Cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên

Ngày 17/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”; thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành: Hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn nghiêm khắc; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia, cũng như vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng còn chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên; tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên…

Mục đích xây dựng dự án Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm: Hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm bằng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội;

Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên;

Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng;

Huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên;

Thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên;

Tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, đơn giản, phù hợp với người chưa thành niên…

Dự thảo Luật gồm 166 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho hay, dự thảo Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự, như: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; xử lý chuyên biệt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng.

Đồng thời, quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Khuyến khích người chưa thành niên chấp hành tốt để được chấm dứt trước thời hạn việc thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng đổi mới trình tự, thủ tục xử lý chuyển hướng theo hướng kịp thời, hiệu quả…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao.

"Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên" - bà Nga nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dự thảo Luật với tính chất là một đạo luật chuyên biệt, quy định khá nhiều chính sách đổi mới về tư pháp người chưa thành niên sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi, bổ sung một số luật như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự…

Theo đó, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát đầy đủ, đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-thiet-ban-hanh-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-315250.html