Cần sự hợp lực từ nhiều phía

Thừa Thiên Huế có nhiều tài nguyên để có thể phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK). Quan trọng là cách kết hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có.

Khách quốc tế du lịch ở Huế

Tiềm năng lớn

Giữa tháng 7 vừa qua, tại buổi thăm và làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan một lần nữa nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế cần xem xét xu hướng kết hợp du lịch và khám, chữa bệnh để thu hút khách du lịch, nhằm tăng trưởng kinh tế hiệu quả cho tỉnh nhà. Gợi ý của Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra từ chính những lợi thế, tiềm năng ở Cố đô, khi mà nhắc đến y tế và du lịch, người ta nhớ nhiều đến Huế.

Du lịch CSSK là loại hình du lịch nhằm cải thiện và cân bằng tất cả các lĩnh vực chính của đời sống con người, bao gồm: thể chất, tinh thần, tình cảm, nghề nghiệp, trí tuệ và tâm linh. Các dịch vụ CSSK cho khách du lịch thường bao gồm: Làm đẹp và chống lão hóa; ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng và giảm cân; tập thể dục; spa; suối khoáng nóng…

Tiềm năng phát triển du lịch CSSK lớn nhưng dường như Thừa Thiên Huế chưa khai thác một cách hiệu quả. Tại diễn đàn “Du lịch CSSK ở Thừa Thiên Huế” diễn ra tháng 11/2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lê Phúc đã chỉ ra rằng, bên cạnh Quần thể di tích Cố đô Huế, hệ thống chùa miếu, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống đầm phá và nhiều bãi biển đẹp, Thừa Thiên Huế có tới 7 nguồn nước khoáng nóng. Trong đó, có 2 nguồn nước nóng đã được khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng phục vụ sức khỏe và du lịch như khu nghỉ dưỡng Alba Wellness Valley by Fusion (suối khoáng nóng Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) và khu nghỉ dưỡng Kawara Mỹ An Onsen (xã Phú Dương, TP. Huế). Cùng với đó, Thừa Thiên Huế còn có hệ thống các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được xây dựng trong những không gian yên bình theo triền đồi, ven bờ sông Hương hay trải dài trên các bãi biển, dễ dàng hòa mình với thiên nhiên và thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, CSSS, chữa bệnh như: Laguna Lăng Cô, Vedana Lagoon, Lăng Cô Beach, Hue Riverside Boutique, Hue Ecolodge... Ngay trong nội đô cũng có hệ thống khách sạn kết hợp lưu trú và dịch vụ khám, chữa bệnh theo hình thức đông y cổ truyền như: Spatel D’Annam của Công ty Đại Nam Thái Y viện, hay có dịch vụ spa đẳng cấp như: Azerai La Residence, SilkPath Grand, Melia Vinpearl, Senna... Tất cả các tài nguyên này đã trở thành thế mạnh để phát triển du lịch CSSK, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Cùng với hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, mảnh đất Cố đô còn có nền y học cổ truyền lâu đời, nhiều lương y danh tiếng. Nét đặc sắc trong lịch sử phát triển của đông y ở Huế là nền Đông y phục vụ cung đình với y dược phát triển ở trình độ cao do triều đình tổ chức, quản lý, đại diện và đỉnh cao là Thái y viện triều Nguyễn. Còn Tây y ở Huế cũng được đánh giá không thua kém hai đầu đất nước với hệ thống các bệnh viện có hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế…

Từ nhiều năm trước, Thừa Thiên Huế đã chú ý đến loại hình du lịch CSSK. Song, đánh giá một cách tổng quan trong “bức tranh” chung của du lịch Cố đô, loại hình du lịch này vẫn chưa được địa phương phát huy hết những thế mạnh đang nắm giữ. Tỷ lệ du khách đến Thừa Thiên Huế lựa chọn loại hình du lịch này chưa đáng kể, thiếu sự liên kết giữa các bên liên quan trong xây dựng và khai thác chương trình du lịch CSSK, y tế tại địa phương.

Để khai thác hiệu quả

Đề cập đến chiến lược phát triển du lịch, lãnh đạo Sở Du lịch khẳng định, nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành sẽ được thực hiện trong thời gian tới, trong đó các nội dung Đề án “Định hướng phát triển du lịch CSSK tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Huế, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch tỉnh trong một chia sẻ liên quan, khẳng định sản phẩm du lịch CSSK rất phù hợp làm sản phẩm bổ trợ cho các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong thời gian tới, cần đưa loại hình du lịch này thành một loại hình trọng điểm trong quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch Thừa Thiên Huế, đồng thời tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương. Để làm được điều đó, tỉnh cần hoàn thiện cơ chế, có chính sách nhằm phục vụ cho việc nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân cư và thu hút du khách, cần có định hướng và quy hoạch cụ thể theo từng giai đoạn khác nhau với các mục tiêu rõ ràng trong việc phát triển sản phẩm du lịch CSSK để đảm bảo tính hiệu quả, lâu dài và bền vững.

Nhiều chuyên gia cho rằng, điểm yếu của Huế là chưa quảng bá được nhiều về thương hiệu du lịch CSSK. Tiêu chuẩn của dịch vụ khám, chữa bệnh ở Huế được đánh giá cao, nhưng chưa áp dụng quy chuẩn theo thông lệ quốc tế trong khai thác, phục vụ khách du lịch. Đó là điểm cần nghiên cứu khi phát triển du lịch CSSK.

Để Huế trở thành một trung tâm du lịch khám, chữa bệnh đích thực, trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế cần tập trung vào một số công việc cụ thể, như: Đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp; liên kết nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khác nhau phục vụ cho loại hình du lịch khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giới thiệu các kỹ thuật chuyên sâu, phổ biến các thành tựu y học hiện đại... Quan trọng không kém là xây dựng được tour tuyến riêng, kết hợp tham quan, trải nghiệm Huế cùng với khám, chữa bệnh.

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho hay, hiện Thừa Thiên Huế rất quan tâm phát triển loại hình du lịch CSSK. Nhưng để tạo ra hiệu quả, cần sự hợp lực từ nhiều phía. Các công ty lữ hành cần thiết kế các chương trình kết hợp chăm sóc sức khỏe khởi hành thường xuyên. Các sản phẩm cần sự liên kết hơn nữa giữa các công ty lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, trị liệu, spa, massage… để tạo ra chương trình du lịch chăm sóc, khám, chữa bệnh bài bản.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/du-lich/can-su-hop-luc-tu-nhieu-phia-131238.html