Cẩn trọng với mệnh lệnh hành chính

Việc Văn phòng UBND TP Hà Nội có công văn đề nghị các sở, ngành liên quan không áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng của dịch vụ GrabShare, nhiều người cảm thấy có điều gì đó chưa ổn. Bởi lẽ, dường như người tiêu dùng đang bị một mệnh lệnh hành chính tước đi một phần quyền lợi chính đáng của mình.

Lý lẽ của Hà Nội đưa ra là theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Còn theo lý lẽ của Bộ GTVT, tại khoản 1, khoản 2 Điều 45 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/01/2014 đã quy định: Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.

Khi đọc kỹ Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT thì mới thấy rằng, xe hợp đồng và xe taxi là hai loại hình vận tải rất khác nhau, ở các mục khác nhau và có những quy định quản lý cũng rất khác nhau.

Trong khi đó, GrabShare đã ra đời, có thể nôm na gọi là “taxi đi chung”. Có nghĩa là qua công nghệ thông tin, bạn biết có người có nhu cầu cùng đi trên một đoạn đường, nếu bạn đồng ý thì cùng đi và giá sẽ giảm được khoảng 30%. GrabShare cũng khuyến cáo rằng chỉ nhận nhiều nhất một cuộc đặt hàng là 2 khách và mỗi phương tiện trên một tuyến vận chuyển không nhận quá 2 đơn đặt hàng, có nghĩa là không quá 4 người, và điểm đón và trả khách không quá 2 nơi.

Một câu hỏi được đặt ra: Vậy GrabShare sẽ được xếp vào loại hình nào, xe hợp đồng hay xe taxi, là thỏa đáng? Và việc quyết định không cho GrabShare hoạt động tại Hà Nội đã cân nhắc đến quyền và lợi ích của đông đảo người tiêu dùng mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định chưa?

Sau khi khảo sát dịch vụ “taxi đi chung”, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhận xét: “Về dịch vụ GrabShare, chúng ta xác định, trên cùng một phương tiện, nếu chỉ có một khách thì thật lãng phí, mà có thể có 2, 3 khách... Dịch vụ này sẽ góp phần làm giảm số chuyến đi bằng ôtô tham gia giao thông, trong khi số người đi lại sẽ tăng lên. Rõ ràng, nguy cơ ùn tắc giao thông cũng sẽ được giảm đi, rủi ro tai nạn giảm đi, góp phần giảm thiểu mức phát thải ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông, vận tải đô thị”.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cái “mệnh lệnh hành chính” này rất cần các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại.

Nguyễn Hoàng Linh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/can-trong-voi-menh-lenh-hanh-chinh.html