Cần làm gì khi bị chó, mèo cắn, cào?

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Cần tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

- Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Khi bị chó cắn, người dân cần khẩn trương sơ cứu và đi tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa

* Khi bị chó, mèo cắn cần:

+ Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

+ Nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, tiêm huyết thanh kháng dại theo chỉ định của bác sĩ.

+ Tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị. Không nặn máu từ vết thương, không bôi, đắp bất cứ dung dịch, lá thuốc theo quan niệm dân gian để tránh nhiễm trùng vết thương và khiến virus xâm nhập sâu hơn.

+ Tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, đặc biệt là trẻ em cách phòng tránh bị chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

- Những biểu hiện bất thường, nghi ngờ mắc dại của chó: chó dễ kích động, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài, dữ tợn, điên cuồng; cắn, gặm bừa bãi, bỏ ăn, chảy nhiều nước dãi…

Khi phát hiện chó có những biểu hiện trên, người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202404/can-lam-gi-khi-bi-cho-meo-can-cao-5f72510/