Căng thẳng Iran-Israel: Bóng đen thủy chiến Vịnh Persia vẫn bao trùm Trung Đông

Vụ tấn công hôm 6/4 nhằm vào một tàu chở hàng của Iran, được cho là căn cứ nổi của lực lượng Vệ binh Cách mạng bán quân sự Iran ở ngoài khơi bờ biển Yemen, đã làm gia tăng nguy cơ bùng phát một cuộc thủy chiến vốn phủ bóng đen trên vùng biển Trung Đông nhiều năm qua.

Bóng đen thủy chiến Vịnh Persia vẫn bao trùm Trung Đông. Ảnh vệ tinh từ Planet Labs Inc. cho thấy tàu chở hàng MV Saviz của Iran ở Biển Đỏ ngoài khơi Yemen.

Bóng đen thủy chiến Vịnh Persia vẫn bao trùm Trung Đông. Ảnh vệ tinh từ Planet Labs Inc. cho thấy tàu chở hàng MV Saviz của Iran ở Biển Đỏ ngoài khơi Yemen.

Cuộc tấn công xảy ra đúng vào lúc các cường quốc trên thế giới đang đàm phán với Tehran về thỏa thuận hạt nhân vốn đang có nguy cơ đổ vỡ.

Cuộc tấn công nhắm vào tàu MV Saviz của Iran dường như đã gây ra nhiều thiệt hại nhất cho Iran và Israel, đồng thời có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa hai nước có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Từ leo thang tấn công tàu bí ẩn

Ít nhất kể từ năm 2019, đã có hàng loạt vụ tấn công bí ẩn nhằm vào các tàu thuyền, điển hình là các cuộc tấn công bằng mìn limpet, loại mìn do thợ lặn của lực lượng đặc nhiệm gắn vào thân tàu.

Các cuộc tấn công này xảy ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Tehran và Washington liên quan đến quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân có tên Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).

Hải quân Mỹ đã cáo buộc Iran đứng sau hàng loạt vụ nổ hồi tháng 6/2019 ở Vịnh Oman ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Video ghi lại hình ảnh sau một vụ nổ cho thấy lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đang gỡ một quả mìn limpet chưa nổ khỏi một con tàu bị nhắm đến. Tuy nhiên, Tehran chưa từng giải thích chi tiết hành động này.

Hiện chưa rõ thủ phạm gây ra vụ nổ đầu tiên trong cuộc xung đột. Tương tự, các tàu của Iran cũng từng gặp phải những sự cố bí ẩn trên biển, trong đó vụ việc đầu tiên được công bố rộng rãi liên quan đến một tàu chở dầu của Iran vào tháng 5/2019.

Kể từ đó, Iran bắt đầu thừa nhận các tàu của họ là mục tiêu của nhiều vụ tấn công, trong đó đáng chú ý là vụ nổ trên tàu chở hàng ở Địa Trung Hải hồi tháng 3 vừa qua. Đến nay, chưa có thống kê cụ thể nào về tất cả các con tàu bị tấn công.

Những tuần qua, Israel cũng công khai "nhảy" vào xung đột Mỹ-Iran. Tháng 2/2021, một tàu chở ô tô của nước này đã hứng chịu một vụ nổ, nhiều khả năng do mìn limpet gây ra.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng Iran là chủ mưu vụ tấn công này, khẳng định: “Iran là kẻ thù lớn nhất của Israel, tôi quyết tâm ngăn chặn họ. Chúng tôi đang tấn công họ trên toàn khu vực”.

Đến tấn công tàu bán quân sự

Vụ nổ trên tàu MV Saviz là diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột này. Mặc dù các cuộc tấn công hàng hải trước đó chỉ nhằm vào các tàu thương mại và gây ra thiệt hại bên ngoài, nhưng vụ nổ hôm 6/4 dường như đã phá hủy một phần thân tàu Saviz ở dưới mặt nước.

Tuy vẫn đang trôi nổi ngoài khơi quần đảo Dahlak, một chuỗi đảo ở ngoài khơi quốc gia Đông Phi Eritrea, song có khả năng con tàu đã bị hư hại nghiêm trọng.

Ngày 8/4, trang mạng Nournews, nguồn tin được cho là thân cận với Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran, đã công bố những hình ảnh cho thấy nước Biển Đỏ tràn qua khoang nhiên liệu của con tàu.

Các bức ảnh này được đánh dấu thời gian từ chiều 7/4 khẳng định số hiệu đăng ký của con tàu được cung cấp bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), một cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) chuyên về quản lý các tàu trên biển.

Trong khi đó, một bức ảnh vệ tinh do cơ quan Planet Labs (San Francisco, Mỹ) chụp hôm 7/4 dường như cho thấy một vết dầu loang rò rỉ ở phía sau con tàu.

Mặc dù các nhà chức trách Iran mô tả thiệt hại gây ra cho con tàu vẫn ở mức nhỏ, nhưng lượng nước biển tràn vào khoang động cơ của tàu Saviz sẽ khiến chân vịt của tàu khó có thể hoạt động trở lại cũng như khó tạo ra điện cho con tàu. Nếu Iran không thể bơm nước ra ngoài và khắc phục thiệt hại cho tàu ngay trên biển thì nước này sẽ cần điều một tàu khác đến hỗ trợ và thậm chí phải kéo tàu Saviz về cảng để sửa chữa.

Việc mất tàu Saviz sẽ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Iran nhằm tăng cường sức mạnh của nước này trên Biển Đỏ cũng như trong cuộc chiến đang diễn ra ở Yemen.

Các tài liệu báo cáo quân sự ngắn gọn của Saudi Arabia mà hãng tin AP có được trước đó cho thấy con tàu có thể tiến hành các hoạt động giám sát hình ảnh và giám sát điện tử. Các nhà phân tích tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington mô tả Saviz là một “tàu cái" của Iran và là một pháo đài nổi.

Tuy nhiên, các quan chức Iran cho đến nay vẫn cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Nhiều khả năng động thái này xuất phát từ các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Vienna (Áo) vốn có thể giúp Tehran được Mỹ đồng ý nới lỏng các đòn trừng phạt trị giá lên đến hàng tỷ USD.

Trước đây, Iran cũng từng phải đối mặt với 2 vụ tấn công bí ẩn được cho là do Israel gây ra vào năm ngoái nhưng không đưa ra phản ứng đáng kể nào. Đó là vụ nổ tại một nhà máy ly tâm hiện đại tại cơ sở hạt nhân Natanz và vụ sát hại một nhà khoa học được cho "cha đẻ" của chương trình hạt nhân quân sự của nước này từ nhiều thập kỷ trước.

Isreal cũng thường "im ắng" về những vụ tấn công gần đây nhằm vào Iran. Giới chức và cơ quan tình báo Mossad của Israel hiếm khi công khai thừa nhận các cuộc tấn công vào tàu thuyền Tehran.

Tuy nhiên nhiều năm qua, Thủ tướng Netanyahu đã luôn coi Iran là một mối đe dọa hiện hữu đối với Israel, bởi Iran luôn hậu thuẫn các nhóm phiến quân như Hezbollah (Lebanon) và Hamas (Palestine), đồng thời ngầm khẳng định Israel sẽ hành động để chống lại Iran nếu cần thiết.

Từ lâu ông Netanyahu đã cáo buộc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân, trong khi đó, Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này phục vụ mục đích hòa bình.

Ông Netanyahu cũng không ngừng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân của Iran, thỏa thuận mà nếu được tuân thủ nghiêm ngặt sẽ hạn chế khả năng của Tehran làm giàu và dự trữ uranium, khiến nước này không thể chế tạo vũ khí hạt nhân.

Hôm 7/4, phát biểu tại một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân người Do Thái bị Đức Quốc xã sát hại trong giai đoạn 1941-1945, ông Netanyahu khẳng định: “Một thỏa thuận với Iran nhằm mở đường cho vũ khí hạt nhân, loại vũ khí đe dọa chúng ta bằng sự hủy diệt, chúng tôi sẽ không ủng hộ một thỏa thuận như vậy theo bất kỳ cách nào. Chúng tôi chỉ có một nghĩa vụ duy nhất: ngăn chặn bất cứ kẻ nào có mưu đồ tìm cách tiêu diệt chúng tôi”.

Lời khẳng định này cho thấy cái bóng thủy chiến sẽ tiếp diễn. Và mặc dù chưa có báo cáo về bất kỳ trường hợp tử vong nào, nhưng một loạt các cuộc tấn công trong thập niên 1980 nhắm vào các tàu chở dầu ở Vịnh Persia đã từng dẫn đến một trận thủy chiến kéo dài một ngày giữa Iran và Mỹ.

Giữa lúc đàm phán hạt nhân Iran được tái kích hoạt, nguy cơ leo thang căng thẳng sẽ gia tăng nếu có thêm bất kỳ sự cố nào.

(theo AP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cang-thang-iran-israel-bong-den-thuy-chien-vinh-persia-van-bao-trum-trung-dong-141942.html