Cẩn trọng kẻo 'quá liều' với cây dược liệu ở Cư K'nia

Nhiều người dân ở Cư K'nia (Cư Jút) có thu nhập ổn định từ cây dược liệu là mướp đắng rừng và đu đủ đực. Để phát triển ổn định, chính quyền địa phương khuyến cáo không tăng diện tích, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Đu đủ đực - trồng chơi ăn thật

Sau nhiều năm gắn bó với các loại cây công nghiệp dài ngày, nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao, những năm gần đây, ông Tạ Văn Quyết, thôn 12, xã Cư K’nia đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, dược liệu, bước đầu có nhiều triển vọng.

Từ khi chuyển đổi sang trồng cây đu đủ đực, gia đình ông Quyết đã có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Năm 2022, trong một lần đến nhà bạn chơi, ông Quyết được bạn chia sẻ bí quyết về đu đủ đực – loại cây trồng chơi mà ăn thật.

“Bạn tôi dẫn ra bờ ao, chỉ vào 4 cây đu đủ đực cho biết, chỉ có mấy cây này thôi nhưng thu nhập quanh năm. Bạn dẫn tôi qua nhà hộ dân khác có vườn cây đu đủ đực mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng. Tôi ưng quá, sau đó nhờ chỉ chỗ mua cây giống, tìm hiểu cách trồng, chăm sóc, đầu ra sản phẩm...”, ông Quyết kể.

Được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, đến nay, ông Quyết đã trồng 600 cây đu đủ đực. Theo ông Quyết, việc trồng cây đu đủ đực không tốn nhiều công chăm sóc, phân bón mà lại thu hoạch quanh năm. Lúc sai hoa nhất, ông thu được 1 tạ/ngày, với giá 20.000 đồng/kg, tương đương 2 triệu đồng/ngày. Thời điểm ít, ông cũng thu được cả triệu đồng/ngày.

Ông Quyết tâm sự: “Bén duyên với cây đu đủ đực từ một dịp tình cờ, quá trình trồng, thu hoạch, tôi thấy đây đúng là loại cây làm chơi ăn thật. Dù mới trồng chưa đầy 2 năm, nhưng với gia đình tôi, đây là hướng đi đúng để thoát nghèo”.

Hoa đu đủ đực là loại dược liệu được nhiều người ưa chuộng.

Hiện nay, bên cạnh việc mua cây giống, ông Quyết đang học hỏi kỹ thuật chiết cây con, ươm giống để tiết kiệm chi phí cũng như hỗ trợ cho các hộ dân khác.

Cũng theo ông Quyết hoa đu đủ đực được coi là cây dược liệu được nhiều người ưa chuộng nên đầu ra cho sản phẩm ổn định.

Không chỉ trồng cây đu đủ đực, ông Quyết còn trồng cây nhãn, dỗi, đàn hương. Đây là những cây mới được đưa vào trồng, nhưng do hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng, phát triển tốt hứa hẹn mang lại thu nhập cao.

“Tôi luôn xác định, nếu trồng độc canh thì không ổn định và bấp bênh. Do đó, gia đình luôn hướng đến mục tiêu trồng đa cây, đa canh để bù trừ cho nhau. Mỗi cây có một thế mạnh, thị trường khác nhau, nên tránh được tình trạng được mùa mất giá, hoặc được giá mất mùa. Khi chọn cây trồng, tôi đều có trao đổi với lãnh đạo xã để có được hướng đi phù hợp nên cũng yên tâm hơn”, ông Quyết cho hay.

Mướp đắng rừng – loại cây xóa nghèo

Năm 2022, gia đình bà Nguyễn Thị Mai, thôn 12, xã Cư K’nia chuyển đổi gần 3 sào đất trồng hoa màu sang trồng mướp đắng rừng. Theo bà Mai do 2 vợ chồng đã lớn tuổi, sức khỏe không bảo đảm, trong khi đó mướp đắng rừng dễ chăm sóc, không vất vả nên phù hợp với gia đình.

Việc trồng cây mướp đắng rừng không chỉ phù hợp độ tuổi mà còn mang lại nguồn thu đáng kể cho bà Mai.

Là cây trồng mọc tự nhiên, mướp đắng rừng có sức kháng bệnh, chịu hạn tốt, chi phí đầu tư phân bón thấp. Điều làm bà Mai yên tâm nhất là hiện đã có đơn vị liên kết để cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Chỉ tính riêng từ tháng 6/2023 đến nay, bà Mai đã thu được 47 triệu đồng từ vườn mướp đắng rừng.

Bà Mai chia sẻ: “Qua một thời gian trồng, tôi thấy cây mướp đắng rừng rất hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, chăm sóc cũng đỡ vất vả hơn những loại cây trồng khác mà thu nhập tương đối ổn định. Nếu chăm sóc tốt thì mỗi vụ trồng sẽ cho thu hoạch cả 6-7 tháng”.

Tương tự, năm 2022, ông Nông Văn Thụy, thôn 12, xã Cư K’nia bắt đầu chuyển đổi 3 sào đất vườn sang trồng mướp đắng rừng. Theo ông Thụy, đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thu hái, nhất là với người cao tuổi. Việc trồng mướp đắng rừng mang lại cho gia đình ông nguồn thu ổn định hơn.

Ông Thụy nói: “Do diện tích đất ít, nên sau khi trồng nhiều loại cây khác nhau, gia đình nhận thấy mướp đắng rừng là loại cây phù hợp nhất. Hơn nữa, vườn mướp đắng rừng của gia đình được bao tiêu sản phẩm nên giá cả ổn định, không bấp bênh như những cây khác”.

Ông Thụy đã trồng mướp đắng rừng để thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả.

Mướp đắng rừng có đặc điểm thân cây và quả bé, có vị đắng hơn mướp đắng thường. Cây mướp đắng rừng từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng gần 3 tháng. Hiện nay, mướp đắng rừng chủ yếu thu hoạch quả xanh để cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến dược liệu. Nếu chăm sóc tốt, mướp đắng rừng sẽ cho thu hoạch trong vòng 6 tháng.

Trung bình mỗi sào thu hoạch vài chục ký quả mỗi ngày. Từ một vài mô hình ban đầu cho hiệu quả kinh tế, nhiều người dân trên địa bàn xã Cư K’nia đã chuyển đổi những diện tích cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng mướp đắng rừng.

Khuyến cáo không nên phát triển ồ ạt

Theo UBND xã Cư K’nia, toàn xã hiện phát triển được 30 ha mướp đắng rừng, khoảng 4-5 ha cây đu đủ đực. Bước đầu có thể thấy, đây là những loại cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế khá cao, mở hướng thoát nghèo cho bà con nông dân.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng người dân phát triển ồ ạt, dẫn đến nguồn cung vượt cầu, địa phương cũng đã đánh giá hiệu quả kinh tế của loại cây trồng mới này để có sự định hướng phù hợp cho nông dân.

Trên thực tế, các vườn mướp đắng rừng, cây đu đủ đực đều sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, được bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo người dân chỉ chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả.

Ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư K’nia thông tin, hiện nay, mướp đắng rừng, đu đủ đực là loại cây dược liệu tạo ra thực phẩm, thức uống được thị trường rất ưa chuộng. Tuy nhiên, việc liên kết, tiêu thụ của loại cây này và một số cây khác chưa rõ ràng.

"Chúng tôi không khuyến khích mở rộng, mà khoanh vùng để tạo cho người dân một vùng sản xuất nguyên liệu ổn định, bền vững. Chúng tôi khống chế số lượng để đáp ứng được nhu cầu cung và cầu, bảo đảm được giá cả cho bà con mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Lê Xuân Cường cho hay.

Mỹ Hằng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/can-trong-keo-qua-lieu-voi-cay-duoc-lieu-o-cu-k-nia-163488.html