Cần nhìn thẳng vào thói xấu của người Việt

Tính giả dối - tức gian trá - là một trong những thói xấu hàng đầu của người Việt. Gần đây, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm ở TP. Hồ Chí Minh công bố kết quả đề tài nghiên cứu về khảo sát giá trị người Việt trong thời kỳ hiện đại, đã nêu ra con số khảo sát: 87,6% người Việt đã thừa nhận mình có tính giả dối.

Những hình ảnh chen chúc xấu xí của người Việt.(ảnh minh họa)

Vụ Công ty Liên kết Việt bán hàng đa cấp mới bị phanh phui đáng được coi là một điển hình của giả dối gây chấn động dư luận. Chỉ trong thời gian ngắn, với các chiêu trò lừa đảo vừa tinh vi, quỷ quyệt, vừa thô thiển, “nhẹ nhàng”, một anh quân nhân khi xuất ngũ có quân hàm chuẩn úy đã dám "trơ trẽn" khoác lên người bộ quân phục để trở thành vị … đại tá lừng lẫy uy danh, mang chức vụ Tổng Giám đốc, và một chị vốn là dân thợ dám trở thành bà P. TGĐ đầy quyền uy bởi những đồng tiền lừa đảo được của người khác . Và chỉ bằng cái “mác” giả dối nêu trên, kết hợp với thói ranh ma và nước bọt, hai kẻ giả mạo nêu trên đã lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân một cách dễ dàng.

Rồi cái tệ lừa đảo buôn bán thực phẩm bẩn để kiếm bộn tiền và gieo rắc các bệnh hiểm nghèo cho đồng loại đang bùng phát dữ dội mấy năm nay… xuất phát từ sự giả dối đang bị dư luận xã hội và báo chí vạch trần, làm kinh hoàng thiên hạ.

Nói về tính giả dối thì có thể liệt kê ra không hết chuyện. Một cô gái Việt có học vấn hẳn hoi, mang danh hiệu mĩ miều, đi công tác ở một nước phương Tây, lại “cầm nhầm” hàng hóa ở siêu thị của họ, khiến cô bị tạm giữ! Rồi, bao nhiêu bản “thông cáo” viết bằng tiếng Việt chềnh ềnh ở những siêu thị, nhà máy, khách sạn, nơi ăn uống, khu du lịch tại Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, v. v… cảnh tỉnh người Việt về thói ăn cắp hàng hóa, đồ ăn, sự ồn ào, bất lịch sự, … của người Việt trên đất nước họ.

Mới rồi, một du học sinh Việt Nam tại Nhật đưa lên báo mạng, với tâm trạng tủi hổ: Đi tàu điện, hễ người Nhật phát hiện ai là người Việt, thì họ tìm chỗ khác ngồi tránh xa. Một nữ du học sinh Việt Nam tại Nhật viết: Từ khi có vụ việc chị N, tiếp viên hàng không vận chuyển hàng ăn cắp, nhiều sinh viên nước ngoài có cái nhìn không thiện cảm với SV Việt Nam. Lại vừa mới đây, có bức “tâm thư” của một du học sinh Nhật Bản tại Việt Nam, bức xúc về nhiều thói xấu của người Việt: vứt rác bừa bãi, giả dối, nói tục. v. v…

Trong chốn nghị trường, nói về tệ gian dối Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã phải ngao ngán mà thốt lên rằng: Trong giới quan chức, có quá nhiều “Hòa đại nhân”.

Biết bao vụ tham nhũng - từ những tham nhũng vặt hàng ngày (vòi vĩnh phí bôi trơn) diễn ra ở khắp các cơ quan, đơn vị hành chính công, đến những vụ tham nhũng cực lớn ở rất nhiều doanh nghiệp to, nhỏ lên đến cả hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng. Nhan nhản những thông tin buôn gian bán lậu, lừa đảo, lậu thuế, trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng… cùng bao nhiêu sự gian trá trên các lĩnh vực của đời sống, tệ ăn cắp giờ làm việc nơi công sở, v. v… thì cái thói gian trá - phải chăng là bản chất của rất đông người Việt, thậm chí là của hầu hết người Việt, chí ít là trong … thời đại ngày nay?/

Tôi có một cô học trò vốn là giáo viên đi lao động tại Liên Xô những năm 80 của thế kỷ trước. Trong nhiều bức thư cô gửi cho tôi, cô kể những thói xấu của lao động Việt Nam tại đất nước xô viết, như: buôn bán hàng giả, dối trá, lừa đảo không chỉ trong cộng đồng người Việt với nhau, mà còn cả với người Nga và người các nước khác; rồi tệ ăn cắp hàng hóa trong các siêu thị, v. v…khiến nước bạn rất khinh ghét. Những điều đó khiến cô rất bức xúc và xấu hổ. Vợ chồng cháu gái tôi sinh sống ở Đức, cũng kể rất nhiều chuyện không đẹp của người Việt bên ấy, như ăn cắp vặt, câu trộm cá trong hồ, bắt trộm chim bồ câu hoặc chó làm thức ăn và nhiều kiểu làm ăn gian dối khác. v. v…

Lời cảnh báo cho du khách Việt ở nước ngoài (ảnh minh họa)

Có thể nói, ngoài cách nói xã giao của người ngoại quốc đối với ta, thì bên trong, họ coi người Việt thường có tính tham lam, tắt mắt, gian dối và hay thất hứa. Cho nên, nếu bạn là người có tri thức và lòng tự trọng, thì chớ nên ngộ nhận những lời lẽ hoa mỹ xã giao của các bạn quốc tế đối với ta, nhất là khi họ đến đất nước ta, để mà xem đó là “sự thật”. Bởi, như các bạn biết đấy: Xã giao hay ngoại giao thì đều là nói tốt, nói “cho vừa lòng nhau”! Chả ai dại gì khi đến một quốc gia, mà lại chỉ nói cái xấu, cái yếu kém của quốc gia ấy- dù đó là những chuyện sờ sờ trước mắt!

Nhà văn, nhà nghiên cứu xã hội Vương Trí Nhàn đã viết một câu rất chí lý: “Thói xấu nhất của người Việt là rất ghét người khác nói về cái xấu của mình”! Vì tính sĩ diện, chúng ta thường tự khoe về mình nhiều quá, nào là đất nước “mấy nghìn năm văn hiến”, người Việt Nam có truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo, ham học, đoàn kết, v. v… Nhưng, những phẩm chất ấy có thật không? Có đúng với lịch sử hay không? Hay chỉ là sự ngộ nhận?

Chúng ta không có đại văn hào Lỗ Tấn như của Trung Quốc- người luôn “bàng hoàng”, “gào thét” (tên 2 tác phẩm bất hủ của Lỗ Tấn) bất bình về những trì trệ, thói hư tật xấu của người Trung Hoa, khát khao muốn người Trung Hoa bừng tỉnh để tiến tới văn minh, giàu mạnh. Chúng ta cũng chưa có Bá Dương, người Đài Loan, viết tác phẩm nổi tiếng “Người Trung Quốc xấu xí”, thẳng thắn phê phán những yếu kém về tính cách của người Trung Hoa. Bởi thế, đất nước Trung Quốc ngày nay, với trên 1,4 tỉ dân, đã vượt nước Nhật đứng vị trí thứ 2 trong các nước phát triển trên toàn thế giới! Có đối mắt để nhìn đời, nhìn người, nhìn chính bản thân mình và, nói như nhà thơ Tố Hữu: “Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu” thì phải biết nhìn thẳng vào cuộc sống, nhìn cho rõ, cho sâu, từ đó nói lên đúng bản chất của mỗi sự việc, vấn đề.

Nói cách khác: “Biết người, biết ta, thì trăm trận trăm thắng”. Cái cực kỳ nguy hại kìm hãm sự phát triển của mỗi con người và của cả dân tộc- chính là không biết, không dám nhìn thẳng vào sự thật, và còn nguy hại hơn- là không dám nói lên sự thật! Ngộ nhận những điều tốt đẹp mà bản thân mình không có, chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ và yếu kém của mỗi người, và cả một quốc gia! ĐÀO NGỌC ĐỆ

Giảng viên Đại học

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/can-nhin-thang-vao-thoi-xau-cua-nguoi-viet-539400.bld