Cần sớm giao mặt nước biển cho nghề nuôi biển phát triển bền vững

Để nghề nuôi biển phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT đề nghị phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường sớm giải quyết giao mặt nước biển.

Hôm nay (25/11), tại TP Nha Trang, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị về "Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam". Hội nghị đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nuôi thủy sản trên biển theo hướng bền vững, trong bối cảnh ngành này có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều dư địa phát triển.

Diện tích nuôi biển của Việt Nam hiện có khoảng 85.000ha với 8,9 triệu m³ lồng nuôi, tổng sản lượng gần 750.000 tấn/năm, góp phần mang lại kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 11 tỷ USD. Hạn chế hiện nay là nuôi biển còn thủ công, tự phát, chưa truy xuất được nguồn gốc. Chuỗi nuôi biển từ thức ăn, con giống, quy trình nuôi, an toàn dinh dưỡng, an toàn sinh học... còn nhiều vấn đề, ô nhiễm vùng nuôi vẫn là thách thức.

Tại tỉnh Khánh Hòa đã có những mô hình nuôi biển hiện đại

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, nuôi trồng thủy sản biển chịu tác động lớn của các yếu tố liên quan đến môi trường, đặc biệt là thức ăn, chủ yếu là thức ăn tươi sống. “Ô nhiễm vùng nuôi do mật độ nuôi vượt quá quy hoạch, các bệnh nhiễm khuẩn từ thức ăn. Mặc dù con giống sạch bệnh nhưng vùng nuôi bị ô nhiễm, thức ăn bị ô nhiễm, mầm bệnh tồn tại dịch bệnh hoàn toàn xảy ra đối với thủy sản nuôi biển", ông Minh cho hay.

Tỉnh Khánh Hòa có hơn 97.000 lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng thủy sản nuôi hàng năm của tỉnh khoảng 18.000 tấn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển. Địa phương này đã có một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thành công các dự án nuôi biển theo quy mô công nghiệp. Các đối tượng nuôi chính trên biển tại Khánh Hòa là cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm..., trong đó tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được khách du lịch và các thị trường nhập khẩu nước ngoài ưa thích.

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao để hiện đại hóa lĩnh vực kinh tế này. “Dù có Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao, nhưng hiện trạng các khu vực người dân vẫn nuôi tự phát, để có cơ sở quản lý nên tỉnh đưa vào diện tích của Đề an. Điều này khiến diện tích mới để thu hút các nhà đầu tư mới, mở rộng rất hạn chế và buộc phải đẩy ra xa bờ. Để có hiệu quả cần có sự phối hợp theo chuỗi, đảm bảo vấn đề phòng dịch bệnh, môi trường", ông Nam trăn trở.

Việt Nam có nhiều tiềm năng nuôi biển với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2. Mục tiêu sản lượng nuôi biển đến năm 2025 đạt 800.000 tấn nhưng hết năm 2022, Việt Nam đã đạt được 750.000 tấn và sẽ sớm về đích mục tiêu 800.000 tấn.

Nuôi trồng thủy sản trên biển vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ phát triển ngành nuôi biển theo hướng công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại. Nghề nuôi biển phải được phát triển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị việc giám sát các hệ thống nuôi biển phải có công nghệ hòa hợp với môi trường, không gây hại cho hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...

"Hiện đã có những mô hình nuôi biển giờ cần nhân rộng ra, nhưng phải chú ý những điều kiện chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, quá trình sử dụng các thức ăn, dinh dưỡng. Bộ NN&PTNT đề nghị phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường sớm giải quyết giao mặt nước biển. Bà con đầu tư rất nhiều tiền nhưng trước mắt vẫn còn những thách thức, khó khăn rất lớn. Giờ muốn tăng diện tích nuôi trồng, giảm khai thác để gỡ thẻ vàng là một trong những mũi nhọn rất quan trọng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/can-som-giao-mat-nuoc-bien-cho-nghe-nuoi-bien-phat-trien-ben-vung-post1061528.vov