Cần trang bị kỹ năng sinh tồn khi hỏa hoạn

Trong thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng ở các địa phương. Mới nhất là vụ cháy xảy ra ở phố Trần Thái Tông, Hà Nội...

Trong thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng ở các địa phương. Mới nhất là vụ cháy xảy ra ở phố Trần Thái Tông, Hà Nội, chiều ngày 1/11/2016 khiến 13 người thiệt mạng. Để hạn chế thấp nhất con số thương vong khi phải đối mặt với những thảm họa như lũ lụt, hỏa hoạn,… kỹ năng sinh tồn đang là vấn đề được đặt ra. Nhằm giúp bạn đọc có thêm kỹ năng này, phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với Trung tá Bùi Mạnh Việt - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) về nội dung này.

PV: Xin ông cho biết nguyên nhân xảy ra cháy trong thời gian qua là do đâu? Để giảm thiểu tối đa về người và của, ông có hướng dẫn gì để khi xảy ra cháy người dân phòng tránh?

Trung tá Bùi Mạnh Việt: Để xảy ra cháy và thiệt hại về người thường có 3 dạng cháy chiếm tỷ lệ cao trong những vụ cháy: Một là, cháy các quán bar, karaoke, vũ trường; Hai là, cháy nhà chung cư; Ba là, cháy do bất cẩn trong hàn xì và cháy do chập điện...

Để thoát nạn khi xảy ra cháy nổ mỗi người phải biết tự trang bị kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng thoát nạn. Khi vào vui chơi cần quan sát các lối thoát nạn. Khi có cháy cần bình tĩnh hô hoán báo động cho mọi người ra cửa chính. Nếu cửa chính bị lửa khói hãy tìm lối thoát khác như: ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên, hoặc xuống đấ́t bằng thang; tuyệt đối không núp trong phòng nhà vệ sinh. Nếu phải băng qua lửa hãy dùng khăn ướt quấn chặt vào người và thoát ra nhanh nhất có thể. Nếu có khói hãy dùng khăn ướt che kín mũi, miệng và cúi thật thấp men theo tường để theo lối thoát nạn.

Xe cấp cứu khẩn trương đưa các nạn nhân vụ hỏa hoạn đi cấp cứu.

Đối với nhà cao tầng, khi phát hiện có cháy cần bình tĩnh suy xét tìm lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn “EXIT”, hoặc nghe thông báo qua loa. Khi chạy hãy thông báo cho các phòng lân cận biết có cháy. Nếu phải băng qua lửa khói, khí độc hãy dùng mặt nạ phòng độc, hoặc dùng khăn, áo, chăn ướt trùm lên đầu, lên mặt. Khi di chuyển cần cúi khom theo tường nhà. Khi mở cửa cần đặt tay lên cửa kiểm tra nhiệt độ, khi mở cần tránh mặt, tránh người sang một bên tránh lửa tạt. Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở và tìm lối khác. Nếu không thể ra cửa và tìm lối thoát nạn an toàn hãy ra ban công, cửa sổ hô to, dùng đồ vật sáng màu ra hiệu, gọi điện thoại theo số 114, hoặc báo cho người thân. Có thể tìm thang, dây, rèm, ga... nối lại để xuống thấp. Tuyệt đối không nhảy từ tầng nhà quá cao, nếu không có sự hướng dẫn của cứu hộ. Biết cách thoát nạn an toàn, bạn có thể cứu được chính mình và mọi người.

Xe cấp cứu khẩn trương đưa các nạn nhân vụ hỏa hoạn đi cấp cứu.

PV:Vậy để đảm bảo an toàn cho người dân, các cơ quan chức năng, cơ sở kinh doanh dịch vụ đông người như các quán karaoke cần phải làm gì?

Trung tá Bùi Mạnh Việt: Đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, trước khi đưa vào hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về PCCC theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ. Về phía cơ quan chức năng, cần thường xuyên kiểm tra hướng dẫn cơ sở khắc phục ngay những thiếu sót. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC, trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn biện pháp, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, phát huy phương châm 4 tại chỗ trước khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp đến hỗ trợ.

BS. Đặng Tất Thắng - Khoa Cấp cứu Bỏng, BVĐK Xanh Pôn: Đa số các trường hợp tử vong là vì ngạt khói, trước khi chết vì bỏng

Thực tế, ngạt thở vì khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn bị bỏng lửa. Trong khói có rất nhiều khí độc được sinh ra khi cháy như CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ...; đa số các trường hợp tử vong là vì ngạt khói, trước khi chết vì bỏng. Ngạt khói rất nguy hiểm bởi nó gây tác động trực tiếp đến hệ hô hấp với các biểu hiện dễ nhận biết nhất là khó thở hay các biểu hiện của hội chứng suy hô hấp... Bỏng hô hấp là một trong những loại bỏng rất nặng và khó cấp cứu. Khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính. Vì vậy, khi có cháy, cần di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, khi gặp sự cố, mọi người thường hoảng loạn, ít có thời gian để phản ứng. Do đó, cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại. Người bị nạn phải cố gắng không hít khói. Một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là mọi người cần lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói gây nguy hiểm. Nạn nhân có thể sử dụng mặt nạ chống khói (nếu có). Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người vì khói luôn luôn bay lên cao, nhằm giảm lượng khói hít vào thấp nhất có thể. Về nguyên tắc sơ cứu nạn nhân ngạt khói, cần phải phục hồi hơi thở một cách đầy đủ và nhanh nhất. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng. Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở và mạch đập của nạn nhân rồi chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu cần thiết. Nặng hơn thì đặt ống thở nội khí quản để hạn chế di chứng.

Trần Trọng (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/can-trang-bi-ky-nang-sinh-ton-khi-hoa-hoan-n124477.html