Cẩn thận khi 'cho mượn' tài khoản ngân hàng

(Tin Nóng) Cho bạn mượn tên mở tài khoản ngân hàng, đến khi mình cũng mở tài khoản thì sau đó ngân hàng phong tỏa tài khoản này theo yêu cầu của công an. Đó là cảnh dở khóc dở cười mà chị Dư Thị Tú (quê Đồng Nai) đang gặp.

Cần cân nhắc khi cho mượn tên để mở tài khoản ngân hàng - Ảnh: Diệp Đức Minh

Từ năm 2006, khi cùng phụ bán cà phê tại TP.HCM, chị Dư Thị Tú (quê Đồng Nai) và Nguyễn Thị Diệu (sinh năm 1988, quê Bến Tre) trở thành bạn bè thân thiết.

Năm 2013, Diệu tâm sự với Tú, có quen bạn trai mới, bạn trai hay cho tiền. Sợ sau này chia tay bạn trai đòi lại nên Diệu muốn mượn chứng minh nhân dân của Tú để mở tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào đó. Lỡ chia tay, bạn trai đòi tiền Diệu cũng không được vì đó là tài khoản của Tú.

Giúp bạn, chị Tú cùng Diệu đến các ngân hàng mở tài khoản thẻ ATM, tài khoản do Tú đứng tên. Lúc đi lấy thẻ ATM, Tú cùng đi với Diệu, ký tên nhận thẻ ATM rồi giao lại cho Diệu giữ.

Diệu làm gì với những tài khoản ATM của mình, chị Tú không hề hay biết. Thỉnh thoảng, Diệu có nhờ chị đến trực tiếp tại ngân hàng để rút số tiền lớn, Tú làm theo rồi được Diệu chở đi ăn uống.

Ngày 12.3.2014, chị Tú mở sổ tiết kiệm 500 triệu đồng tại ngân hàng Sacombank - Phòng giao dịch Lê Đại Hành. Ngày 27.6.2014, Tú mở thêm một sổ tiết kiệm 200 triệu đồng cũng tại phòng giao dịch này. Tuy nhiên, đến ngày 24.7.2014, khi chị Tú đến rút tiền lãi thì được ngân hàng cho biết, tài khoản của chị đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an đề nghị ngân hàng phong tỏa.

Quá bất ngờ, chị Tú liên hệ với C45 Bộ Công an để tìm hiểu, nhưng nơi đây cũng không cho biết cụ thể lý do, đồng thời yêu cầu chị viết tường trình về tài khoản ngân hàng. Từ đó đến nay, chị thấp thỏm lo lắng về số tiền của mình trong tài khoản, vừa lo sợ trở thành nạn nhân của Diệu. Chị đã liên lạc với Diệu nhiều lần nhưng không được.

Chị Dư Thị Tú tâm sự: “Số tiền đó là tiền em dành dụm được, tiền nhà chồng cho lúc đám cưới cộng với tiền riêng của mẹ em. Nay chồng em đã bỏ em, em gửi số tiền đó vào ngân hàng để lấy lãi nuôi con, nào ngờ rơi vào tình cảnh này. Chỉ mong cơ quan công an sớm giải quyết vụ việc, giúp em lấy lại số tiền này để em có tiền nuôi con”.

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM cho biết: “Tài khoản tiết kiệm bị phong tỏa nghĩa là ngân hàng sẽ ngừng mọi giao dịch liên quan đến tài khoản (chi - thu tiền) trên một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản của khách hàng. Theo quy định của pháp luật, tài khoản của khách hàng sẽ bị phong tỏa nếu có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp này, do có văn bản của C.45 Bộ Công an nên việc phong tỏa tài khoản của chị Tú là đúng. Việc phong tỏa sẽ chấm dứt khi người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ra quyết định hoặc yêu cầu chấm dứt việc phong tỏa.

Hiện nay, nhiều tội phạm “mượn” tài khoản của người khác để giao dịch những đồng tiền do phạm pháp mà có. Vì vậy, việc cho người khác dùng tài khoản ngân hàng của mình để giao dịch là điều hoàn toàn không nên làm, dù đó là người thân của mình”.

Đại tá Nguyễn Tri Phương - Phó Cục trưởng C45, Bộ Công an cho biết: Lý do tài khoản của Dư Thị Tú bị phong tỏa tại ngân hàng Sacombank là do nghi ngờ có liên quan đến đường dây đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá mà C45 vừa triệt phá. Vì vậy cơ quan điều tra đề nghị Sacombank phong tỏa để làm rõ.

Nếu sau này cơ quan điều tra chứng minh số tiền của chủ tài khoản Dư Thị Tú không liên quan đến đường dây đánh bạc, thì cơ quan điều tra sẽ “giải tỏa” để chủ tài khoản giao dịch bình thường. Còn nếu số tiền trên là tiền của các đối tượng tham gia đánh bạc mà có thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Hoài Nam (ghi)

Thanh Đông

Nguồn Tin Nóng: http://tinnong.vn/pages/20140827/can-than-khi-cho-muon-tai-khoan-ngan-hang.aspx