Cân nhắc 'được - mất' khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chỗ dựa cho người lao động (NLÐ) những lúc rủi ro khi đang làm việc và lúc về già không còn khả năng lao động. Tuy nhiên, việc gia tăng số người rút trợ cấp BHXH một lần là điều đáng lo ngại đối với hệ thống an sinh xã hội.

Triển khai chính sách BHYT xã an toàn khu
Giải pháp linh động giúp đẩy lùi tín dụng đen
Chính sách đi vào cuộc sống

Trước thực trạng NLÐ rút BHXH một lần gia tăng, phóng viên Báo Cà Mau trao đổi với bà Thái Thị Kim Thủy, Phó giám đốc BHXH tỉnh, để thông tin rõ hơn vấn đề này và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người tham gia để cân nhắc khi rút BHXH một lần.

Nhân viên Bảo hiểm Xã hội tỉnh hướng dẫn người dân làm các thủ tục liên quan đến bảo hiểm tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. (Ảnh minh họa)

- Thưa bà, xin bà cho biết rõ hơn về thực trạng rút BHXH một lần nói chung và trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Bà Thái Thị Kim Thủy: Năm 2023, ngành BHXH đã giải quyết chế độ BHXH một lần cho 1.202.714 người hưởng, tăng 20,58% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tỉnh Cà Mau, tình trạng này cũng không khá hơn, đa phần NLÐ là người đi làm ăn xa tại các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai... Trong năm 2023, cơ quan BHXH từ tỉnh đến huyện đã giải quyết cho 18.583 người nhận BHXH một lần, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 4.676 người tham gia BHXH tự nguyện nhận BHXH một lần. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, BHXH tỉnh đã giải quyết cho 2.787 người rút BHXH một lần, vấn đề này rất đáng lo ngại.

- Bà có thể cho biết nguyên nhân của sự gia tăng số người rút BHXH một lần?

Bà Thái Thị Kim Thủy: Do sau đại dịch Covid-19, kinh tế gia đình khó khăn, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều DN ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh nên cắt giảm lao động. Do đó, tình trạng lao động mất việc làm, thiếu việc làm tăng đáng kể. Vì vậy, để trang trải khó khăn trước mắt, NLÐ chọn rút BHXH một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cho cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận NLÐ vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có ngay khoản tiền với quan niệm tuổi đời còn trẻ “biết bao giờ mới nhận lương hưu”... nhưng rồi số tiền đó cũng đủ chi phí trong một thời gian và lại phải tiếp tục tham gia lao động. Thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của NLÐ mà còn tạo hệ lụy cho an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta bắt đầu già hóa.

Khi tham gia BHXH được nhà nước bảo hộ, người lao động được hưởng lương hưu khi về già, cũng như cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong chế độ hưu trí. (Ảnh minh họa).

- Theo bà, NLÐ cần cân nhắc gì khi rút BHXH một lần? Ngành BHXH có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?

Bà Thái Thị Kim Thủy: Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, NLÐ nên cân nhắc kỹ những điều được - mất. Số tiền nhận được khi rút BHXH một lần có thể giải quyết được nhu cầu trước mắt, nhưng sẽ ảnh hưởng nhiều quyền lợi mà NLÐ không thể lường hết. Khi không còn trong hệ thống tổ chức BHXH được Nhà nước bảo hộ, NLÐ mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, cũng như cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong chế độ hưu trí. Theo tính toán của cơ quan BHXH, nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần. Người thân của NLÐ cũng mất cơ hội được nhận trợ cấp tuất, mai táng nếu NLÐ không may gặp rủi ro.

Bên cạnh đó, NLÐ sẽ không được cộng nối thời gian tham gia BHXH khi NLÐ đã nhận BHXH một lần, nếu tiếp tục tham gia thị trường lao động, có đóng BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó, dẫn đến nếu NLÐ có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu (20 năm) khi hết tuổi lao động, hoặc nếu có đủ điều kiện thì mức hưởng lương hưu cũng không cao (không đủ thời gian để hưởng tỷ lệ tối đa là 75%). Cho nên, NLÐ hết sức cân nhắc khi nhận BHXH một lần, nếu không may mất việc thì bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện (được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng 10%-25%-30%, tùy trường hợp cụ thể) để được cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó, để khi tuổi già sẽ hưởng chế độ hưu trí. Và thời gian đóng BHXH càng nhiều thì mức hưởng sẽ càng cao.

Thời gian qua, với thực trạng NLÐ nhận BHXH một lần tăng nhanh qua các năm, ngành BHXH từ Trung ương đến địa phương có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng nêu trên, như đẩy mạnh truyền thông đến NLÐ và đồng thời đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa, giúp NLÐ nhận thức được những thiệt hại khi rút BHXH một lần. Mặt khác, công tác tuyên truyền, giải thích về chính sách BHXH không chỉ đẩy mạnh với NLÐ, mà được chú trọng với cả chủ sử dụng lao động; giữ chân NLÐ trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, không chỉ là quyền lợi của NLÐ mà còn là giải pháp để NLÐ gắn bó lâu dài với DN hơn, giúp DN chủ động được nguồn nhân lực. Song song đó, cơ quan BHXH cũng tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, yêu cầu chủ sử dụng lao động chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho NLÐ... Mỗi hồ sơ chuyển đến cơ quan BHXH làm thủ tục rút BHXH một lần sẽ được cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải thích, hướng dẫn để NLÐ hiểu sâu hơn về những thiệt thòi sẽ gặp phải, cũng như tư vấn thêm thông tin để NLÐ cân nhắc và lựa chọn có lợi nhất cho mình.

- Xin cảm ơn bà!

Quỳnh Anh - Băng Thanh - Lê Tuấn thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-nhac-duoc-mat-khi-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-a31811.html