Cần khép tội hình sự hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

SGTT.VN - “Mặc dù chất kích thích tạo nạc nằm trong danh mục cấm, nhưng lại chưa có biện pháp chế tài đủ sức răn đe nên việc sử dụng, mua bán vẫn diễn ra tràn lan. Đã đến lúc cơ quan chức năng phải đưa chất cấm vào luật, xử lý hình sự những đối tượng vi phạm…” là những nội dụng chính được bàn thảo trong hội thảo nói không với chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi do hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam tổ chức ngày 13.4 tại TP.HCM.

Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chứa chất tạo nạc. Ảnh: VNN

Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Lã Văn Kính, viện phó viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam khẳng định nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có chứa chất tạo nạc (clenbutarol) sẽ nguy hiểm đến sức khỏe như: làm tăng nhịp tim, dãn cơ tử cung, hay hồi hộp lo lắng, hại cho hô hấp. Ngoài ra, chất này còn tồn dư trong nuớc tiểu kéo dài đến 5 ngày, gan 20 ngày, võng mạc 30 ngày. Trên thế giới, Clenbutarol chỉ được dùng ở động vật thi đấu trong một số môn thể thao như ngựa, bò để tăng cường hô hấp khi đua, chạy.

Tuy nhiên, ông Kính không nói khi người ta ăn bao nhiêu thịt, và loại thịt bội nhiễm tới đâu để có thể mắc những nguy cơ trên.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học lĩnh vực thú y, các động vật như heo, gà, bò… cho ăn chất chứa clenbutarol có tác dụng chính là giảm mỡ, giảm độ dày mỡ ở lưng, mông; đùi to, nhiều nạc, màu sắc đỏ hơn.

Thời gian qua, nhiều người chăn nuôi cố ý đưa chất này trộn cho heo ăn để có tỷ lệ nạc cao hơn, giá bán chênh lệch 2.000-4.000 đồng/kg so với loại heo không ăn chất này. Một số ý kiến cho rằng, vì có lợi nhuận cao hơn nên các khâu từ doanh nghiệp, người chăn nuôi, thương lái, tiểu thương đều có lý để sử dụng. Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết, từ 2002 người chăn nuôi đã biết sử dụng chất cấm này chứ không phải đến hôm nay mới phát hiện. Thời điểm này, thông tin rộ lên cho đây là "thần dược". Sau đó, Nhà nước liệt vào danh sách cấm sử dụng nhưng lại không có cách nào kiểm tra, giám sát được. Chính vì vậy, chỉ bằng mắt thường thì dân trong nghề cũng biết con heo nào được cho ăn chất tăng trọng, con nào không. Thương lái, người bán cũng biết thịt nào có hay không có chất cấm vì màu sắc, chất lượng miếng thịt có nhiều điểm khác biệt. “Tôi cho rằng cần phải giảm sát đối tượng này và yêu cầu cam kết không bán!”, ông Bình đề nghị.

Ở góc độ người chăn nuôi, theo ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người chăn nuôi đang gặp bất lợi từ những thông tin về chất tăng trong thời gian qua. Thời điểm này, mỗi con heo bán ra đang bị lỗ ít nhất 500.000 - 1 triệu đồng. Ông Công cũng cho rằng, qua kiểm tra xét nghiệm, các cơ quan chức năng chỉ phát hiện có khoảng 3% số trại sử dụng, nhưng thông tin chất cấm lại đang gây thiệt hại đến cả ngành chăn nuôi. Chính vì vậy, ông đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc trấn an người tiêu dùng, đồng thời đưa ra các hình thức chế tài thích đáng đối với người sử dụng.

Theo ông Công, cần phải khép vào tội hình sự cho những hành vi này. Cũng đồng tình với ý kiến này, ông Trần Tiến, phó tổng giám đốc công ty CP nói đã đến lúc chúng ta nên mời cơ quan luật pháp tham gia vào kiểm soát chất tăng trọng và nên xây dựng luật pháp cho hoàn chỉnh, xử lý dân sự, hình sự rõ ràng.

Theo ông Lê Bá Lịch, chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, chỉ có các công ty nhỏ lẻ, ít tên tuổi mới lén lút sử dụng các chất này. Ngoài sử dụng trực tiếp, chất tạo nạc còn được trộn vào thức ăn, vào các chất bổ sung (bremix, các chất khoáng…) Một số ý kiến khác thì cho hay, thời gian qua, các cơ quan chức năng chỉ phát hiện chất kích thích tạo nạc ở dạng túi nguyên chất. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay chất Clenbutarol còn được trộn vào bremix, đang được rất nhiều công ty nhỏ lẻ bán trực tiếp cho các trại sử dụng. Và hầu như trại chăn nuôi heo nào nếu tự mua nguyên liệu trộn thức ăn cũng phải sử dụng bremix. Giám đốc một doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cho biết ở khu vực miền Đông mọc lên vô số công ty chuyên làm bremix. Nguyên tắc sản xuất bremix là phải có nhà máy thiết bị hiện đại, công thức các chất vitamin, chất khoáng… đưa vào phải đạt tiêu chuẩn. Nhưng doanh nghiệp ở Việt Nam vì hám lợi nên đưa cả chất tăng trọng chứa Clenbutarol vào để bán được hàng.

Ông Lã Văn Kính khẳng định, chất clenbutarol trộn vào thức ăn nếu cho gà, bò, thậm chí cá ăn cũng có tác dụng kích thích tăng trưởng giống như heo.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/162998/can-khep-toi-hinh-su-hanh-vi-su-dung-chat-cam-trong-chan-nuoi.html