Cần xây dựng luật nhà giáo để hạn chế tối đa việc bạo hành học sinh

Những hành vi bạo lực của giáo viên với học sinh liên tiếp xảy ra thời gian qua tại một số cơ sở giáo dục đang khiến dư luận bức xúc.

Giáo viên không được lạm quyền

Chỉ trong một thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo do giải quyết các tình huống sư phạm không đúng, có lời nói và hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực đối với học sinh, gây bức xúc dư luận xã hội.

Thầy giáo Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, Hà Nội xưng “mày - tao”, chỉ tay vào mặt học sinh và mắng “hiểu chưa con chó”. Một học sinh hút thuốc lá điện tử bị thầy hiệu phó tát ù tai. Một nữ sinh lớp 12 bị cô giáo túm áo kéo lê trên đất khi em đã kiệt sức vì bị cô đuổi ra khỏi lớp do "mắc lỗi" mua bánh không đúng quán mà cô yêu cầu. Những hành động đó của những người được xưng là thầy cô giáo khiến dư luận bức xúc, xã hội lên án.

Chia sẻ với phóng viên về những hành động vượt quá chuẩn mực của một nhà giáo, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng nhiều thầy cô giáo không giữ được hình ảnh nghề nghiệp, đặc biệt không nắm được nguyên tắc sư phạm, coi thường việc giáo dục học sinh ở học đường.

“Ứng xử sư phạm của các thầy cô giáo đang có những hạn chế, gây ra hệ lụy khiến nhiều người hiểu sai vai trò của người thầy, thậm chí có những phản ứng tiêu cực từ học sinh, phụ huynh” - thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng nhiều thầy cô không có ý thức cũng như quên nguyên tắc đạo đức nên coi thường việc dạy dỗ trò bằng nghiệp vụ sư phạm. Nhiều thầy cô giáo đang quá lạm dụng "quyền lực" làm thầy cô của mình bằng cách đưa ra những ý kiến, để cảm xúc vượt quá lý trí, không bảo đảm an toàn về con người và nhân phẩm cao quý của nhà giáo...

Đồng quan điểm với TS Lâm, ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho hay, vấn đề bạo lực học đường tồn tại đã lâu, mặc dù đã được tuyên truyền giáo dục rất nhiều nhưng các vụ việc vẫn liên tục xảy ra, năm sau nhiều hơn năm trước. Đây là vấn đề đáng lo ngại trong ngành giáo dục hiện nay. Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, ông An cho rằng những sự việc xuất hiện trên báo chí mới chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều lần. Gần đây có những sự vụ bạo lực rất tàn bạo, học sinh đánh học sinh, thầy cô giáo đánh học sinh, bảo mẫu bạo hành trẻ nhỏ... Nghiêm trọng hơn, có những em nhỏ đã phải tìm đến cái chết, khi điều tra thì nguyên nhân là do bạo lực học đường, bị nói xấu, bị đe dọa trên mạng xã hội.

Ông An khẳng định những vụ bạo lực học đường cho thấy ngành giáo dục hiện chưa có chuẩn mực đạo đức học đường cho từng cấp học, cho từng lứa tuổi phù hợp.

“Việc giáo dục về tâm lý, kỹ năng sống trong các nhà trường còn hạn chế, đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng và cần phải thay đổi. Cần tăng cường giáo dục về kỹ năng, về đạo đức, lối sống cho trẻ, không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức và chạy theo thành tích. Phải chăng sự thiếu hụt trong giáo dục đã dẫn đến các vụ bạo lực học đường gia tăng, học trò đánh học trò, thầy cô giáo bạo hành học sinh” - ông Nguyễn Trọng An nhận định.

Theo ông An, để hạn chế bạo lực học đường, biện pháp đầu tiên là giáo dục từ gia đình. Do áp lực cơm áo gạo tiền nên vấn đề giáo dục trong gia đình từ lâu đã bị coi nhẹ. Nhiều gia đình phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, thầy cô giáo. Nhiều cha mẹ không lắng nghe trẻ nói, sao nhãng việc giáo dục con, chỉ đến khi xảy ra các sự việc đáng tiếc thì mới tỉnh ngộ.

Cần có luật riêng về việc bạo hành học sinh

Với vai trò là một chuyên gia giáo dục, TS Hà Thị Thư, chuyên gia tâm lý (Học viện Khoa học xã hội) cho rằng việc học sinh phải chịu những "trừng phạt" vô lý từ giáo viên thì chính nhà trường cũng không thể vô can đứng ngoài.

Một tiết học thể hiện sự gần gũi gắn bó cô trò

"Với vai trò chuyên gia giáo dục, là mẹ của những đứa con, tôi mong muốn không một trường hợp học sinh nào bị bắt nạt/bạo hành, và nhất là bị xâm phạm từ giáo viên trong nhà trường và tại môi trường lớp học. Khi các em bị sỉ nhục hoặc xúc phạm, xâm phạm thì chính học sinh cũng cần bình tĩnh đưa ra những quan điểm bảo vệ luận điểm của mình. Trường hợp giáo viên không lắng nghe, các bạn trong lớp chỉ im lặng, ngồi nhìn thì học sinh hãy mạnh dạn đi ra khỏi lớp và và báo với thầy cô khác, ban giám hiệu hoặc cha mẹ mình. Một điều các em nên nhớ rằng bảo vệ bản thân là quyền của học sinh và nên được ưu tiên hàng đầu. Mọi hành vi sỉ nhục, xúc phạm hoặc xâm phạm từ giáo viên không được chấp nhận và có thể bị xem xét và xử lý theo quy định pháp luật" - TS Hà Thị Thư cho hay.

Theo TS Thư, ngành giáo dục cũng cần có văn bản quy định rõ ràng về hành vi đạo đức trong ứng xử với học sinh và có các biện pháp kỷ luật phù hợp khi giáo viên vi phạm. Cần thúc đẩy mô hình trung tâm tư vấn, tham vấn tâm lý cho học học sinh và tổ chức các hoạt động hiệu quả để có thể giải quyết các vấn đề tinh thần và xã hội mà học sinh đang đối mặt; thúc đẩy sự hợp tác của tất cả các bên liên quan liên quan trong giáo dục học sinh như giáo viên, học sinh, phụ huynh và ban giám hiệu nhằm tạo ra môi trường học tập an toàn và tích cực cho học sinh.

Mỗi trường cũng nên tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên về quản lý lớp học tích cực và tạo môi trường thân thiện, tạo ra những mô hình học tập tốt cho học sinh; tạo ra những diễn đàn, những buổi nói chuyện theo chủ đề để tạo điều kiện cho học sinh bày tỏ ý kiến và phản ánh về môi trường học tập, học sinh cảm thấy tin tưởng thầy cô và tìm sự giúp đỡ khi cần.

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang, hơn hết lúc này cần xây dựng luật nhà giáo một cách cụ thể và cương quyết. Luật Giáo dục năm 2019 đã trình bày rất rõ chuẩn mực ứng xử và quyền hạn của giáo viên. Trong đó, điều 22 của luật cũng như điều lệ của các trường học đều nêu nghiêm cấm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.

Theo TS Đặng Văn Cường giảng viên luật, Trường đại học Thủy lợi: "Trước nhiều vụ bạo hành học sinh xảy ra thời gian qua, tôi thấy rất cần thiết sớm xây dựng Luật Nhà giáo để thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật và bổ sung các văn bản mới về hoạt động nghề nghiệp giáo viên, trong đó Luật Nhà giáo sẽ định danh nhà giáo. Luật Nhà giáo kết hợp với Luật Giáo dục và các văn bản pháp luật khác có liên quan sẽ là hệ thống cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động giáo dục được thực hiện một cách có hiệu quả, có nền nếp, giảm đến mức tối thiểu những sự vụ bạo lực học đường có thể xảy ra".

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/can-xay-dung-luat-nha-giao-de-han-che-toi-da-viec-bao-hanh-hoc-sinh-207329.html