Cần kiểm soát tốt môi trường trong khu công nghiệp

Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng các khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Sự phát triển của ngành đã góp phần thúc đẩy nhiều ngành nghề, lĩnh vực và giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ 3 từ phải sang) đi kiểm tra khu xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Formosa (H.Nhơn Trạch)

Tuy nhiên, đây cũng là áp lực lớn với môi trường. Kiểm soát tốt các nguồn thải là giải pháp phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm.

* Vẫn còn những áp lực

Cuối tháng 8-2023, UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,1 tỷ đồng, đồng thời áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động phát sinh nguồn thải 3 tháng đối với một công ty sản xuất kính, bóng đèn tại KCN Sông Mây (H.Trảng Bom). Theo biên bản xử phạt, công ty đã xả thải trái phép nước thải vào hệ thống thoát nước mưa của KCN. Trong nước thải có chứa thông số florua (chất thải nguy hại) vượt quy chuẩn kỹ thuật gần 40 lần.

Cũng tại H.Trảng Bom, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai và các ngành chức năng đang phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng KCN Bàu Xéo xem xét hành vi, mức độ vi phạm của một công ty sản xuất gỗ. Thông tin ban đầu, công ty này xả khí thải trái phép ra môi trường.

Cả 2 công ty trên đều từng bị bắt quả tang hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng vẫn tái phạm.

Đồng Nai hiện có 31 KCN với hơn 1,7 ngàn dự án đang hoạt động. Bên cạnh những doanh nghiệp (DN) tuân thủ tốt các quy định về môi trường, vẫn còn những DN chưa quan tâm đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, thậm chí xả thải, chôn hoặc đốt chất thải trái quy định.

Các KCN tại Đồng Nai có lượng chất thải phát sinh hàng ngày là 145 ngàn m3 nước thải, gần 500 tấn chất thải nguy hại, hơn 1,8 ngàn tấn chất thải công nghiệp thông thường.

Theo Sở TN-MT, hiện còn 6 KCN chưa lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc nước thải tự động, 9 trường hợp khác thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống này cũng chưa thực hiện vì chưa hết thời hạn. Tại các KCN cũng còn 11 DN đang hoạt động chưa đấu nối nước thải về khu xử lý tập trung. Về khí thải, có 17/50 cơ sở chưa lắp quan trắc tự động khí thải. Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại, mặc dù tỷ lệ thu gom đạt cao nhưng phần nhiều chở đi nơi khác xử lý.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết, hiện các KCN đã đầu tư hơn 2,3 ngàn tỷ đồng cho hạng mục xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư quan trắc tự động cho các KCN để giám sát chất lượng nước thải sau xử lý. Định kỳ và đột xuất, các đơn vị chức năng thực hiện thu mẫu nước thải tại khu xử lý của các KCN, thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường khoảng 250 DN/năm.

Cũng theo ông Đức, kết quả kiểm tra, giám sát những năm gần đây cho thấy, phần lớn các DN chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Đối với những trường hợp vi phạm môi trường, tỉnh kiên quyết xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả.

* Kiểm soát chặt các nguồn thải

Đồng Nai rất quan tâm và có nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường tại các KCN. Điển hình như việc đầu tư cho 25 KCN hệ thống quan trắc tự động nước thải, kiên quyết chấm dứt hoạt động của KCN Biên Hòa 1...

Chất thải dù nguy hại hay không đều phải quản lý, xử lý theo quy trình và đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn. Đối với chất thải có chứa thành phần nguy hại, buộc phải đăng ký xử lý tại đơn vị có chức năng và được cơ quan chức năng cấp giấy phép. Với chất thải thông thường, chủ nguồn thải có thể đăng ký tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý, tái chế. Riêng với khí thải, chủ nguồn thải phải đầu tư hệ thống xử lý, lọc khí trước khi xả ra môi trường.

Một doanh nghiệp tại H.Trảng Bom xả khí thải ra môi trường

Đại diện Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (thuộc KCN Nhơn Trạch 5, H.Nhơn Trạch) cho biết, đặc thù của Hyosung là hoạt động B2B (Business to business - hình thức kinh doanh giữa DN với DN), sản phẩm của Hyosung là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác. Do đó, DN chú trọng sử dụng nước và tài nguyên hiệu quả nhất, giảm xả thải thông qua ứng dụng công nghệ để đồng xử lý chất thải; tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, hiện công tác bảo vệ môi trường tại các KCN cơ bản đi vào nền nếp, tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn đạt tỷ lệ cao. DN có ý thức về sản xuất sạch, phát triển bền vững ngày càng nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn những vụ việc gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến môi trường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai và các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác giám sát; thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của DN. Nâng cao công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường với các dự án mới. Đồng thời, đôn đốc, yêu cầu các KCN hoàn thành đấu nối nước thải về khu xử lý tập trung, lắp đặt quan trắc tự động.

Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ngành quy định, hướng dẫn cụ thể các giải pháp về quy hoạch quản lý chất thải rắn công nghiệp mang tính vùng và tập trung, hạn chế việc vận chuyển chất thải đi xa, xử lý phân tán tại nhiều cơ sở nhỏ dễ tạo điều kiện cho vi phạm pháp luật, khó kiểm soát; hướng dẫn xây dựng các tiêu chí sàng lọc, tiếp nhận các dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Lê An

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/can-kiem-soat-tot-moi-truong-trong-khu-cong-nghiep-a6e52ce/