Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trước thời tiết sương mù dày đặc

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sương mù là một trong số hơn 20 loại hình thiên tai thường gặp ở Việt Nam. Trên thực tế, những ngày có sương mù bao phủ ở Hà Nội cũng không phải là hiếm.

Sương mù được hình thành như thế nào?

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt Trái đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km. Thông thường, sương mù màu trắng, nhưng ở một số khu vực có thể có màu vàng đục hay xám.

Hiện tượng sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí, khi người dân hít phải nó, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương, khớp.

Theo các chuyên gia khí tượng sương mù thường xuất hiện vào buổi sáng sớm khi mặt trời chưa lên hay buổi chiều muộn của mùa Đông.

Hiện tượng sương mù làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km (Ảnh: Xuân Quý)

Dựa vào các phương thức giảm nhiệt để tạo nên sự ngưng tụ trong khí quyển, có thể chia ra làm 4 loại: Sương mù bình lưu, hình thành bởi một lớp không khí nóng di chuyển bên trên bề mặt của khối không khí lạnh, khiến cho lớp không khí nóng đó dần lạnh đi và ngưng tụ lại tạo hiện tượng sương mù.

Sương mù bức xạ, xuất hiện nằm sát mặt đất và tan nhanh khi mặt trời vừa ló dạng. Được hình thành sau những đêm yên tĩnh, mây trời quang đãng. Mặt đất sẽ dịu nguội đi do quá trình bức xạ nhiệt. Khi đó, lớp không khí gần mặt đất sẽ trở nên lạnh hơn. Hơi nước lúc này ngưng tụ lại thành những hạt nhỏ tạo nên sương mù lơ lửng sát mặt đất.

Sương mù bốc hơi, được hình thành tại các biển, hồ nước, sông, suối... khi khối không khí lạnh di chuyển phía trên mặt nước ấm áp, nóng hơn so với luồng không khí này. Lượng nước từ đấy gặp nhiệt độ cao tăng tốc độ bốc hơi và ngưng tụ tạo thành làn sương mù trên các mặt hồ.

Sương mù front, hình thành trong quá trình khi front nóng đi qua tạo ra mưa, sự bay hơi của các giọt nước mưa vào không khí sẽ tạo nên sự bão hòa, đồng thời áp suất giảm mạnh. Không khí lúc này sẽ giãn nở và trở nên lạnh đi. Hơi nước ở sát mặt đất sẽ ngưng tụ tạo thành sương mù.

Các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước sương mù dày đặc

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, guyên nhân xuất hiện sương mù, do sự chênh lệch về độ ẩm và nhiệt độ của không khí. Vào mùa Đông, nhiệt độ không khí thấp và độ ẩm không khí cao kết hợp với tốc độ gió vào mùa đông rất yếu, thậm chí không có gió. Đây là 3 yếu tố quan trọng để hình thành sương mù.

Ngoài ra, rủi ro thiên tai do sương mù cấp độ 1 gồm các trường hợp sau: Cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa dưới 50 m trở lên, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên biển, trên sông trên đường cao tốc hoặc khu vực sân bay; Cảnh báo rủi ro thiên tai do sương mù dày đặc, tầm nhìn xa từ 50 m trở lên, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông hoặc đường đèo núi.

Khi người dân hít phải không khí từ sương mù cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương, khớp (Ảnh: Xuân Quý)

Bên cạnh đó, rủi ro thiên tai do sương mù dày đặc cấp độ 2 xảy ra khi cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa dưới 50m, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên đường cao tóc hoặc khu vực sân bay.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo, trong những ngày sương mù dày đặc, người dân nên có những biện pháp phòng ngừa kịp thời như:

- Tránh ra đường quá sớm vào buổi sáng

- Sử dụng khẩu trang y tế để ngăn chặn khí độc trong sương

- Cần đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh hô hấp để tránh trở nặng và nguy hiểm

- Giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt; vệ sinh cá nhân thường xuyên;

- Không phơi quần áo ngoài trời để qua đêm; thực hiện việc là quần áo để tiêu diệt nấm mốc bám trên áo quần...

Xuân Quý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/can-lam-gi-de-bao-ve-suc-khoe-truoc-thoi-tiet-suong-mu-day-dac--i359445/