Cần một biểu trưng riêng cho du lịch Việt Nam

Ngày 8-11, một trong những hoạt động của Quốc hội là thảo luận tại tổ về dự thảo Luật du lịch (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những đề xuất chưa được quy định trong dự thảo lần này, từ việc quy định về biểu trưng du lịch, sử dụng đồng tiền Việt Nam trong du lịch..., cho đến việc xiết chặt hoạt động du lịch chui bằng luật, góp phần giúp ngành du lịch phát triển.

Quy định về sử dụng tiền Việt góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chia sẻ một số điểm cần bổ sung trong dự thảo Luật du lịch (sửa đổi).

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, cần quy định về biểu tượng của ngành du lịch Việt Nam trong dự thảo. Trong khi các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan… đều có biểu tượng để du khách nhìn vào là nhận ra ngay, còn Việt Nam khi thì sử dụng hình ảnh cô gái đội nón, lúc hình ảnh khác. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các cơ quan quản lý cấp bộ về du lịch không tham dự được, việc đi hội chợ triển lãm xúc tiến du lịch quốc tế mạnh tỉnh nào tỉnh ấy đi và quảng bá hình ảnh địa phương, như tỉnh Quảng Bình thì chỉ đưa hình ảnh Phong Nha Kẻ Bàng… “Vậy đâu là hình ảnh biểu trưng của Việt Nam thì ta chưa có, nên tôi nghĩ luật cũng nên quy định một điều về biểu trưng, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Điều thứ hai đại biểu Hạ băn khoăn là ở những vùng biển, nơi ngư trường truyền thống, bao nhiêu đời người dân gắn bó với bến nước bãi đầm, nhưng khi bãi biển được giao cho doanh nghiệp làm du lịch, thì người dân, đặc biệt là trẻ em mất nơi vui chơi truyền thống, người dân mất đi ngư trường truyền thống. Nên tính toán điều này để thể hiện trong luật, đại biểu Hạ đề xuất.

Thứ ba, theo đại biểu Tạ Văn Hạ, sau khi xảy ra nhiều vụ cháy trên du thuyền, đuối nước khi đi tắm biển, du khách đến Việt Nam bị tử nạn…, cần quy định rõ hơn về an ninh, an toàn du lịch trong dự thảo Luật du lịch. Du khách nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam đi du lịch, điều quan trọng là họ phải được an toàn.

Đại biểu Hạ còn cho rằng cần thiết phải đó là quy định về việc du khách phải sử dụng tiền Việt Nam khi du lịch. Theo ông, quy định như thế thì mới thể hiện việc thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài chuyện kinh tế, mỗi đồng tiền đều có giá trị lịch sử, văn hóa. Khi du khách sử dụng tiền họ sẽ phải tìm hiểu, và sẽ cảm nhận sự thân thiện, giao lưu với Việt Nam.

Ngoài ra, theo đại biểu Hạ, hướng dẫn viên du lịch không chỉ là người hướng dẫn bình thường mà là đại sứ mang hình ảnh con người văn hóa Việt Nam đến với du khách, đòi hỏi phải có kỹ năng, trình độ và hình thức để thu hút du khách. Ngoài việc quy định đổi thẻ 5 năm một lần, đại biểu Hạ cho rằng, mỗi lần đổi thẻ hướng dẫn viên cần được bồi dưỡng lại, vì ngoài việc nắm bắt các kiến thức du lịch còn phải hiểu biết về kinh tế - xã hội của đất nước và phải được cập nhật thường xuyên.

Cuối cùng, việc xếp hạng dịch vụ du lịch, theo đại biểu Hạ, nên để cho các hội và hiệp hội chuyên ngành du lịch tự tôn vinh đánh giá, chứ không giao cho sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. “Như thế sẽ tạo cơ chế xin cho, nhiều điểm du lịch, khách sạn xếp hạng 5 sao nhưng không xứng đáng. Cán bộ sở cũng không đủ người để làm hết những việc này”, đại biểu này nói.

Không nên hạ tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch

Đại biểu Võ Thị Như Hoa phát biểu trong phiên họp tổ.

Theo đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), những địa phương có du lịch biển như Đà Nẵng, Nha Trang tình hình quản lý hoạt động du lịch rất bất cập do chúng ta thiếu các quy định nên hướng dẫn viên du lịch hoạt động chui rất nhiều. Đà Nẵng không thể kiểm soát được.

Trong dự thảo luật lần này, bà Hoa cho rằng nên đưa ra các quy định để quản lý được hoạt động này vì đây đang là vấn đề rất nóng về du lịch hiện nay. Nhưng qua xem xét dự thảo, bà Hoa chưa thấy có những điều khoản cụ thể để đưa hoạt động du lịch vào nề nếp.

Dự thảo luật du lịch sửa đổi đề xuất hạ tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch so với luật hiện hành. Đối với người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch trước đây tiêu chuẩn trình độ phải là cử nhân, bây giờ hạ xuống trung cấp chuyên ngành du lịch.

Đại biểu Hoa không đồng tình với giải trình của Chính phủ về việc hạ chuẩn là lý do nữa là hiện nay đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam thiếu. “Vì chúng ta chỉ thiếu ở một số ngôn ngữ như Đức hoặc những thứ tiếng đặc biệt, còn tiếng Anh không thiếu, rất nhiều, thậm chí chúng ta không quản lý được mà họ hoạt động chui”, đại biểu Hoa nói.

Về hướng dẫn viên du lịch, dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) quy định ba điều kiện: có thẻ hướng dẫn viên du lịch, có hợp đồng đối với doanh nghiệp lữ hành và sử dụng ngôn ngữ phù hợp với khách du lịch. Theo đại biểu Hoa, quy định rất dễ dàng và chung chung. “Việc quy định này tạo điều kiện thuận tiện để thu hút nhiều người làm nghề hướng dẫn viên, nhưng liệu chúng ta có quản lý được không?”, đại biểu Hoa đặt câu hỏi. Nếu đưa ra quy định mở như thế này thì đồng thời phải có quy định quản lý thật chặt chẽ, nếu không thì các hoạt động du lịch vẫn diễn biến như tình trạng vừa rồi, đại biểu Hoa đề xuất.

Theo bà Hoa, dự thảo luật cũng không quy định rõ thẻ hướng dẫn viên do Việt Nam cấp hay nước ngoài cấp. Liệu nước ngoài cấp thẻ cho hướng dẫn viên vào Việt Nam có được không?

Quy định về thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ khách du lịch ở từng địa phương cũng bị nhiều đại biểu phản đối do điều này sẽ làm phình bộ máy Nhà nước và tiêu tốn ngân sách đọa phương. Theo bà Hoa, chỉ nên thành lập lực lượng bảo vệ ở các khu du lịch thôi và nên giao lại việc thành lập llực lượng này cho chính các khu du lịch đó.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31209802-can-mot-bieu-trung-rieng-cho-du-lich-viet-nam.html