Cần một quy trình bài bản

Sau 2 vòng thẩm định với quy trình tổ chức chặt chẽ, khắt khe, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố 32 cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được lựa chọn cho chương trình giáo dục phổ thông mới (SGK Tiếng Anh sẽ công bố sau) của 3 nhà xuất bản.

Bộ GD&ĐT đang trưng cầu ý kiến về dự thảo hướng dẫn chọn SGK, dự kiến ban hành vào tháng 12-2019. Căn cứ điều kiện của địa phương, UBND tỉnh sẽ xây dựng các tiêu chí, tiến hành quy trình chọn SGK phù hợp nhu cầu, điều kiện tổ chức dạy học.

Theo lộ trình, trước tháng 3-2020, các địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn trong danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT thông qua. Căn cứ vào đó, Sở GD&ĐT cùng nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các nhà trường và giáo viên, đồng thời các nhà xuất bản triển khai chương trình in ấn và xuất bản.

Tuy nhiên, những thông tin lùm xùm trước thời điểm Bộ GD&ĐT công bố các SGK, khiến dư luận không khỏi lo ngại về những biến tướng của việc cạnh tranh thiếu lành mạnh khi vận hành nhiều SGK ở nước ta.

Đó là, một số nhà xuất bản đã có động thái tổ chức hội thảo giới thiệu các bản thảo SGK, gửi công văn đến các địa phương đưa ra những “khuyến cáo” và “quảng cáo”. Thậm chí, có nơi giám đốc Sở GD&ĐT còn trực tiếp lên diễn đàn công khai ca ngợi hết lời về một bộ SGK.

Theo nhiều nhà biên soạn SGK, cần thống nhất nguyên tắc: Mọi cuốn SGK đều có cơ hội bình đẳng trên thị trường. Việc lựa chọn sách của các địa phương cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ. Điều quan trọng nhất và trên hết là lợi ích của người dùng SGK, lợi ích của sự nghiệp trồng người.

Do vậy, Bộ GD&ĐT cần công khai các ý kiến thẩm định SGK và công bố chế bản điện tử của SGK trên mạng để người dân có điều kiện đánh giá và tham gia vào việc lựa chọn sách cho con em họ học. Như vậy thì việc lựa chọn sách sẽ không phụ thuộc vào quyết định của một số ít người và có thể hạn chế được tình trạng đi tắt, “chạy cửa sau”.

Bộ GD&ĐT cũng chia sẻ quan điểm sẽ không quy định mỗi địa phương chọn một hay nhiều bộ SGK trong dự thảo thông tư hướng dẫn chọn sách. Điều này tạo cơ hội chủ động cho các địa phương lựa chọn SGK đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương. Thông tư sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn SGK, bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỉ lệ đa số là giáo viên trực tiếp gảng dạy của môn học, cấp học.

Mặt khác, các địa phương có tối thiểu 6 tháng để các nhà trường, giáo viên thực hiện thực nghiệm bộ SGK được lựa chọn ở địa phương trong thực tế dạy học và hiệu chỉnh SGK trước khi đưa vào in ấn, xuất bản và tiến hành giảng dạy đại trà.

Trước ý kiến quan ngại tình huống các địa phương chọn phương án an toàn khi chỉ chọn một bộ SGK để sử dụng cho tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh/thành của mình, Bộ GD&ĐT cho rằng: Nếu ở mỗi tỉnh hoặc mỗi trường, giáo viên chỉ dạy theo một quyển SGK thì đó thực chất vẫn là “một chương trình, một bộ SGK”. Các địa phương cần có biện pháp để thư viện trường có đủ các bộ SGK cho giáo viên, học sinh mượn, sử dụng tại lớp. Khi đó, giáo viên sẽ lựa chọn những bài phù hợp nhất ở những quyển SGK khác nhau để dạy cho học sinh của mình. Như vậy mới phát huy được tính ưu việt của chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”.

Thiết nghĩ, ngoài quy trình lựa chọn SGK chặt chẽ, Bộ GD&ĐT cần có quy định bảo đảm nguồn cung ứng SGK theo nhu cầu của học sinh và các cơ sở giáo dục; cung cấp đúng thời điểm và giá bán hợp lý, đặc biệt là đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-mot-quy-trinh-bai-ban/