Cẩn trọng với chấn thương mắt

Bệnh viện Mắt Phú Thọ vừa ghi nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Năng ở xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh đến khám trong tình trạng mắt sưng đỏ, đau nhức dữ dội. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có dị vật trong hốc mắt do chấn thương. Sau khi làm thủ thuật bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên thị lực không còn được như trước.

Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị ngay khi xảy ra chấn thương về mắt

Chấn thương mắt có thể xảy ra với bất kỳ ai và xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi do các tai nạn về lao động, tai nạn giao thông, thể thao... Chấn thương mắt là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm ảnh hưởng đến chức năng thị giác, gây mù lòa và giảm thị lực sau bệnh Glôcôm và đục thủy tinh thể.

Bác sĩ Hoàng Kim Tuyến – Trưởng khoa Kết giác mạc – Chấn thương, Bệnh viện Mắt Phú Thọ cho biết: “Số bệnh nhân bị chấn thương mắt trong quá trình lao động chiếm hơn 30% tổng số tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại bệnh viện trong thời gian qua. Phần lớn chấn thương mắt tập trung ở nam giới (khoảng 80%), do nam giới là đối tượng lao động chính trong gia đình, công việc nhiều, phức tạp nên thường dễ gặp tai nạn”.

Hầu hết người dân không ý thức được mức độ nguy hiểm của tai nạn ở mắt, khi xảy ra các chấn thương ở mắt thường bỏ qua những triệu chứng đơn giản như đau, cộm, chảy nước mắt. Phải đến khi có các triệu chứng nặng hơn như: Nhìn mờ, sưng đỏ, chảy mủ, ghèn ở mắt mới đi khám. Bệnh nhân thường tự mua thuốc uống hoặc nhỏ mắt, tự điều trị theo kinh nghiệm dân gian như đắp lá cây, lá “thuốc”... Chính vì vậy, các tổn thương ở mắt ngày càng nghiêm trọng hơn, hậu quả do chấn thương mắt để lại rất nặng nề, những trường hợp chấn thương mắt quá nặng sẽ gây mù lòa.

Do đó, phòng ngừa chấn thương mắt giữ một vai trò rất quan trọng, nhất là đối với các tai nạn lao động. Các tai nạn cũng có thể phòng ngừa hoặc giảm thiểu được tổn thương nếu tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn lao động như mang kính bảo hộ, dụng cụ bảo hộ, che chắn mắt, tránh sử dụng rượu, bia trong quá trình lao động sản xuất... Đồng thời, cần trang bị cho bản thân mình những kiến thức căn bản về sơ cấp cứu để có hướng xử lý đúng trong mọi trường hợp.

Nếu có xảy ra tai nạn, người bị nạn nên dùng bông gạc sạch hoặc khăn sạch băng che mắt, không đè ấn vào mắt, không xối rửa mắt trừ trường hợp bị bỏng, không dùng tay dụi mắt hoặc dùng bông gòn để lấy dị vật ra để tránh nhiễm trùng mắt và làm cho dị vật đi sâu hơn vào trong mắt, không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc nhỏ mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Hà Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/y-te/can-trong-voi-chan-thuong-mat/204400.htm