Can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam

Ngày 21/11, trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Tuyên truyền nhận thức về phát hiện, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, việc phát hiện và can thiệp sớm các dạng khuyết tật của nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam rất quan trọng, từ đó đưa ra các biện pháp phục hồi chức năng phù hợp. Người thân của các nạn nhân chất độc da cam cần được trang bị kiến thức, kỹ năng về phục hồi chức năng để chăm sóc, tập luyện cho người khuyết tật. Việc phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là sự kết hợp đồng thời giữa các biện pháp can thiệp về y tế, giáo dục, tạo việc làm để người khuyết tật hòa nhập tốt hơn xã hội.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Từ năm 2014 đến nay, các cán bộ thực hiện Dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đã tổ chức tập huấn bổ sung kiến thức về phát hiện, can thiệp sớm và phân loại dạng khuyết tật cho đội ngũ cán bộ y tế ở một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong khuôn khổ dự án, các cán bộ dự án cũng hướng dẫn cộng đồng tự tạo một số dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng sử dụng trong tập luyện hàng ngày để giảm thiểu chi phí điều trị đối với người khuyết tật. Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tầm soát dị tật cho 100% trẻ mới sinh tại các cơ sở y tế, qua đó đã phát hiện hơn 480 trẻ có khuyết tật các loại và chỉ định phục hồi chức năng phù hợp với dạng tật phát hiện.

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam Nguyễn Anh Cả: Địa bàn tỉnh hiện có 35.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Tính đến cuối tháng 10/2016, Hội đồng giám định y khoa Trung ương và tỉnh Quảng Nam đã công nhận 4.663 người thuộc thế hệ thứ 1 bị nhiễm chất độc da cam, 1.869 người thuộc thế hệ thứ 2 và 366 người thuộc thế hệ thứ 3. Các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ 2, thứ 3 thường bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về phát hiện, can thiệp sớm cũng như thực hiện phục hồi chức năng cho đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ Hội nạn nhân chất độc da cam ở cơ sở và người nhà của các nạn nhân là rất cần thiết.

Đỗ Trưởng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/can-thiep-som-va-phuc-hoi-chuc-nang-cho-nan-nhan-chat-doc-da-cam-20161121152242007.htm