Cần 'siết' chất lượng đào tạo đại học

Hàn Quốc vừa công bố 30 trường ĐH, CĐ không đạt chất lượng... Đây là động thái nhằm chấn chỉnh chất lượng các trường ĐH, CĐ. Xung quanh sự kiện này, Đất Việt đã trao đổi và nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà giáo trong việc quản lý chất lượng trường ĐH, CĐ ở Việt Nam.

Theo Giáo sư (GS) Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc Hàn Quốc nêu tên các trường ĐH, CĐ kém chất lượng cũng là thông lệ của nhiều nước. Mỹ cũng thường công bố những trường kém chất lượng. Sau năm 1991, Nga mở rất nhiều trường ĐH, CĐ, đồng thời cũng giải thể những trường không đạt chuẩn. Phát triển mở trường ĐH Tính đến tháng 4/2010, Việt Nam có 440 trường ĐH, CĐ. So với 20 năm trước, số SV tăng lên 13 lần, trong khi cán bộ giảng dạy tăng lên ba lần; số tiến sĩ (TS), thạc sĩ (ThS) không đáng kể ( 13 - 14% TS, 30% ThS). Có trường ĐH chỉ có 1 - 2 TS nhưng lại làm công tác quản lý. Sách giáo khoa (SGK) và tài liệu thiếu quá nhiều, trường nào được đầu tư tốt nhất thì chỉ đáp ứng được 50% SGK. Các chương trình tiên tiến đưa vào áp dụng còn lỗ mỗ vì thầy và trò đều chưa đủ ngoại ngữ, không đọc được sách nước ngoài. Sau 25 năm đổi mới, báo cáo của Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, việc thành lập các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam không chặt chẽ, quá dễ dãi. VN có 440 trường, bằng 1/3 Trung Quốc, trong khi dân số chỉ bằng bằng 1/15 - 17 lần Trung Quốc. Chúng ta đang đầu tư dàn trải, cào bằng và không ra tấm, ra món. GS Hạc cho rằng, với một số trường phát triển lâu như ĐH Tổng hợp HN, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội thì nên tập trung đầu tư thành những trung tâm đào tạo mạnh. GS Hạc kiến nghị, việc phát triển ồ ạt trường đại học phải được Trung ương đảng, Quốc hội, Chính phủ xem xét lại. Phải kiểm định chất lượng giáo dục Phó giáo sư (PGS) Văn Như Cương, thành viên Hội đồng giáo dục Quốc gia VN nhấn mạnh, phải có kiểm định về chất lượng giáo dục. Nếu không kiểm định chất lượng, những trường có tên tuổi được nhiều người biết, nhưng những trường mới mở đào tạo rất tốt lại không được mọi người biết đến. Theo ông, hiện nhiều trường ĐH được mở để chạy theo số lượng nên không có chất lượng. “Ngay khi cho thành lập trường, Bộ GD-ĐT phải có các tiêu chí và chuẩn mực, chứ không phải vì thiếu trường, ai xin mở cũng cho”, ông Cương nói. Hiện nay có nhiều trường ĐH dân lập, Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo có bao nhiêu giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng; bao nhiêu GS, PGS, TS… thì các trường cứ lập danh sách báo cáo nhưng thực tế đứng lớp lại không có những người này. “Bộ GD-ĐT phải có kiểm tra thực tế khi các trường báo cáo”, ông Cương kiến nghị. Nên công khai thông tin Ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cho biết, việc công khai thông tin giữa các trường, công khai kết quả đánh giá ngoài và đánh giá trong của các trường là hết sức cần thiết. Muốn làm được việc này trước hết phải xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá, phải tiến tới thành lập một số tổ chức đánh giá không thuộc khu vực nhà nước, hoạt động theo pháp luật. Các tổ chức này tiến hành đánh giá lần lượt các trường trong toàn quốc, đánh giá tới đâu thông báo đến đó. Bộ GD-ĐT phải xem lại việc thành lập Hiệp hội các trường ĐH vướng ở đâu, hoạt động của hiệp hội này như thế nào (chúng ta mới có Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập). Việc thành lập các tổ chức ngoài khu vực công lập để đánh giá còn thiếu cái gì? Nếu không đánh giá được các trường, không công bố đánh giá đó thì các trường vẫn đủng đỉnh như hiện nay. Trong đợt giám sát gần đây, phần lớn các trường đều có website đưa thông tin về nhà trường nhưng những thông tin đó chưa gọi là 3 công khai, vì chưa đáp ứng đủ nội dung. Đặc biệt, là chưa thật khách quan. Trường nào cũng tự cho mình có đội ngũ mạnh mẽ, có sứ mạng rõ ràng, có điều đào tạo tốt… Thông tin từ Bộ GD-ĐT có 1/3 số trường ĐH, CĐ không nộp báo cáo tổng kết năm học 2009 - 2010, Bộ GD-ĐT cần phải có biện pháp chấn chỉnh. Năm 2009, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) tiến hành kiểm định 20 trường ĐH “top trên” của Việt Nam. Kết quả đánh giá cho thấy, các trường đều không đạt, còn phải khắc phục nhiều khuyết điểm mới có thể theo kịp các trường ĐH các nước trong khu vực và trên thế giới. Thế nhưng, điều đáng nói là thông tin này không được chính thức công bố. Trả lời báo chí vào thời điểm đó, ông Phạm Xuân Thanh - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết Hội đồng kiểm định quốc gia đã có báo cáo trình lãnh đạo Bộ GD-ĐT xem xét quyết định công bố kết quả. Tuy nhiên lãnh đạo Bộ chưa có quyết định nên chưa thể công bố. Thủy Trúc

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/giaoduc/Can-siet-chat-luong-dao-tao-dai-hoc/20109/113216.datviet