Can thiệp mạch máu, cứu người bệnh có nguy cơ bị hoại tử chân

Người bệnh P.Q.T, ở huyện Yên Lập, 64 tuổi bị suy tĩnh mạch hai chân dẫn đến viêm loét, hoại tử, có nguy cơ phải cắt bỏ vừa được các bác sĩ Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh can thiệp giữ lại đôi chân.

Nhiều năm nay, bệnh nhân P.Q.T bị đau tức chân, đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không đỡ. Thời gian gần đây, người bệnh đau nhức nhiều, hai chân tím đen, loét nhiều chỗ, đi lại rất khó khăn nên đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh thăm khám.

Khi đến khám tại bệnh viện, bệnh nhân trong tình trạng đi lại khó khăn, phải có sự hỗ trợ; mặt ngoài cẳng chân phải có vết loét hoại tử mủ, kích thước khoảng 6x5cm; mặt trước cẳng chân trái có nhiều vết loét khô. Các vết loét tồn tại từ lâu không có dấu hiệu phục hồi mà có xu hướng ngày càng nặng lên.

Các vết loét, hoại tử ở 2 bên chân của người bệnh.

Sau khi thăm khám bằng siêu âm doppler mạch máu, chụp dựng hình mạch máu, các bác sỹ khoa Can thiệp Tim mạch đã chẩn đoán: Suy tĩnh mạch hiển lớn hai bên chân giai đoạn C6, biến chứng loét hoại tử cẳng chân hai bên. Tình trạng hoại tử cẳng chân hai bên sẽ không thể khỏi bằng các phương pháp điều trị thông thường. Qua hội chẩn liên chuyên khoa, phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh được đưa ra: Can thiệp điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội mạch.

Người bệnh cũng được phối hợp điều trị chăm sóc vết loét hàng ngày với khoa Chấn thương I, sau 10 ngày can thiệp và chăm sóc vết loét tích cực, người bệnh ổn định, vận động đi lại tốt, các vết loét dần hồi phục.

Hiện tại, người bệnh khám lại sau hai tháng, các vết loét đã hồi phục hoàn toàn.

Bác sĩ khám cho người bệnh.

Các vết loét đã liền vùng da.

Niềm vui của người bệnh khi có thể đứng và đi trên đôi chân của mình.

Ths.Bs Nguyễn Thị Cẩm Bình - Khoa Can thiệp tim mạch cho biết:Người bệnh đến với chúng tôi ở giai đoạn bệnh khá muộn, đã loét, hoại tử, tổn thương chân phải nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Nếu tiếp tục không đượcđiều trịđúng phương pháp tình trạng loét tiến triển ngày một lan rộng, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết cao và có thể phải cắt cụt chi.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của hệ tĩnh mạch, do tăng áp lực tĩnh mạch, gây suy các van tĩnh mạch.

Bệnh thường gặp trong cộng đồng, tuy nhiên chưa được quan tâm phòng ngừa và điều trị sớm. Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ nên thường bị bỏ qua. Người bệnh đôi khi chỉ thấy đau tức, mỏi nhẹ, tê bì, căng bắp chân, chuột rút hoặc biến đổi màu sắc da... nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, đặc biệt các bệnh lý cơ xương khớp hoặc da liễu.

Đa số người bệnh đi khám khi thấy giãn tĩnh mạch mạng nhện, các búi tĩnh mạch nông giãn ngoằn ngoèo dưới da hoặc người bệnh đi khám khi tình trạng nặng hơn như phù chân, biến đổi sắc tố da, loét hoặc huyết khối sưng nề chân dẫn đến điều trị lâu dài, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Do đó, người bệnh khi thấy các biểu hiện như: Thường xuyên cảm thấy mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều, có cảm giác kim châm, dị cảm như kiến bò ở vùng cẳng chân vào ban đêm, thường bị chuột rút vào buổi tối... nên đến Bệnh viện khám để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị hiệu quả.

Phương pháp can thiệp bằng laser nội mạch là gì?

Phương pháp can thiệp điều trị suy tĩnh mạch hiển lớn bằng Laser nội mạch là phương pháp hiệu quả, an toàn, ít xâm lấn với tỉ lệ khỏi bệnh gần như hoàn toàn, tỉ lệ và mức độ tái phát rất thấp. Người bệnh sau can thiệp có thể đi lại, sinh hoạt bình thường.

Với phương pháp này: Người bệnh được siêu âm Doppler lập bản đồ tĩnh mạch bị suy, đánh dấu vị trí chọc mạch và các nhánh tĩnh mạch nông cần lấy bỏ (Phlebectomy). Bác sĩ luồn Sonde laser có bước sóng 1470 nm qua Catheter vào trong lòng tĩnh mạch hiển. Người bệnh được gây tê tại chỗ, đầu Sonde laser phát ra năng lượng được rút dần ra dẫn đến xơ hóa, teo tĩnh mạch hiển suy. Với những người bệnh có các búi tĩnh mạch nông giãn, sẽ được lấy bỏ bằng những đường rạch nhỏ 2-3 mm hoặc tiêm xơ.

Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện đa khoa tỉnh quy tụ đội y ngũ bác sĩ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch, sở hữu hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại. Trung tâm đã triển khai nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu của tuyến Trung ương, giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế cao tại tuyến tỉnh.

Người dân có nhu cầu đặt lịch khám, điều trị bệnh lý tĩnh mạch vui lòng liên hệ:

Khoa Can thiệp tim mạch - Tầng 7, nhà C - SĐT 0210.651.555.

Trương Tĩnh

(Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/y-te/can-thiep-mach-mau-cuu-nguoi-benh-co-nguy-co-bi-hoai-tu-chan/203235.htm