CẦN PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN KẾT QUẢ GIẢM NGHÈO CHƯA BỀN VỮNG

Sáng 12/9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024, đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2021-2025 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự cuộc làm việc có Thường trực Ủy ban Xã hội, đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; đại diện một số bộ, ngành hữu quan.

Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, hạn chế

Báo cáo kết quả thực hiện một số chỉ tiêu theo Nghị quyết số 16/2021/QH52, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67,5%, tăng 3,0 điểm phần trăm so với năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 26,6% (theo Tổng cục Thống kê), tăng 2,5 điểm phần trăm so với năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị Quý II năm 2023 là 2,75%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2022 giảm 1,17% so với đầu kỳ (cuối năm 2021).

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh trình bày báo cáo

Về hoàn thiện chế, xây dựng chính sách, pháp luật, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong thời gian 2 năm (2021-2022), Bộ đã hoàn thành Chương trình công tác của Chính phủ, trình 53 Đề án, gồm bao gồm 02 đề án trình Ban Bí thư, 02 hồ sơ đề nghị xây dựng luật, 04 Nghị quyết của Quốc hội, 01 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 45 đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 51 thông tư và phối hợp ban hành 01 thông tư liên tịch. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng được tập trung thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.

Về lao động, việc làm, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo thực hiện Công điện số 1170/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động và triển khai Nghị quyết 06/NQ-CP. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội các tháng đầu 2023 có nhiều khó khăn song thị trường lao động nhìn chung tương đối ổn định, các chỉ số thị trường lao động vẫn có sự tăng trưởng nhẹ.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội và giảm nghèo bền vững, Bộ đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, huy động nguồn lực của xã hội, cộng đồng chăm lo đời sống người có công với cách mạng, nhất là trong dịp tết Nguyên đán; tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ bảo đảm thiết thực, trang trọng, ý nghĩa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Lĩnh vực xã hội tiếp tục được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; thu nhập của người dân còn ở mức trung bình thấp, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn; an sinh xã hội, giảm nghèo còn gặp nhiều thách thức. Mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân. Tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cần phân tích nguyên nhân dẫn đến kết quả giảm nghèo chưa bền vững

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, các đại biểu ghi nhận nỗ lực của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ tập trung thời gian và nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự án Luật Việc làm (sửa đổi); trình Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới. Tổng kết, đánh giá thi hành các Luật: Người cao tuổi, Người khuyết tật, An toàn, vệ sinh lao động.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại cuộc làm việc

Các đại biểu cũng cho rằng, cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, tăng khả năng kết nối cung - cầu trên thị trường; có giải pháp phân bố lao động phù hợp theo vùng nhằm sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực. Tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành một số văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết để đảm bảo luật được thực thi hiệu quả, thống nhất. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có sự rà soát khẩn trương để tham mưu kịp thời, sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo luật này được triển khai áp dụng nghiêm minh.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực an sinh xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, có những vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được khắc phục một cách triệt để, như tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, tình trạng gia tăng của các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm... Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng đề có những biện pháp căn cơ, dài hạn giải quyết các vấn đề này. Đồng thời, cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường giáo dục công nghệ thông tin cho lực lượng lao động để thích ứng với môi trường lao động trong thời đại mới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, hiện nay, mức lương cho người lao động chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu. Đây là vấn đề được cử tri, nhân dân phản ánh và đặc biệt quan tâm, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần có những quy định hợp lý để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Cùng với đó, cần xem xét, tìm hiểu kỹ nguyên nhân khiến việc giải ngân đầu tư không đạt yêu cầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ trong lĩnh vực lao động, việc làm, phòng, chống tệ nạn xã hội.

Tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà cho rằng, việc thực hiện các chương trình, kế hoạch giảm nghèo đã cơ bản đạt được các yêu cầu đề ra, tuy nhiên, qua giám sát, tỷ lệ giảm nghèo còn chưa bền vững, còn nhiều khả năng tái nghèo. Tình trạng tái nghèo, giảm nghèo không bền vững có phần nguyên nhân từ việc thực hiện chưa đầy đủ chính sách đề ra, cụ thể là các chính sách về dạy nghề, hỗ trợ lao động hộ nghèo, hỗ trợ y tế, chính sách nhà ở. Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát, phân tích nguyên nhân, đề xuất phương hướng sửa đổi chính sách, điều chỉnh việc thực hiện chính sách một cách kịp thời.

Ngoài ra, các đại biểu cũng phản ánh, mức trợ cấp xã hội so với chuẩn nghèo ở nông thôn còn thấp, đề nghị Bộ có giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, nâng mức trợ cấp xã hội để đảm bảo điều kiện sống đối với các đối tượng này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan phát biểu kết luận

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đánh giá cao các ý kiến phát biểu sâu sắc, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu. Thường trực Ủy ban Xã hội ghi nhận những nỗ lực và đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đồng thời đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu đầy đủ các ý kiến đã nêu trong cuộc làm việc, bổ sung nội dung, hoàn thiện báo cáo theo đúng các quy định của pháp luật, trong đó, làm rõ các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, đồng thời, có định hướng sửa đổi cụ thể đối với Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội để tháo gỡ vướng mắc, tạo chuyển biến tích cực và lâu dài đối với vấn đề này trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Quang cảnh cuộc làm việc

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại cuộc làm việc

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, hiện nay, mức lương cho người lao động chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà cho biết, qua giám sát, tỷ lệ giảm nghèo còn chưa bền vững, còn nhiều khả năng tái nghèo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý tham gia đóng góp ý kiến về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thành Trung phát biểu tại cuộc làm việc

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đánh giá cao các ý kiến phát biểu sâu sắc, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu đầy đủ các ý kiến đã nêu trong cuộc làm việc, bổ sung nội dung, hoàn thiện báo cáo theo đúng các quy định của pháp luật./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79742