Cân nhắc khi mở rộng diện tích trồng cây mắc-ca ở Tây Nguyên

Mắc-ca là loại cây mới được đưa vào trồng thử nghiệm ở Tây Nguyên khoảng 10 năm trở lại đây. Ở một số địa phương, cây mắc-ca phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế khá. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, mắc-ca là loài cây trồng mới nên cần phải có thêm nhiều nghiên cứu, đánh giá kỹ trước khi mở rộng diện tích.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến thời điểm hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đã trồng được hơn 2.260 ha cây mắc-ca, chiếm hơn 64% diện tích cây mắc-ca của cả nước. Diện tích cây mắc-ca ở Tây Nguyên tập trung chủ yếu ở ba tỉnh Lâm Đồng, Đác Nông và tỉnh Đác Lắc.

Tại một số vùng như huyện Krông Năng của tỉnh Đác Lắc; các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng; huyện Tuy Đức, tỉnh Đác Nông... người nông dân đã trồng xen mắc-ca trong vườn cà-phê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, vừa tăng thêm thu nhập cho người trồng và cải tạo môi trường sinh thái trong các lô cà-phê. Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Nguyễn Ngọc Long cho biết: Trước khi đưa cây mắc-ca vào trồng, lãnh đạo UBND huyện và các ngành chức năng đã đi tham khảo một số mô hình ở Đác Lắc và Lâm Đồng, thấy cây mắc-ca thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của huyện Tuy Đức. Bởi bình quân độ cao của huyện hơn 700 m so với mặt nước biển, khí hậu ôn hòa, mát mẻ phù hợp với cây mắc-ca, đồng thời phù hợp với phong tục tập quán canh tác của người đồng bào dân tộc bản địa ở đây. Ngoài ra, trồng cây mắc-ca không cần nhiều vốn đầu tư, công chăm sóc ít và là cây chịu hạn tốt...

Sau khi đưa cây mắc-ca vào trồng khảo nghiệm từ năm 2010 đến nay, các mô hình cây mắc-ca trên địa bàn huyện đều sinh trưởng và phát triển tốt. Vì vậy, UBND tỉnh đã quy hoạch phát triển diện tích cây mắc-ca trên địa bàn huyện Tuy Đức đến năm 2020 là 12 nghìn ha. Về phía UBND huyện cũng xác định, mắc-ca là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu này, các ngành chức năng của huyện và chính quyền các địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích nhân dân trồng cây mắc-ca thay thế các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế thấp hơn. Trong khi đó, đối với người dân địa phương, do lần đầu trồng cây mắc-ca và đến nay chưa một cơ quan nào hay một mô hình trồng khảo nghiệm nào trên địa bàn huyện khẳng định tính hiệu quả kinh tế của cây mắc-ca, nên họ không khỏi băn khoăn.

Ông Điểu Đắc, ở bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chia sẻ: Cả buôn hiện có 80 hộ đồng bào dân tộc M’nông. Kể từ khi chuyển đến định cư ổn định ở đây, gia đình nào cũng được huyện cấp đất, hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây mắc-ca. Theo dõi thực tế những năm qua cho thấy, trồng cây mắc-ca ít đầu tư phân bón và công chăm sóc hơn các loại cây trồng khác, nhưng cây vẫn xanh tốt. Vấn đề bà con băn khoăn là không biết năng suất, hiệu quả kinh tế của cây mắc-ca như thế nào. Thực tế trồng năm đến bảy năm cây mắc-ca mới cho thu hoạch, nhưng nếu không hiệu quả, phải chặt bỏ sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Cũng như một số địa phương khác ở Tây Nguyên, trong những năm qua nông dân ở một số huyện của tỉnh Đác Lắc đã đầu tư trồng mắc-ca, góp phần đa dạng hóa cây trồng và tăng thu nhập. Tuy nhiên, việc trồng mắc-ca cũng chỉ tự phát, trồng theo phong trào chứ chưa có một khảo nghiệm, đánh giá cụ thể nào về hiệu quả của loại cây này.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích cho biết: Việc phát triển cây mắc-ca trên địa bàn tỉnh cần phải hết sức thận trọng. Trước hết là diện tích đất trống để trồng mắc-ca không còn. Nhưng vấn đề quan trọng hơn, thời tiết đang ngày càng nóng lên ảnh hưởng đến việc ra hoa đậu quả của cây mắc-ca. Vì vậy, trước khi mở rộng diện tích cây mắc-ca cần phải có những nghiên cứu, khảo nghiệm chặt chẽ, thận trọng về loại cây này.

Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, đến nay vẫn chưa có kết quả nghiên cứu hay khảo nghiệm nào về hiệu quả kinh tế của cây mắc-ca ở Tây Nguyên. Do đây là loại cây trồng mới, yêu cầu khắt khe về điều kiện đất đai, khí hậu để ra hoa đậu quả so với các loại cây trồng khác cho nên cần phải có thêm nhiều nghiên cứu về đất đai, khí hậu, kỹ thuật, giống...

Người nông dân cần thận trọng không nên trồng ồ ạt dễ gây ra nhiều hệ lụy. Thế nhưng, do chạy theo phong trào, nhiều nông dân ở Tây Nguyên bất chấp khuyến cáo của các đơn vị chức năng, tiếp tục mở rộng diện tích, đưa cây mắc-ca vào trồng ở những vùng đất, khí hậu không thích hợp. Nghiêm trọng hơn, có hộ sử dụng các loại giống không rõ nguồn gốc, giống kém chất lượng nên cây phát triển nhưng không cho quả hoặc tỷ lệ đậu quả rất thấp.

Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến năm 2020, tổng diện tích trồng cây mắc-ca tại các tỉnh Tây Nguyên là 6.490 ha, trong đó trồng thuần chỉ có 550 ha, diện tích còn lại 5.940 ha trồng xen trong các vườn cà-phê, chè, gắn với xây dựng sáu cơ sở chế biến, với công suất từ 100 đến 200 tấn/năm/cơ sở. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo chính quyền cũng như nông dân các tỉnh Tây Nguyên cần thận trọng trước khi mở rộng diện tích cây mắc-ca, nhất là trồng thuần. Chỉ mở rộng khi đã có đầy đủ các nghiên cứu về đất đai, khí hậu, thời tiết, kỹ thuật canh tác và cây giống, đồng thời quy hoạch vùng trồng cho cây mắc-ca cần gắn với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm sản xuất có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho người trồng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33286502-can-nhac-khi-mo-rong-dien-tich-trong-cay-mac-ca-o-tay-nguyen.html