Cần xã hội hóa các Chương trình mục tiêu y tế quốc gia

NDĐT - Những năm qua, Chương trình mục tiêu y tế quốc gia đã đạt được được một kết quả trong công tác dự phòng và điều trị bệnh. Tuy nhiên, việc duy trì và giữ vững kết quả của Chương trình lại không cao. Để Chương trình đạt hiệu quả cao và có tính bền vững, chúng tôi xin giới thiệu những kinh nghiệm của PGS.TS. Tạ Văn Bình - người đã có nhiều năm làm Chương trình quốc gia phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt iod.

PV: Thưa PGS, vì sao chúng ta lại phải có Chương trình mục tiêu y tế quốc gia và tầm quan trọng của nó? Chương trình mục tiêu y tế quốc gia ra đời là do nhu cầu của xã hội, nhằm giải quyết một vấn đề đặc biệt cấp thiết với những mục tiêu rõ ràng, trong một thời gian nhất định, nhằm tạo ra một cơ sở tiền đề để tiếp tục duy trì và phát triển những thành quả đã đạt được. Mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia phải chứng minh được tính ưu việt của nó, đó là vừa đạt được mục đích chuyên môn là “trong một thời gian nhất định phải giải quyết được mục tiêu cấp bách của chương trình quốc gia”, đồng thời phải chứng minh được các biện pháp tổ chức để tốt nhất ; cụ thể các biện pháp vừa phải phù hợp với điều kiện của quốc gia mình vừa có hiệu quả kinh tế cao nhất. PV: Để được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia thì cần những điều kiện gì và phải làm gì, thưa PGS? PGS.TS.Tạ Văn Bình: Để có chương trình mục tiêu quốc gia, các nhà chuyên môn phải chứng minh cho Bộ chủ quản, cho Chính phủ thấy sự cần thiết của vấn đề; đưa ra phương hướng và biện pháp giải quyết. Tôi lấy thí dụ để có chương trình phòng chống bệnh đái tháo đường phê duyệt vào cuối năm 2008, chúng tôi đã phải chuẩn bị từ năm 2000, các năm 2001, 2002, chúng tôi đã có những kết quả điều tra dịch tễ ở các mức độ khác nhau từ tỉnh, thành, các khu công nghiệp đến cả nước. Trong 10 mười năm tỷ lệ bệnh đái tháo đường tăng nhanh, từ khoảng 1%/năm đến nay đã là 5,7% . Các nghiên cứu này chứng minh một thực tế là bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng và đang trở thành gánh nặng của nền kinh tế, xã hội. Chúng tôi cũng phải có những đề tài nghiên cứu cách phòng, chống bệnh với các mức độ khác nhau. Để làm được việc này phải có các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia và quốc tế. Chúng tôi đã có những chuyên gia quốc tế giỏi giúp đỡ. Thành công của các nghiên cứu này đã thuyết phục được các cấp lãnh đạo. Năm 2002, Chính phủ đã có nghị định 77 - dự án phòng chống các bệnh không lây ( gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư và tâm thần). Năm 2006, Hội nghị thượng đỉnh của Quỹ đái tháo đường quốc tế - WDF, lần đầu tổ chức ở Việt Nam đã ghi nhận những thành công bước đầu trong việc thiết lập mô hình phòng và quản lý đái tháo đường ở Thái Bình và Thanh Hóa. Do thành công này mà WDF cho thêm kinh phí để mở rộng mô hình ra Bình Thuận và Đác Lắc. Từ những kết quả này là bằng chứng đảm bảo để đề nghị thành lập chương trình mục tiêu quốc gia. PV: Được biết ông đã từng làm Chủ nhiệm Dự án phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt iod, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về việc này? PGS.TS.Tạ Văn Bình: Tôi có 10 năm tham gia chỉ đạo tuyến, tuy chưa thấm tháp gì nhưng cũng có một số kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất tôi nhận thấy là phải bám sát vào nhu cầu thực tế của chúng ta để đề ra những hình thức tổ chức cho phù hợp. Muốn chương trình có hiệu quả thì phải có sự thống nhất hành động theo một chương trình nhất định; có những tiêu chí phải đạt được trong những thời gian nhất định; phải thường xuyên tổ chức tập huấn bổ sung kiến thức chuyên môn cho cán bộ thuộc mạng lưới của mình; phải có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ để cập nhật kiến thức mới; phải biết biến cái mới này thành cái mới phù hợp với quốc gia mình. Khi cả mạng lưới đã đi vào hoạt động thống nhất thì mới thu được kết quả cao. Điều cuối cùng nhưng quan trọng nhất là phải làm sao để mọi người hiểu và tự giác làm theo, tự nguyện xây dựng mạng lưới quốc gia. PV: Từ những chương trình đã thực hiện, ông rút ra được những ưu điểm và nhược điểm của chương trình mục tiêu quốc gia là gì, thưa PGS? PGS.TS.Tạ Văn Bình: Có rất nhiều ưu điểm từ các chương trình này, vì trong một thời gian đã được ấn định chúng ta đã giải quyết được một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, với những mục tiêu lớn; cụ thể, rõ ràng; nhất là qua những chương trình này chúng ta tìm ra được những biện pháp tổ chức giải quyết các vấn đề lớn của ngành, của đất nước. Có thể nói là các chương trình mục tiêu quốc gia đã tìm ra những biện pháp chiến lược để giải quyết các vấn đề chiến lược. Nhược điểm là ở con người chứ không phải của chương trình quốc gia; bởi chỗ chúng ta chưa tổng kết rút ra những bài học cần thiết ở những cấp độ khác nhau để kịp thời đưa ra những quyết sách duy trì thành quả đã đạt được, để phát triển nó lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó chúng ta cũng phải thấy một cái dở nữa là chương trình còn nhiều kẽ hở về quản lý, dễ tạo ra tâm lý ỷ lại của các cấp thực thi công vụ. Tư tưởng “có tiền thì làm, không có thì thôi”, tạo ra tệ “ xin - cho”, ban phát cái không phải của mình - mà là từ tiền thuế của dân. Khi thất bại không biết trách nhiệm này thuộc về ai. PV: Thưa PGS, một số dự án thuộc chương trình khi kết thúc đã thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, sau đó khả năng duy trì và giữ vững được kết quả lại không cao. Vì sao vậy? Có phải do thời gian thực hiện quá ngắn? PGS.TS.Tạ Văn Bình: Tôi có ý kiến khác ở chỗ này. Tên gọi “Chương trình mục tiêu quốc gia” tự nó đã nói lên nhiệm vụ của nó là cần thì thành lập trong một thời gian - khi đã đạt được mục tiêu đề ra rồi thì phải chấm dứt. Chính phủ không thể cấp kinh phí mãi cho một dự án được. Trên thế giới các quốc gia đều có những chương trình tương tự. Điều đáng suy nghĩ là tại sao chương trình lại không bền vững. Thí dụ như chương trình phòng chống bướu cổ. Năm 2005, chúng ta đã long trọng tuyên bố kết thúc chương trình mục tiêu quốc gia vì đã đạt những tiêu chí của quốc tế đề ra. Nhưng chỉ sau hai năm tuyên bố chấm dứt chương trình thì nguy cơ bướu cổ địa phương lại quay trở lại. PV: PGS có thể đưa ra những giải pháp khắc phục? PGS.TS.Tạ Văn Bình: Đây là một câu hỏi khó. Tuy nhiên tôi cứ mạnh dạn nêu một số biện pháp. Trước hết cần nhắc lại chương trình mục tiêu quốc gia là để giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt trong một thời gian nhất định. Bài học rút ra từ các chương trình này vô cùng quý giá. Để chương trình “sống mãi”, theo tôi cần làm được những điểm sau: Thứ nhất: Chương trình mục tiêu quốc gia phải được xem như một “cú hích” để khởi động một guồng máy. Không nên coi chương trình là “nguồn cấp kinh phí” dài lâu, thậm chí vĩnh viễn từ Chính phủ. Muốn vậy thì ngay từ đầu Chính phủ phải khoán cho Bộ; cho các tỉnh, thành; Bộ khoán cho các chủ nhiệm chương trình những chỉ tiêu cụ thể theo thời gian. Khi thiết lập dự án, thiết lập chương trình thì chủ nhiệm các chương trình phải có những cam kết cho từng bước đi cụ thể, thế mới đúng là “CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU” Thứ hai: Khi chương trình kết thúc, cần rút ra những bài học cần thiết. Những kinh nghiệm của quá trình thực hiện chương trình phải được thảo luận. Một số kết quả phải được luật hóa thành chỉ tiêu pháp lệnh của nhà nước. Thí dụ nếu sau khi chương trình phòng chống bướu cổ kết thúc, Chính phủ ra nghị định “muối ăn phải là muối trộn iod” và giao đây là chỉ tiêu pháp lệnh cho các tỉnh thành thì chắc kết quả không như bây giờ. Thứ ba: Người làm và quản lý chương trình là hết sức quan trọng. Chủ nhiệm các chương trình mục tiêu quốc gia phải là người có tâm huyết, có chuyên môn và có tầm chiến lược. Không có khả năng về chuyên môn thì không biết phải làm gì. Không có tâm huyết thì sẽ chỉ làm qua loa, đại khái, miễn là làm cho có phong trào, làm để đối phó là chính; không lo đến chất lượng công việc; còn không có tầm thì không có mục tiêu chiến lược, không có quyết sách chiến lược, giống như “người đẽo cày giữa đường”, người không có tầm cũng sẽ không có quan hệ quốc tế, thì không học hỏi được kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Thứ tư: Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng. Phải mạnh dạn xã hội hóa các chương trình quốc gia. Tất nhiên xã hội hóa của ngành y tế khác với các ngành khác về cả mức độ lẫn cấp độ. Không có xã hội hóa thì chương trình dù có quan trọng đến mấy cũng sẽ có lúc phải ngừng vì Chính phủ không thể cấp tiền mãi cho một việc làm mà mục tiêu cần đạt tới cứ ngày càng xa. Riêng tôi thấy không nên có một chương trình nào mà cứ hết kế hoạch 5 năm này lại kế tiếp kế hoạch 5 năm khác được. PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! THU HÀ (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=173917&sub=127&top=39