran vẫn luôn phải thận trọng và tăng cường khả năng phòng thủ, đặc biệt giữa lúc căng thẳng với Mỹ leo thang.

Trước đó, vào ngày 1-9, Chính phủ Iran tuyên bố kế hoạch tăng cường các loại tên lửa đạn đạo và hành trình, mua thêm máy bay chiến đấu, tàu ngầm nhằm tăng cường năng lực phòng vệ. Sở dĩ có những lo ngại từ phía Iran là do cách đó không lâu, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi báo cáo lên Quốc hội về những điều chỉnh nhằm đối phó với “những khía cạnh đa chiều của cuộc chiến tranh vùng xám” - thuật ngữ viết tắt của Bộ Quốc phòng về các hoạt động quân sự, không phải là cuộc chiến tranh công khai. Mặc dù báo cáo không nhắc tới Iran, nhưng thuật ngữ “vùng xám” thường có liên quan đến các chiến thuật của Iran.

Báo cáo xuất hiện sau Chiến lược Quốc phòng 2018 (NDS) được công bố, trong đó thông báo rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tìm cách xây dựng một liên minh quân sự tại khu vực Trung Đông để làm “đối trọng với Iran”. Mỹ lo sợ Tehran “đang quyết tâm hỗ trợ các hoạt động khủng bố” được thúc đẩy bằng việc sử dụng các tổ chức thân Iran và chương trình hạt nhân của nước này.

Báo cáo được Tổng tham mưu trưởng liên quân gửi tới Quốc hội, có đoạn: “Bộ tư lệnh quân sự Mỹ đang điều chỉnh chương trình cho phù hợp với NDS 2018”. Báo cáo này được ký bởi Trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, người hồi đầu tháng này được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm lãnh đạo Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, phụ trách cả khu vực Trung Đông.

Báo cáo kêu gọi một “kế hoạch tập trận chung và phối hợp” cho 74 cuộc tập trận mà quân đội Mỹ tiến hành ở Trung Đông nhằm “tăng cường khả năng chiến đấu khi hoạt động với các đồng minh và đối tác khu vực”. Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ Josh Jacques cho biết: Các cuộc tập trận không nhằm trực tiếp vào bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào, mà tập trung vào việc nâng cao các chiến thuật, hợp tác với các đồng minh của Mỹ.

Ông Jacques đã từ chối khẳng định những thay đổi chương trình trong báo cáo này hoặc thảo luận chi tiết về kế hoạch tập trận quân sự của Mỹ. Nhưng ông cho biết nhiều cuộc tập trận quân sự của Mỹ là nhằm đối phó với các “thách thức vùng xám”.

Rất có thể các “đòn gió” sẽ biến thành các cuộc tấn công thực sự, hoặc giả đó cũng chỉ là cách làm thường thấy khi ông Donald Trump muốn buộc Iran trở lại bàn đàm phán. Cả Trung Đông tiếp tục nín thở chờ đợi.

Nguyễn Hòa

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cang-thang-my-iran-cuoc-chien-tranh-vung-xam-509187/