Cẩn thận với bẫy lừa du học

Thời gian vừa qua, nắm được mong muốn của các bậc cha mẹ và nguyện vọng của học sinh, một số đối tượng không có chức năng tư vấn đi du học nhưng vẫn lập trang web giả, công ty 'ma' rồi giới thiệu trên mạng xã hội nhằm lừa đảo tiền của nhiều người.

Cơ quan Công an đã bóc gỡ nhiều đường dây lừa đảo du học, ngoài ra cũng thường xuyên đăng thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn có những bậc cha mẹ chưa tìm hiểu kỹ đã đặt trọn niềm tin vào công ty, trung tâm môi giới du học “ma” dẫn đến tiền mất, nợ mang...

Muôn kiểu giăng bẫy du học để lừa đảo

Với mong muốn sau này không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh Giang ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã quyết định bán gần chục mẫu đất để có tiền chuẩn bị tìm đường cho cậu con trai đi du học sau khi tốt nghiệp lớp 12. Thay vì tìm đến những công ty, trung tâm có uy tín, cha con anh Giang lại lên mạng xã hội tìm hiểu và quyết định bắt xe xuống một quán cà phê trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP Hồ Chí Minh gặp một người đàn ông tên Lăng để nhờ trợ giúp.

Để tạo lòng tin, sau chầu cà phê, người đàn ông tên Lăng đã đưa cha con anh Giang về một căn nhà ở quận Gò Vấp và được giới thiệu đây là văn phòng trung tâm tư vấn của mình. Sau đó Lăng còn mang cả xấp cataloque giới thiệu về một số trường danh tiếng của Anh, Mỹ, Úc, Canada, Nhật… đang tuyển sinh đưa cho cha con anh Giang xem rồi bảo: “Anh cứ cầm về nhà từ từ nghiên cứu, nếu có nguyện vọng thì alo rồi mình gặp nhau bàn tiếp…”. Nhìn căn nhà 4 tầng bề thế được bố trí bàn ghế văn phòng cùng tủ đựng đầy hồ sơ, phía trong cùng là phòng giám đốc bề thế khiến anh Giang không chút nghi ngờ và yên tâm ra về.

Sau khi bàn bạc với những người thân trong gia đình, anh Giang quay lại TP Hồ Chí Minh gặp người đàn ông tên Lăng nhờ tư vấn. Tại buổi gặp mặt này, Lăng ra chiêu bằng cách liên tục dùng những lời lẽ hoa mỹ tô vẽ về một số trường đại học ở nước ngoài như trình độ giảng dạy mang tầm toàn cầu, bằng cấp có thể xin việc ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới khiến anh Giang như bị thôi miên trong ảo ảnh của một bức tranh màu nhiệm.

Nhận thấy đối phương đã thực sự rơi vào ma trận, lại biết anh Giang vừa bán rẫy, Lăng lập tức đưa ra thông báo về chi phí tư vấn, tiền làm hộ chiếu, visa, vé máy bay, học phí, tiền ăn ở cho toàn bộ 4 năm học, nếu chấp nhận thì đăng ký ngay trường và nộp tiền đặt cọc kẻo hết thời hạn. Nghĩ đã chọn được mặt để gửi vàng, anh Giang đã chọn một ngôi trường ở Úc rồi chuyển 200 triệu đồng tiền mặt cho Lăng để đặt cọc và cầm một tờ biên lai với dấu đỏ hình vuông.

Hai ngày sau, anh Giang cùng vợ tổ chức bữa tiệc mời những người thân trong gia đình và bạn bè đến dự để mừng cho con trai, nhưng chưa kịp hãnh diện thì một đứa cháu vừa đi du học ở Singapore trở về xin chú cho kiểm tra lại toàn bộ thông tin, giấy tờ và phát hiện không có hợp đồng được ký kết giữa hai bên, không có thông tin pháp lý của đơn vị tư vấn rồi khẳng định tấm biên lai thu tiền là giả do bọn lừa đảo tự in từ máy in màu. Không tin đó là sự thật, anh Giang lập tức gọi điện thoại cho người đàn ông tên Lăng, nhưng liên lạc nhiều lần vẫn chỉ nhận được câu trả lời từ nhà mạng: “Số máy này không tồn tại”.

Tìm đến căn nhà mà Lăng giới thiệu là trụ sở văn phòng ở quận Gò Vấp thì được người quản lý cho biết công ty của anh chỉ chuyên bán sỉ ngành hàng tiêu dùng nhập khẩu chứ không tư vấn du học, mấy hôm trước công ty của anh có nhận vài người là nam giới đến thử việc nhưng cũng không có ai tên Lăng, hơn nữa họ cũng không đáp ứng được yêu cầu nên đã rời khỏi công ty. Ngoài ra người quản lý cũng không lưu lại thông tin cá nhân của những người thử việc vì chỉ khi nào được tiếp nhận mới bổ sung.

Biết mình bị lừa, nhưng không thể có bằng chứng để trình báo cơ quan Công an, anh Giang đành ngậm ngùi về nhà thông báo tin không vui rồi khuyên con trai hãy học đại học trong nước và nếu tự kiếm được học bổng một phần thì anh sẽ tiếp tục đầu tư cho đi du học.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện lệnh bắt và khám xét nơi ở đối với Nguyễn Phương Thanh và đồng phạm.

Không chỉ lừa đảo du học thông qua mạng xã hội mà các đối tượng còn lừa chính những người là bạn bè, người quen. Trường hợp anh N.Đ.G ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội là một điển hình. Năm 2011, thông qua giới thiệu của một người bạn thân, anh N.Đ.G có gặp và quen biết với Nguyễn Phương Thanh, sinh năm 1988, ngụ quận 10, TP Hồ Chí Minh và cả hai trở nên thân thiết hơn sau nhiều lần gặp mặt. Đến năm 2017, do yêu cầu của công việc, anh N.Đ.G muốn sang Hoa Kỳ du học. Trong thời gian tìm kiếm nhà tư vấn có uy tín, anh G có nói chuyện với Thanh và nhờ cô ta nếu có thân thiết với công ty tư vấn nào thì giới thiệu giúp.

Biết gia đình anh G thuộc diện có điều kiện, hơn nữa anh này cũng thuộc dạng nhẹ dạ nên Thanh nổi lòng tham tính chuyện lừa gạt một mớ tiền rồi cao chạy xa bay. Để thực hiện âm mưu của mình, Thanh nói cho anh N.Đ.G là cô ta có mối quan hệ quen biết tại Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh và nhân vật này có khả năng giúp cho anh N.Đ.G được duyệt thủ tục đi du học trong thời gian ngắn nhất. Ngoài ra thỉnh thoảng khi anh G vào TP Hồ Chí Minh, Thanh đều dắt đến quán cà phê bên hông Lãnh sự quán Mỹ, gặp gỡ vài người bạn mà sau đó Thanh cũng giới thiệu là nhân viên lãnh sự.

Do từng quen biết từ trước nên sau mấy lần đi uống cà phê, nghe những lời đường mật rót vào tai, anh N.Đ.G đã đặt niềm tin vào Thanh và lập tức gọi điện thông báo cho mẹ là bà T.T.T.B biết là đã tìm được chỗ tin tưởng. Cũng vì vậy mà khi Thanh yêu cầu chuyển tiền để lo thủ tục, anh N.Đ.G không chút do dự, liền nhắn thông tin tài khoản của cô ta cho mẹ chuyển tiền vào. Sau thời gian dài, mẹ con anh N.Đ.G nhiều lần thực hiện lệnh chuyển tiền cho Thanh với tổng cộng là hơn 4,5 tỷ đồng và 153.000 USD nhưng vẫn không được cấp VISA đi du học khiến anh G và mẹ rất nóng ruột. Lúc đầu gọi điện thoại thì Thanh bảo từ từ sẽ lo liệu xong, nhưng sau đó không nghe máy, tìm đến văn phòng, nơi ở thì Thanh tránh mặt. Biết mình bị lừa, anh N.Đ.G và bà T.T.T.B viết đơn tố cáo gửi Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Phương Thanh ký vào biên bản phạm tội.

Khi được mời lên làm việc, Thanh không hợp tác và liên tục quanh co chối tội hoặc trả lời không vào trọng tâm câu hỏi, sau đó thì lẩn trốn. Mặc dù không có sự hợp tác, nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn nhanh chóng xác minh, ghi lời khai những người có liên quan, trưng cầu giám định tài liệu thu giữ và đi đến kết luận Thanh không có mối quan hệ với Tổng Lãnh sự quán Mỹ, hoàn toàn không có chức năng, thẩm quyền, khả năng làm các thủ tục du học như đã hứa với anh N.Đ.G.

Đến ngày 24/3/2024, sau khi làm rõ bản chất vụ việc, thu thập đầy đủ chứng cứ phạm tội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Phương Thanh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khi khám xét khẩn cấp nơi ở của Thanh, thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo, đồng thời khui ra những người giúp sức che giấu tội phạm và tẩu tán tài sản...

Cần tìm hiểu kỹ trước khi trao gửi niềm tin

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Đỗ Trúc Lâm, Giám đốc Hãng luật Lâm Trí Việt thuộc Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, lợi dụng tâm lý của các bậc phụ huynh cũng như ước mơ của bản thân một số em học sinh sau khi học song phổ thông muốn được đi du học nước ngoài nên các đối tượng lừa đảo đã giở nhiều chiêu trò để giăng bẫy. Các đối tượng thường lập các trang quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội giả làm nhà tư vấn du học với những lời hứa đường mật để từng bước dẫn dụ phụ huynh, giới thiệu rằng mình có kênh riêng, có mối quan hệ mật thiết với một số trường nổi tiếng cũng như những nhân vật trong chính quyền có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác du học như Đại sứ, Tổng lãnh sự…

Luật sư Đỗ Trúc Lâm - Giám đốc Hãng luật Lâm Trí Việt.

Ngoài ra, chúng còn bố trí sẵn một vài nhân vật nào đó giả làm du học sinh để nói chuyện trực tiếp phụ huynh qua video call về cuộc sống và tương lai như thiên đường khi được các đối tượng tư vấn cho đi du học đúng sở trường, năng lực của bản thân, phù hợp với sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật nên hiện tại đang có một số tập đoàn nổi tiếng thế giới đặt hàng khi nào tốt nghiệp sẽ được mời về làm việc ở vị trí cao…

Để tránh rơi vào cái bẫy lừa của kẻ xấu, khi muốn tìm nơi tư vấn cho con, em mình đi du học, người dân cần phải thực hiện các bước sau:

Yêu cầu Trung tâm cung cấp hồ sơ pháp lý như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học. Tham khảo người thân, bạn bè, thông tin Internet,... lựa chọn trung tâm đã có uy tín lâu dài trên thị trường, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và tư vấn du học, đối tác liên kết với các trường học quốc tế nơi phụ huynh, học sinh đang hướng đến. Kiểm tra xem tỷ lệ thành công tổ chức đi du học của các trung tâm, để đánh giá thêm về chất lượng tư vấn.

Cần có Bảng kê chi tiết các dịch vụ trung tâm cung cấp, tương ứng với từng loại chi phí cụ thể. Trung tâm phải cam kết về sự hỗ trợ toàn diện từ khâu thủ tục chuẩn bị hồ sơ, xin visa, hỗ trợ quá trình nhập cảnh và làm quen với trường mới, luôn đảm bảo là trung gian kết nối giữa học sinh, nhà trường và phụ huynh, và hỗ trợ các thủ tục sau khi hoàn thành du học. Các thông tin này phải được nêu đầy đủ ngay từ đầu trước khi ký hợp đồng dịch vụ.

Lưu ý khi ký hợp đồng với Trung tâm phải đảm bảo tất cả các điều khoản nội dung dịch vụ, lộ trình, chi phí,... thể hiện chi tiết trong hợp đồng. Lưu tâm điều khoản phạt hợp đồng như các trường hợp người học hủy ngang, nghỉ học giữa chừng; trường hợp học sinh trượt visa thì phía Trung tâm sẽ có các giải pháp hỗ trợ ra sao; các trường hợp Trung tâm phải hoàn tiền, mức hoàn tiền; thỏa thuận về trường hợp nếu không đảm bảo dịch vụ, lộ trình cam kết thì phụ huynh, người học có quyền chấm dứt hợp đồng và trung tâm phải trả lại toàn bộ phí dịch vụ. Ngoài ra, phụ huynh có thể đi cùng luật sư để đảm bảo hơn về pháp lý.

Đức Cương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/can-than-voi-bay-lua-du-hoc-i726954/