Cần sự đồng thuận của người dân

Dự án xây dựng Nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ chất thải sinh hoạt của Công ty cổ phần Xử lý rác thải và Năng lượng EU tại xã Vô Tranh được cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Phú Lương mời gọi bởi đây là dự án đem lại giá trị kinh tế và giải quyết bài toán nan giải là xử lý rác. Tuy nhiên, một số người dân đang sinh sống, canh tác tại khu vực dự kiến xây dựng nhà máy lại lo ngại môi trường bị ô nhiễm...

Trong các cuộc họp về cung cấp thông tin liên quan đến dự án, còn nhiều người dân băn khoăn, chưa đồng thuận.

Nỗi lo ô nhiễm môi trường

Thời gian gần đây, một số hộ dân ở xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ những tác hại về môi trường nếu cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ chất thải sinh hoạt của Công ty cổ phần Xử lý rác thải và Năng lượng EU tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Tấn có nhà ở cách vị trí dự kiến xây dựng nhà máy vài chục mét cho biết: Gia đình tôi bị ảnh hưởng khoảng 3.000m2 đất đã trồng chè và 2.000m2 đất trồng cây công nghiệp. Tôi không đồng ý việc xây dựng Nhà máy sát khu dân cư vì khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của gia đình tôi và các hộ dân ở khu vực này.

Người dân xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh và người dân một số xóm khác sau khi dự họp cung cấp thông tin về dự án do chủ đầu tư và UBND xã tổ chức đầu tháng 7 vừa qua đang rất lo lắng việc xây dựng nhà máy sẽ ảnh hưởng đến môi trường, quá trình sinh hoạt, nhất là vùng nguyên liệu chè nổi tiếng của địa phương. Cụ thể, tại buổi họp gần đây, sau khi chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án phát phiếu khảo sát, chỉ có hơn 10 hộ trong vùng ảnh hưởng đồng ý cho dự án triển khai trên địa bàn nhưng trên 50% đại diện hộ dân không nhất trí thực hiện dự án tại địa phương.

Một số cán bộ, đảng viên và người dân xã Vô Tranh suy nghĩ rộng hơn thì cho rằng nếu địa phương nào cũng không đồng ý tiếp nhận dự án xử lý rác thải sinh hoạt tập trung thì vấn đề nan giải này bao giờ mới được giải quyết. Nhưng nếu cứ triển khai dự án xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Phú Lương mà những vấn đề, câu hỏi của người dân chưa được giải đáp thỏa đáng sẽ tích tụ bức xúc, lâu ngày có thể trở thành điểm nóng. Người dân địa phương đang băn khoăn vị trí đặt nhà máy như vậy có đúng theo quy định của pháp luật? Cơ chế giám sát cộng đồng như thế nào để đảm bảo sự chặt chẽ trong toàn bộ quá trình cấp phép, xây dựng, vận hành của nhà máy? Nếu phát hiện Công ty không thực hiện đúng cam kết cấp nào sẽ dừng hoạt động và đứng ra xử lý?

Một số người dân ở các khu vực liền kề với nơi dự kiến xây dựng nhà máy cũng bày tỏ sự lo ngại nên khi phóng viên Báo Thái Nguyên đến trao đổi về vấn đề này, gần 100 người dân xóm Liên Hồng 2 đã bỏ công việc có mặt ở nhà văn hóa để mong muốn truyền tải những kiến nghị, băn khoăn tới các cơ quan chức năng, nhà khoa học. Điều này cho thấy đây đang là vấn đề rất thời sự tại địa phương.

Chủ đầu tư cam kết không gây ô nhiễm môi trường

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết dự án này được triển khai bởi liên doanh của 2 nhà đầu tư, gồm: Công ty cổ phần Xử lý rác thải và Năng lượng EU có trụ sở tại T.P Hà Nội và Công ty China Conch Venture Hoidings Limited có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc). Theo thuyết minh dự án của chủ đầu tư, nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn châu Âu nên không gây tác động đến môi trường và con người. Công nghệ này đã được các nước tiên tiến trên thế giới như: Nhật Bản, Đức,Thụy Sĩ, Hà Lan... sử dụng vì rác được xử lý trong quy trình vệ sinh, khép kín. Khi nhà máy đi vào hoạt động, giai đoạn 1 khối lượng rác dự kiến được xử lý trên 500 tấn/ngày/đêm; giai đoạn 2 là hơn 700 tấn/ngày/đêm. Thu gom rác trên địa bàn huyện Phú Lương, T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ, T.P Sông Công và T.X Phổ Yên.

Dự án xây dựng Nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt là một trong những dự án nằm trong danh mục được UBND tỉnh ký biên bản ghi nhớ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức ngày 01/7/2018. Sau khi có văn bản thống nhất của UBND tỉnh, Công ty cổ phần Xử lý rác thải và Năng lượng EU đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, UBND huyện Phú Lương tiến hành các bước khảo sát, nghiên cứu dự án. Từ đó, nhà đầu tư đã đề xuất xây dựng Nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt tại địa điểm nêu trên.

Dự án này có quy mô xây dựng trên 13,5ha (chủ yếu là đất trồng keo và đồi chè) với tổng mức đầu tư dự kiến trên 1.088 tỷ đồng. Đáng quan tâm là phía nhà đầu tư đã cam kết 7 nội dung, như: Xây dựng Nhà máy không gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sinh hoạt cũng như phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Chủ đầu tư sẽ mở chi nhánh, đặt trụ sở tại huyện Phú Lương để nộp thuế về ngân sách huyện. Đối với công tác đảm bảo an toàn, chủ đầu tư sẽ đặt hệ thống tua pin phát điện (hệ thống phát ra tiếng ồn duy nhất của nhà máy) tại khu vực trung tâm khu đất để không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh nhà máy. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đảm bảo việc phát thải bụi trong phạm vi cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam. Chủ đầu tư cũng cam kết hỗ trợ huyện Phú Lương xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo không gây ô nhiễm bụi và mùi; ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương làm việc cho nhà máy. Do vậy, ngày 8/6/2018, UBND huyện Phú Lương đã có công văn về việc chấp thuận vị trí nghiên cứu đầu tư Dự án này gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND tỉnh chấp thuận.

Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Ban đầu, lãnh đạo huyện không đồng ý thu hút Dự án này, nhưng trong quá trình làm việc, chủ đầu tư đã báo cáo quy trình và công nghệ xử lý rác thải, thuyết minh công nghệ phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt, đưa ra nhiều cam kết đảm bảo môi trường, hỗ trợ kinh phí cho huyện xử lý rác thải, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương nên tập thể lãnh đạo huyện đã đồng ý. Những người dân chưa đồng ý thực hiện Dự án này vì họ chưa rõ, còn nhầm lẫn, cứ nghe đến rác là lo gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giảm chất lượng vùng nguyên liệu chè. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của tỉnh, nhà đầu tư đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục, nếu cần sẽ tổ chức đoàn để đại diện một số hộ dân trong khu vực đi tham quan nhà máy đã sử dụng công nghệ này.

Ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Đây là dự án quy mô lớn, có tính chất đặc thù nên lãnh đạo tỉnh, huyện Phú Lương yêu cầu rà soát chặt chẽ từ thủ tục pháp lý cho tới chất lượng công nghệ, năng lực tài chính, chuyên môn của nhà đầu tư. Trong khi rác thải sinh hoạt ở các địa phương của tỉnh liên tục tăng, áp lực lớn về kinh phí, mặt bằng, công nghệ xử lý thì việc thu hút dự án này đối với tỉnh là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

Theo quy định của pháp luật, dự án xử lý rác thải sinh hoạt phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về khoảng cách, công nghệ. Do vậy, khi tham mưu với cấp có thẩm quyền cấp phép dự án, cơ quan chuyên môn sẽ yêu cầu nhà đầu tư phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật nên người dân trong vùng ảnh hưởng dự án có thể yên tâm về vấn đề phát sinh ô nhiễm môi trường khi nhà máy đi vào hoạt động.

Điều tra của Nhóm P.V Nội Chính

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/can-su-dong-thuan-cua-nguoi-dan-266242-205.html