Cẩn trọng khi mua đồ secondhand

Giá 'mềm' hơn đồ mới nên nhiều mặt hàng đã qua sử dụng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên rất khó để đánh giá chất lượng những loại hàng này nên người tiêu dùng cần cân nhắc khi mua.

Người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ trước khi mua đồ cũ (ảnh minh họa)

Người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ trước khi mua đồ cũ (ảnh minh họa)

Những đồ đã qua sử dụng (đồ secondhand) được nhiều người lựa chọn vì giá cả phù hợp. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cân nhắc, tránh để tiền mất tật mang.

Có cầu ắt có cung

Mặc dù trên thị trường có nhiều mặt hàng điện tử, điện lạnh với những mức giá khác nhau, nhưng không ít khách hàng vẫn săn lùng những món hàng nội địa Nhật (thường gọi là hàng Nhật "bãi"). Trên nhiều trang mua sắm trực tuyến như Shopee hay các chợ online, chỉ cần gõ cụm từ “hàng nội địa Nhật”, “hàng Nhật bãi”, người tiêu dùng đều có thể thấy nhiều gian hàng về đồ điện tử “bãi” của Nhật như: điều hòa, máy giặt, nồi cơm điện, tủ lạnh, quạt, lò vi sóng của nhiều thương hiệu như Toshiba, Panasonic, National, Sharp... với những lời rao bán, quảng cáo hấp dẫn.

Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua nồi cơm điện Nhật "bãi", chúng tôi tới một cửa hàng chuyên bán loại hàng này ở TP Hải Dương. Trên các kệ hàng có rất nhiều nồi cơm điện của những hãng khác nhau. Ngoài ra còn có lò vi sóng, bếp từ, nồi áp suất… Chủ cửa hàng cho biết đây mới chỉ là những chiếc được bày bán, trong kho hàng còn rất nhiều sản phẩm. Sau khi hỏi về nhu cầu, chủ cửa hàng giới thiệu cho tôi một chiếc nồi cơm điện giá 650.000 đồng cùng cam kết nấu cơm dẻo, ngon. Theo lời chủ cửa hàng, tại Nhật Bản, giá bán của chiếc nồi cơm điện này hàng mới quy ra tiền Việt là hơn 6 triệu đồng. “Tuy là đồ cũ nhưng nhiều sản phẩm còn có giá cao hơn so với sản phẩm mới được sản xuất trong nước”, chủ cửa hàng vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi xem chiếc nồi cơm điện có giá 3,5 triệu đồng. Giá của chiếc nồi cơm điện này cũng đã giảm xuống 10 lần so với giá bán sản phẩm mới tại Nhật Bản.

Ngoài các đồ điện tử, đồ gia dụng, trên nhiều tuyến phố ở TP Hải Dương như Nguyễn Văn Linh, Trương Mỹ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngũ Lão… không khó để bắt gặp những cửa hàng quần áo thùng, si tuyển (quần áo đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới được tuyển chọn, phân loại). Một số chủ cửa hàng còn đăng bán các sản phẩm này trên nhiều hội nhóm Facebook. Nhiều loại quần áo được quảng cáo là si tuyển Nhật Bản, Hàn Quốc, mức giá “mềm” hơn nhiều so quần áo mới, trung bình từ vài chục nghìn đến dưới 500.000 đồng/chiếc. Nhiều cửa hàng quảng cáo chỉ cần bỏ ra hơn 100.000 đồng là khách hàng đã có thể sở hữu váy, quần áo, giày dép hàng hiệu.

Cách đây 3 tháng, anh Nguyễn Văn Thủy ở phường Long Xuyên (Kinh Môn) cũng đã mua một chiếc xe máy Airblade hơn 19 triệu đồng, rẻ hơn 60% so với giá bán xe mới tại đại lý.

Cần cân nhắc kỹ

Nghe nhiều quảng cáo về hàng Nhật "bãi" nên sau khi tìm hiểu, anh Phạm Văn N. ở TP Hải Dương đã mua một chiếc nồi cơm điện, giá 1,1 triệu đồng. Vì là hàng nội địa Nhật, bắt buộc phải sử dụng nguồn điện 100V, 110V nên anh N. còn phải mua thêm một bộ đổi nguồn điện. Mua về chưa sử dụng được bao lâu thì nồi bị hỏng, anh N. lại phải mang đi sửa. Được người bán quảng cáo nấu cơm bằng nồi này sẽ dẻo, ngon nhưng qua nhiều lần nấu thì anh N. thấy cơm bết dính. Điều này khiến anh N. không khỏi thất vọng khi tin vào quảng cáo.

Theo anh Vũ Minh Hải, Trưởng Phòng Nghiệp vụ-Tổng hợp, Cục Quản lý thị trường Hải Dương, vài năm trở lại đây, năm nào cục cũng phát hiện những vụ kinh doanh quần áo đã qua sử dụng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mới đây vào chiều 14.10, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra, phát hiện có 242 bao với tổng trọng lượng hơn 14 tấn quần áo nhiều loại đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa điểm kinh doanh của hộ chị Nguyễn Minh Nguyệt (khu dân cư Tường, phường Văn An, Chí Linh).

Cũng theo anh Hải, việc mua đồ secondhand như đồ điện tử, điện lạnh, quần áo… là nhu cầu thực tế vì giá những sản phẩm này “mềm” hơn so với đồ mới. Nhưng mua đồ secondhand sẽ kèm theo những rủi ro nhất định vì chúng không có công bố, kiểm định chất lượng đầu ra, không có chế độ bảo hành của nhà sản xuất như các sản phẩm mới. Sau khi mua đi bán lại qua nhiều kênh, việc đánh giá chất lượng sản phẩm cũng gặp khó khăn bởi có thể hàng đã cũ hỏng, được mua về “tút tát”, sửa chữa rồi bán lại. Nếu như chọn phải sản phẩm đồ điện tử, điện lạnh, gia dụng đã quá cũ sẽ hay phải sửa chữa và rất khó tìm được linh kiện thay thế.

Khi quyết định mua đồ secondhand, người tiêu dùng nên lựa chọn cơ sở có uy tín, đặc biệt những mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cao, có thể xảy ra sự cố cháy nổ, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe thì nên hạn chế mua và sử dụng. Hiện nay trên thị trường có khá nhiều dòng sản phẩm, nếu không có điều kiện mua sản phẩm mới ở phân khúc tốt thì người tiêu dùng có thể lựa chọn phân khúc trung bình hoặc bình dân để vừa phù hợp với túi tiền, vừa yên tâm hơn. Khi mua những món đồ đã qua sử dụng có giá trị như xe máy, ô tô, nên đi cùng người có kinh nghiệm, chuyên môn để đánh giá đúng chất lượng sản phẩm.

HOÀNG QUÂN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/thi-truong/can-trong-khi-mua-do-secondhand-217461