Cần làm gì khi bị tụt huyết áp?

Khi gặp tình trạng tụt huyết áp cần để bệnh nhân nằm xuống một mặt phẳng và để đầu thấp hơn chân giúp máu đưa về não dễ hơn. Với người bệnh đái tháo đường cần thử đường huyết để loại trừ khả năng tụt đường huyết.

Tụt huyết áp có biểu hiện gì?

Huyết áp là áp lực máu trong động mạch giúp đưa máu đến nuôi dưỡng các cơ quan khác trong cơ thể. Với người bình thường, huyết áp 110/70 mmHg ≤ huyết áp ≥ 130/80 mmHg. Khi huyết áp xuống dưới 90/60mmHg một cách liên tục qua nhiều lần đo thì sẽ được gọi là tụt huyết áp.

Tình trạng tụt huyết áp khiến lượng máu tưới lên não cũng các cơ quan khác của cơ thể không đủ cùng với đó không cung cấp đủ lượng oxy và các chất dinh dưỡng khác. Người bị tụt huyết áp sẽ có biểu hiện như:

Đau đầu
Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng
Mệt mỏi
Tim đập nhanh
Đau ngực
Hồi hộp

Nặng hơn nữa có thể gặp tình trạng: Lơ mơ, lú lẫn, mất ý thức hoặc ngất xỉu.

ThS.BS Nguyễn Thu Huyền hướng dẫn cách xử trí khi gặp tình trạng tụt huyết áp.

Vì sao bị tụt huyết áp?

Tụt huyết áp đột ngột có thể do một số nguyên nhân sau:

Giảm thể tích tuần hoàn: Xảy ra khi bị mất máu (tai nạn, xuất huyết nội tạng…) bệnh thiếu máu, mất nước (tiêu chảy, sốt cao)
Tụt huyết áp do bệnh tim: Tim bơm máu kém vì bị suy tim, viêm cơ tim, nhịp tim chậm… gây hạ huyết áp
Tụt huyết áp do thuốc tây: Dễ gặp khi dùng thuốc điều trị huyết áp cao quá liều

Tụt huyết áp có thể dễ gây tai biến như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Do vậy khi gặp tình trạng tụt huyết áp đột ngột cần có biện pháp xử trí.

Tụt huyết áp cần làm gì?

Nếu trường hợp bị tụt huyết áp đột ngột do chấn thương mất máu cần bù máu kịp thời bằng cách đưa bệnh nhân cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu tụt huyết áp do tiêu chảy mất nước nhiều thì cần bù nước, dung dịch điện giải cho người bệnh.

Vào mùa hè, thời tiết nóng nực có thể dễ xảy ra tình trạng mất nước. Khi gặp người bệnh tình trạng tụt huyết áp cần nhanh chóng xử lý bằng cách:

Để bệnh nhân nằm trên bề mặt phẳng cứng, nằm đầu thấp hơn chân có thể gác hai chân lên ghế hoặc kê cao chân nhằm giúp đưa máu lên não dễ hơn.
Cần thử đường máu cho bệnh nhân đặc biệt ở người có bệnh nền đái tháo đường để loại trừ trường hợp hạ đường huyết.
Uống một cốc trà gừng ấm hoặc một cốc nước có vị mặn, đồ ăn mặn hoặc uống nhiều nước để tăng nhịp tim, tăng khối lượng tuần hoàn để tăng huyết áp. Đây là cách giúp người bệnh tăng huyết áp tạm thời
Sau khi sơ cứu thấy tình trạng của bệnh nhân có dấu hiệu đã được cải thiện hãy đỡ bệnh nhân từ từ ngồi dậy, tránh đột ngột.
Đồng thời cần nhắc nhở bệnh nhân cử động chân tay trước khi ngồi dậy.
Nếu không thấy bệnh nhân đỡ hơn sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được khá và điều trị kịp thời.

Giảm cơn tăng huyết áp với những cách làm đơn giản! | SKĐS

ThS.BS Nguyễn Thu Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-lam-gi-khi-bi-tut-huyet-ap-169240416161604239.htm