Căng thẳng địa chính trị có thể phá hỏng kịch bản 'hạ cánh mềm' của Mỹ

Kịch bản 'hạ cánh mềm' của nền kinh tế Mỹ, với tăng trưởng chậm lại, lạm phát được kiểm soát, nhưng không gây mất việc làm hàng loạt, có nhiều khả năng xảy ra hơn bao giờ hết khi năm 2023 kết thúc. Nhưng bước sang năm 2024, các căng thẳng địa chính trị, bao gồm chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông, nếu trở nên xấu hơn, có thể làm hỏng kịch bản này, theo nhận định của giới phân tích.

Quang cảnh hư hại ở một tòa nhà chung cư ở Odesa, Ukraine sau khi bị tên lửa và máy bay không người lái của Nga tấn công cuối tuần qua. Ảnh: AP

Quang cảnh hư hại ở một tòa nhà chung cư ở Odesa, Ukraine sau khi bị tên lửa và máy bay không người lái của Nga tấn công cuối tuần qua. Ảnh: AP

Hiện tại, chiến sự Nga-Ukraine dường như rơi vào bế tắc, khi không bên nào giành lợi thế đáng kể. Cuộc xung đột Israel-Hamas chủ yếu vẫn mang tính cục bộ. Căng thẳng Mỹ-Trung đang hạ nhiệt phần nào sau cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11. Nhưng bất kỳ hoặc tất cả các biến số địa chính trị này đều có thể thay đổi theo hướng tồi tệ hơn vào năm tới, ảnh hưởng đến nhiều khu vực rộng lớn của nền kinh tế toàn cầu.

Ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, năm 2024 cũng tiềm ẩn những rủi ro mới. Các ngân hàng trung ương ở phương Tây đã gần như kiểm soát thành công lạm phát do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, tác động đầy đủ của các chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ có thể diễn ra trong thời gian tới. Nhiều chuyên cho rằng, nếu các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu không nới lỏng tiền tệ một cách dứt khoát, kịch bản hạ cánh mềm được chờ đợi từ lâu vẫn có thể không xảy ra.

Thêm vào những bất ổn trong năm 2024 là cuộc bầu cử ở hơn 50 nền kinh tế, có thể định hình các chính sách mới, tác động sâu sắc đến đến tình hình địa chính trị và kinh tế toàn.

Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bước sang năm thứ ba, tình trạng bế tắc trên chiến trường có thể dẫn đến những hậu quả khó lường cho nền kinh tế toàn cầu. Sự hỗ trợ tài chính và quân sự của Mỹ dành cho Ukraine sắp cạn kiệt khi vấp phản sự phản đối của đảng Cộng hòa. Tại châu Âu, Hungary, nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), cũng ngáng chặn nỗ lực hỗ trợ Ukraine. Sau khi phủ quyết gói viện trợ trị giá 50 tỉ euro của EU dành cho Ukraine trong ba năm tới, Tổng thống Viktor Orban của Hungary, người vẫn duy trì mối hệ nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cảnh báo sẽ tiếp tục ngăn chặn bất kỳ gọi viện trợ tài chính tương tự trong tương lai.

Nếu Ukraine thất thế trên chiến trường, điều này sẽ gây ra cú sốc mới, có thể làm suy yếu niềm tin trên toàn cầu. Sự tự tin mới của Nga cũng sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Chẳng hạn, Tổng thống Putin có thể gia tăng đối đầu với Washington trong khi Mỹ tập trung hỗ trợ Israel trong cuộc chiến với Hamas.

Theo Bộ Y tế Gaza do Hamas điều hành, hơn 20.000 người Palestine thiệt mạng sau gần ba tháng Israel phát động tấn công ở Dải Gaza. Các quan chức Israel cho biết, 1.200 người Israel thiệt mạng trong vụ tấn công của Hamas vào ngày 7-10. Dù vậy, cuộc xung đột này chưa dẫn đến cuộc chiến tranh khu vực toàn diện.

Điều đó rất có thể sẽ thay đổi trong năm mới. Một số thành viên trong chính phủ Israel ủng hộ mở rộng chiến tranh sang Lebanon, nơi có tổ chức vũ trang Hồi giáo Hezbollah được Iran hậu thuẫn. Tổ chức này gần đây giao tranh với lực lượng Israel ở phía bắc của Israel. Các nhà phân tích của Gavekal Research nhận định, động thái mở rộng chiến tranh đó có thể lôi kéo Iran can dự quân sự nhiều hơn.

“Trong trường hợp Israel tấn công Hezbollah, Iran buộc phải cung cấp sự hỗ trợ lớn và rõ ràng hơn cho tổ chức này với những gì họ đã hỗ trợ cho Hamas. Nếu không làm như vậy, Iran có nguy cơ mất uy tín với các lực lượng ủy nhiệm của nước này”, hai nhà phân tích Tom Holland và Yanmei Xie của Gavekal viết trong một báo cáo.

Các cuộc tấn công vào tàu thương mại trên Biển Đỏ của phiến quân Hồi giáo Houthi (cũng được Iran hậu thuẫn) ở Yemen và vụ sát hại một quan chức quân sự Iran gần đây ở Syria cũng có thể khiến tình hình thêm căng thẳng. Về mặt lý thuyết, các cuộc tấn công của Houthi có thể đóng cửa eo biển Bab El Mandab, điểm nghẽn chiến lược ở đầu phía nam Biển Đỏ, gây tác động lớn cho thương mại toàn cầu.

Lầu Năm Góc đang cố gắng trấn an các hãng vận tải biển bằng cách triển khai các tàu hải quân với sự tham gia của đồng minh để thiết lập hành lang vận chuyển an toàn qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Tuy nhiên, trong số đội tàu container thường xuyên đi qua cả hai tuyến hàng hải này, có khoảng 50% đã chuyển hướng. Các nhà phân tích của Gavekal cảnh báo, nếu tình trạng gián đoạn ở Biển Đỏ, nơi 10% thương mại thế giới đi qua, kéo dài, đây là tin xấu cho tăng trưởng và cho nhiều thị trường.

Xa hơn về phía đông, Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc xem là một phần không thể tách rời, sẽ tổ chức bầu người đứng đầu vào ngày 13-1. Bắc Kinh đã phản đối gay gắt phó lãnh đạo Đài Loan Ching-te (Lại Thanh Đức), ứng cử viên hàng đầu trong cuộc tranh cử hiện nay, khi ông thực hiện chuyến thăm không chính thức đến Mỹ hồi tháng 8. Các phản ứng của Bắc Kinh trong trường hợp ông Lại Thanh Đức thắng cử có thể làm căng thẳng gia tăng ở một khu vực quan trọng khác của thương mại toàn cầu.

Tệ hơn nữa, về mặt lý thuyết, ba chuyển đổi địa chính trị nói trên có thể tác động qua lại. Chiến thắng của Nga trước Ukraine đồng thời với việc các lực lượng ủy nhiệm của Iran đóng cửa Biển Đỏ, tuyến thương mại hàng hải quan trọng giữa châu Âu và châu Á, có thể thúc đẩy Bắc Kinh hành động cứng rắn hơn với Đài Bắc.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cang-thang-dia-chinh-tri-co-the-pha-hong-kich-ban-ha-canh-mem-cua-my/