CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT HẢI QUAN ĐỂ ĐẨY NHANH MÔ HÌNH HẢI QUAN SỐ TRÁNH THẤT THU NGÂN SÁCH

Ngành hải quan đóng vai trò quan trọng - là 'người gác cửa' của nền kinh tế quốc gia, bảo đảm an toàn cho thương mại hợp pháp và an ninh, an toàn cộng đồng. Tuy nhiên với độ mở nền kinh tế ngày càng lớn, số lượng các tờ khai hải quan tăng nhanh thì việc chống buôn lậu, gian lận thương mại đang là thách thức trong thu ngân sách. Từ đó, đặt ra đòi hỏi với ngành Hải quan trong việc làm thế nào tìm ra các giải pháp hữu hiệu để ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa hoạt động, xử lý kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận thuế.

Thách thức kép trong thu ngân sách

Theo các thống kê mới công bố, trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng của nước ta chỉ đạt 3,27%; thu ngân sách nhà nước giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022, trong đó số thu từ xuất nhập khẩu giảm hơn 20%. Mặt khác, kinh tế Việt Nam ngày càng gia nhập sâu hơn vào môi trường kinh tế thế giới; cùng với đó là sự phát triển bùng nổ của khoa học, công nghệ. Hai yếu tố này khiến ngành hải quan phải đối diện với nhiều khó khăn trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực tế cho thấy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Các nhóm đối tượng - thường là có tổ chức, đường dây, ổ nhóm xuyên quốc gia - đã lợi dụng sự thông thoáng của chính sách hội nhập, lợi dụng phương thức giao dịch thương mại điện tử, chuyển phát nhanh… để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn.

Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia

Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia

Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá, dù thơi gian Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã đạt được một số kết quả trong việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng cũng còn nhiều thách thức đang đặt ra, đặc biệt là trong tình hình có sự gia tăng các vi phạm, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong khi, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi thì cơ chế, chính sách, pháp luật còn chồng chéo, chậm sửa đổi, bổ sung, thay thế và trình độ, năng lực của một bộ phận đội ngũ cán bộ thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng như các cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Đại biểu Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Đại biểu Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, vai trò nghành hải quan rất quan trọng. Thời gian qua, mặc dù trong bối cảnh khó khăn, ngành hải quan có nhiều cố gắng nỗ lực chống thất thu, gian lận thương mại. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều, trong đó có 2 nguyên nhân chính là doanh nghiệp vẫn lợi dụng cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp là văn minh, song cũng khiến doanh nghiệp lợi dụng để trốn lậu thuế, trong khi, phương pháp quản lý thuế cũng có khó khăn nhất định, từ con người, từ phương tiện, thời gian tiến hành việc thanh kiểm tra. Hiện, thực hiện hậu kiểm tương đối nhiều theo cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp, theo đó con người kiểm tra sau thông quan cũng khó khăn, vướng mắc. Chế tài cũng chưa được nghiêm, tính răn đe còn hạn chế. Đại biểu Vũ Tuấn Anh cho biết, theo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội thông qua, số thu cân đối từ xuất nhập khẩu là 239.000 tỷ, chiếm 15% trong tổng cân đối ngân sách Nhà nước. Số liệu giao ngành hải quan rất lớn (đây đã bù trừ đi số đã hoàn thuế VAT). Năm 2021, giao hải quan thu 425.000 tỷ, chiếm 25% tổng thu ngân sách Nhà nước. Đây là nguồn thu quan trọng trong cân đối ngân sách Nhà nước, do đó, việc tiếp tục chống gian lận, buôn lậu thương mại để tăng thu ngân sách là rất quan trọng.

Ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng Cục Hải quan

Ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng Cục Hải quan

Ứng dụng công nghệ thông tin ngành Hải Quan vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Hải quan là ngành ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát hải quan từ năm 2001, ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng Cục Hải quan cho biết Công tác cải cách hiện đại hóa hải quan đã đạt được một số thành tựu quan trọng từ thủ công bước sang hình thức sử dụng hệ thống thủ tục hải quan điện tử với 5 mục tiêu (khai báo thông tin trước đối với hàng hóa; khai báo về dữ liệu thông tin để phục vụ thông qua là hoàn toàn trên tờ khai điện tử; áp dụng cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN, kết nối cơ chế một cửa ASEAN để áp dụng chứng nhận xuất xứ điện tử; thanh toán tất cả các khoản phí và lệ phí, thuế trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan thông qua hình thức điện tử. Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng đã ứng dụng một cách toàn diện và rộng rãi phương thức đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp dựa trên các kỹ thuật quản lý rủi ro và hệ thống phân tích thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Duyên Phương, với độ mở nền kinh tế ngày càng lớn, bởi so sánh từ trước năm 2014, số lượng các tờ khai hải quan của xuất nhập khẩu là dưới 10 triệu tờ khai/năm, sau năm 2014 liên tục các năm tăng trưởng, trung bình mức độ tăng trưởng về hoạt động xuất nhập khẩu tính qua kim ngạch và tờ khai thì tăng trên 10%/năm. Hằng năm, trung bình xử lý trên 13 triệu tờ khai xuất nhập khẩu. Do đó, việc tính toán tiếp tục ứng dụng công nghệ cho ngành hải quan là rất cần thiết.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Cũng chính vì vậy, Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng với độ mở lớn của nền kinh tế thì thách thức sẽ luôn tồn tại nếu còn thuế xuất nhập khẩu, những mặt hàng cấm, mặt hàng hạn chế. Trước những thách thức này, yêu cầu đòi hỏi cải cách thể chế, đặc biệt đối với hải quan phải là một trong những trọng điểm cải cách theo hướng ngày càng giảm thời gian kiểm tra, thủ tục thuận lợi. Đứng trước thách thức gia tăng về năng lực, kỹ thuật và nhân lực, thì ứng dụng công nghệ thông tin rất quan trọng trong việc giảm bớt thách thức này.

 Đại biểu Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Đại biểu Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Theo bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, để giải quyết thách thức này, chúng ta phải đồng bộ về pháp luật, phối hợp giữa các cơ quan trong nước, nâng cao công tác cán bộ, hợp tác quốc tế với những nước chúng ta có quan hệ thương mại. Theo đại biểu Trần Hồng Nguyên cần quan tâm đầu tư công nghệ, nhưng để làm tốt phần việc này, cần phải tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan.

Đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Cùng chung quan điểm, đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, với phạm vi các hoạt động của ngành hải quan rất rộng, liên quan đến yếu tố trong nước, quốc tế, đối tượng doanh nghiệp, sự phối hợp các ngành khác nhau. Trong nhiều giải pháp thì việc chuyển đổi số trong ngành có ý nghĩa lớn. Rõ ràng điều này cần làm nhanh hơn, tốt hơn, kịp thời hơn để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý thực tế, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước của ngành hải quan và tạo điều kiện cho việc giao thương, hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Theo đại biểu Tạ Đình Thu, việc sửa đổi pháp luật ngành Hải quan mà cụ thể ở đây là Luật Hải quan 2014 là cần thiết.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=78895