CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CƠ CHẾ, CHẾ TÀI ĐẢM BẢO THỰC HIỆN CÁC KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ GIÁM SÁT CỦA HĐND

Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), TS.Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập cho rằng, Luật hiện hành chưa quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chế tài trong thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, do đó, việc sửa đổi Luật lần này cần nghiên cứu đề xuất các biện pháp đảm bảo thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND được thực chất và có hiệu quả.

Hiện chưa có quy định về cơ chế, chế tài để đảm bảo thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát

Bàn về một số vướng mắc trong hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân (HĐND) theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, TS. Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập cho rằng, Luật Hoạt động giám sát hiện nay chưa quy định được cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chế tài trong thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Trong Luật Hoạt động giám sát hiện nay, chỉ có duy nhất Điều 89 quy định về đảm bảo việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Nhưng nội dung Điều 89 chưa quy định được chi tiết về cơ chế và chế tài để đảm bảo thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Cụ thể:

Khoản 1, Điều 89 quy định đăng tải kết luận, kiến nghị giám sát trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, không quy định các biện pháp khác để thông báo đến các bên liên quan về kết luận, kiến nghị giám sát.

TS.Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập

Khoản 2, Điều 89 quy định “Nghị quyết về giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện” nhưng chưa có giải thích rõ thế nào là “có giá trị pháp lý bắt buộc”. TS.Phạm Thái Hưng bày tỏ băn khoăn giá trị pháp lý bắt buộc ở đây có thể được hiểu theo nghĩa Nghị quyết giám sát là một dạng văn bản quy phạm pháp luật hay một hình thức giá trị pháp lý, trách nhiệm pháp lý nào khác? Nếu như đã có “giá trị pháp lý” thì trong trường hợp đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện Nghị quyết giám sát thì có được coi là đã vi phạm pháp luật hay không (vì không thực hiện theo nội dung “có giá trị pháp lý bắt buộc”)? Và nếu là vi phạm pháp luật thì việc truy cứu trách nhiệm sẽ thực hiện theo cơ sở nào, theo luật nào? TS.Phạm Thái Hưng cho rằng, đây là những vấn đề rất khó và phức tạp, nếu không giải quyết một cách cơ bản trong Luật thì sẽ khó để Nghị quyết giám sát có hiệu lực thực thi.

Khoản 3, Điều 89 quy định trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Nhưng không rõ “xử lý theo thẩm quyền” là như thế nào. “Nếu cơ quan chấp hành của HĐND là UBND không thực hiện theo kết luận giám sát thì xử lý theo thẩm quyền của HĐND, có nghĩa là có thể bãi nhiễm UBND (vì HĐND bầu ra UBND là cơ quan chấp hành thì có quyền bãi miễn, đó là thẩm quyển của HĐND) hay là hình thức xử lý nào khác? Nếu lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là một hình thức xử lý thì lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm không nên được xem là một hoạt động giám sát như hiện nay (khoản 5, Điều 57)”, TS.Phạm Thái Hưng bày tỏ.

Ngoài ra, nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự giám sát của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương mà HĐND không đủ thẩm quyền để xử lý việc không thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát mà phải “kiến nghị cơ quan có thẩm quyền” thì cơ quan này sẽ là cơ quan nào? Vì đối tượng chịu sự giám sát của HĐND là Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cùng cấp, và Hội đồng nhân dân cấp dưới. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền ở đây không phải là UBND, các cơ quan tư pháp cùng cấp mà phải là cấp cao hơn. Tuy nhiên. TS.Phạm Thái Hưng nhận thấy, cấp cao hơn để HĐND có thể “kiến nghị cơ quan có thẩm quyền” xử lý việc không thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát là cấp nào thì không rõ ràng.

Đề xuất các biện pháp đảm bảo thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát

Vì vậy, để tăng hiệu lực của các kết luận, kiến nghị giám sát, đảm bảo giám sát thực chất và có hiệu quả, rất cần nghiên cứu đề xuất các biện pháp đảm bảo thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND. TS.Phạm Thái Hưng đề xuất cần nghiên cứu một số hướng sau:

Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức phiên giải trình - giám sát về kết quả thực hiện một số kiến nghị tại Nghị quyết giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, cần thiết phải quy định cụ thể về công bố các kết luận, kiến nghị giám sát. Thay vì chỉ công bố kết luận, kiến nghị giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng, TS. Phạm Thái Hưng cho rằng, cần có những kênh công bố thông tin phong phú và có hiệu quả hơn để đảm bảo kết luận, kiến nghị giám sát được thông báo đến các bên có liên quan, là nền tảng để các bên liên quan có thể theo dõi tiến độ, kết quả của việc thực hiện các kết luận, khuyến nghị giám sát.

Thứ hai, cần thiết phải có quy định về cơ chế theo dõi thực hiện các các kết luận, kiến nghị giám sát để định kỳ theo dõi và cập nhật tiến độ thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát. HĐND là cơ quan giám sát nên HĐND là cơ quan phù hợp để xây dựng và quản lý hệ thống theo dõi thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát. Hệ thống này gồm các kết luận, kiến nghị giám sát từ các hoạt động giám sát của HĐND, cho phép theo dõi, cập nhật được tiến độ triển khai thực hiện. Với số lượng khá lớn các hoạt động giám sát trong một nhiệm kỳ của HĐND thì việc xây dựng hệ thống theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát là rất cần thiết.

Thứ ba, nghiên cứu cơ chế để phát huy sự tham gia của người dân đối với theo dõi, giám sát thực hiện các kết luận, khuyến nghị giám sát, nhất là các kết luận, khuyến nghị ở cấp cơ sở. Để người dân có thể theo dõi, giám sát được việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát thì các kết luận, kiến nghị giám sát cần phải được công bố đến người dân. Đồng thời, cần tạo ra cơ chế để người dân có thể phản ánh nhận xét, báo cáo về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Tăng cường sự giám sát của người dân sẽ là một công cụ quan trọng để nâng cao hiệu lực thực thi các kết luận, kiến nghị giám sát.

Thứ tư, quy định cụ thể về chế tài đối với việc không thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát. Các chế tài này sẽ gồm những chế tài thuộc thẩm quyền của HĐND (đối với các kết luận, kiến nghị thuộc dạng mà HĐND có thể “xử lý theo thẩm quyền”) và ngoài thẩm quyền của HĐND (với các kết luận, kiến nghị thuộc dạng HĐND “kiến nghị cơ quan có thẩm quyền” xử lý). Cụ thể:

- Với những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND thì chế tài cần gắn với quyền hạn của HĐND trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, bãi miễn các chức vụ do HĐND bầu. TS.Phạm Thái Hưng cho rằng, cần có quy đinh cụ thể gắn việc không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát đối với việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, bãi miễn các chức vụ cho HĐND bầu. Quy định như vậy để tăng hiệu lực của kết luận và kiến nghị giám sát, phù hợp với “thẩm quyền” của HĐND.

- Với những vấn đề khác nằm ngoài thẩm quyền của HĐND thì cần quy định rõ HĐND sẽ kiến nghị với cơ quan nào để xử lý việc không thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát. Khi đó, ý nghĩa của kiến nghị sẽ như thế nào để có thể đảm bảo “có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện” như tinh thần trong khoản 2, Điều 89 của Luật Hoạt động giám sát./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86220